Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Chiếc gùi trong đời sống các dân tộc miền Tây Bắc

25/08/2016 16:17:00 Xem cỡ chữ

Ở một góc nào đó thẳm sâu trong tâm hồn của người dân Tây Bắc, chiếc gùi như một người bạn tâm giao để họ bộc bạch nỗi niềm riêng. Từ bàn tay cần cù khéo léo, tính kiên trì và óc thẩm mỹ sáng tạo, gùi như tấm lòng người Tây Bắc thơm thảo, gắn cuộc đời với nương rẫy, núi rừng.

Chiếc gùi đã gắn bó với người dân vùng cao từ bao đời nay.

Chuyện kể rằng: xưa có đôi trai gái yêu nhau. Trai nghèo yêu con gái nhà Phình giàu có. Họ nhà Phình cho rằng chàng trai không môn đăng hộ đối với với họ nhà Phình nên ra sức ngăn cản tình yêu của đôi trai gái. Họ đã cướp hết ruộng nương, đốt nhà… khiến chàng trai phải bỏ bản đi nơi khác. Cô gái vì quá thương nhớ người yêu nên ngày đêm cô gái ra khóm tre nơi hai người đã trồng để khắc ghi lời chung thủy. Nỗi nhớ người yêu dâng trào cô gái quyết định đi tìm chàng trai. Cô liền đốn cây tre, nạo vỏ, lấy cật tre, chẻ ra lạt nhỏ rồi đan tạo thành khối hình trụ, miệng loe ra giống hình bông hoa gạo, đáy thì nhỏ các sợi đan nhau làm thành 4 góc vuông sắc cạnh. Các nan đan vắt chéo nhau tạo hình hoa văn tượng trưng cho tình yêu bất diệt, lòng chung thủy, đồng thời đó còn là niềm tin, cầu mong sự bình yên may mắn và hạnh phúc. Gùi được giữ cứng, chắc bởi 9 thanh ngang. Cô đi hết ngọn núi này, đến núi khác hết quả đồi này đến quả đồi kia và cuối cùng cô đã gặp được chàng, 2 người đã sống trọn kiếp bên nhau.

 Theo tiếng Dao, cây tre để đan gùi có tên là Lào Phin, tiếng Thái là KhảngKlúng, tiếng Mông là XungTrở. Dây làm quai đeo gùi cũng được bà con lấy từ các sợi của vỏ cây sì trong rừng. Lào Phin quý và hiếm nên bà con trồng, chăm sóc cẩn thận không lấy măng như những loại tre khác. Trồng tre được 3 năm khoảng 2 sải tay thì bà con lại đốn về đan gùi.

Không phải ngẫu nhiên gùi hình thành và có ở miền Tây Bắc. Tạo hóa thật công bằng khi ban tặng người Tây Bắc chiếc gùi thân thương, để họ có thể leo ngang sườn dốc mang thóc, ngô hay nắm rau dớn, củ măng về nhà. Nhờ gùi, cuộc sống người vùng cao đã bớt đi khó khăn, đôi tay người vùng cao đỡ phần mệt mỏi.

Bà con đeo gùi trên lưng, đựng những sản phẩm hái lượm. Cùng với con dao, cái cuốc, chiếc gùi đã gắn bó với người dân vùng cao, sẻ chia những nhọc nhằn, vất vả và trở thành vật dụng không thể thiếu trong đời sống của bà con, góp phần để những ruộng lúa, nương ngô phủ khắp núi đồi. Chiếc gùi không đơn thuần dừng lại ở vật dụng chuyên vận chuyển, gắn với sản xuất của người dân miền núi mà nó còn gửi gắm cả tâm tư, tình cảm của các chàng trai dành cho người bạn đời. Chẳng thế mà ngoài việc săn bắn, làm nương rẫy giỏi, người đàn ông vùng cao còn cần phải biết đan lát, đặc biệt là đan những chiếc gùi.

Mỗi dân tộc có những kiểu dáng gùi khác nhau và sự sáng tạo hoa văn, họa tiết riêng, tạo nên nét độc đáo của chiếc gùi. Đối với đồng bào dân tộc ở miền núi cao, bà con thường chế tác thân gùi có hình chữ V, đế nhỏ, miệng loe, gọn, thuận lợi khi lên nương làm rẫy. Còn đồng bào dân tộc ở vùng thấp hơn, chế tác miệng và đáy gùi tương đối cân đối. Dây đeo của chiếc gùi được đan bằng mây vót mỏng hoặc vỏ cây lạch. Một chiếc gùi được đan công phu bằng các loại cây mây chắc bền, có thể sử dụng được 20 năm. Khi không sử dụng, bà con thường treo gùi trên giàn bếp nên không bị mối mọt hay ẩm mốc. Gùi có nhiều loại, như: gùi thưa dùng để mang củi, mang ống nước từ rẫy, từ suối về nhà; gùi cỡ lớn, đan dày dùng đựng thóc,  ngô.

Chiếc gùi có mặt trong đời sống của đồng bào dân tộc Mông, Thái, Dao, Giáy… vùng Tây Bắc tự bao giờ không ai biết nữa, chỉ biết rằng chiếc gùi đã cùng với người dân vùng cao chia sẻ những nhọc nhằn. Mỗi khi ai đó xa quê, gùi lại là nỗi thương nhớ trong kí ức của người yêu rừng, nhớ suối…