3 xã đầu tiên của huyện Văn Chấn đạt chuẩn nông thôn mới

12/11/2016 16:17:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Huyện Văn Chấn đã có 3 xã là Phù Nham, Thượng Bằng La, Đại Lịch được UBND tỉnh ban hành Quyết định công nhận là 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

Tại các xã, bộ mặt nông thôn đã có nhiều thay đổi, đời sống của người dân được cải thiện. Hạ tầng kinh tế-xã hội phát triển rõ rệt, nhất là hệ thống giao thông nông thôn, nhà văn hóa và các công trình phục vụ phúc lợi công cộng. Bên cạnh đó, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất cũng có những chuyển biến.

Xác định rõ mục tiêu cốt lõi trong triển khai thực hiện xây dựng NTM là nâng cao thu nhập cho nhân dân, nên ngay từ khi triển khai thực hiện chương trình Đảng ủy, chính quyền các xã đã tập trung chỉ đạo, vận động nhân dân đẩy mạnh sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gắn với kinh tế tổ hợp tác, xây dựng các mô hình kinh tế thế mạnh địa phương. Xã Phù Nham trong giai đoạn 2011 - 2015 đã quy hoạch và chia thành 7 vùng phát triển kinh tế theo tiềm năng, thế mạnh; xã Thượng Bằng La quy hoạch và chia thành 6 vùng phát triển kinh tế; xã Đại Lịch quy hoạch và chia thành 5 vùng.

Những năm qua, nhờ chính sách hỗ trợ phát triển các dự án phát triển kinh tế của tỉnh, huyện, nhân dân các xã Đại Lịch, Phù Nham, Thượng Bằng La đã tích cực tham gia phát triển kinh tế như sản xuất lúa năng suất chất lượng cao, phát triển ngô vụ Đông trên đất 2 vụ lúa và hình thành các cơ sở chăn nuôi bán công nghiệp, trồng bí lấy hạt, mướp đắng...

Phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng đã phát triển rộng khắp. Tại các xã đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Số hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, có đời sống kinh tế khá ngày càng tăng. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã Phù Nham đạt mức 22 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều là 10,82%; thu nhập bình quân của xã Thượng Bằng La đạt 24 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 11,18%; xã Đại Lịch có mức thu nhập bình quân đầu người là 22 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo 9,9%.

Trong những năm qua, các xã đã tích cực phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện và Trạm Khuyến nông huyện tổ chức mở các lớp dạy nghề ngắn hạn tại địa phương, đồng thời tạo điều kiện tốt cho các doanh nghiệp hoạt động và thu hút lực lượng lao động của địa phương có việc làm thường xuyên, ổn định và nâng cao thu nhập từ lao động tại chỗ cho người dân. Số lao động có việc làm thường xuyên của xã Phù Nham đạt tỷ lệ 92,2%, Thượng Bằng La là 92%, Đại Lịch có 95,7%.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Yên Bái đã có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2020 có 25 xã trở lên đạt chuẩn NTM. Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Yên Bái tiếp tục huy động, lồng ghép các nguồn lực, sự đóng góp từ các tổ chức, cá nhân, nhân dân, kết hợp với nguồn ngân sách địa phương và sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước để thực hiện chương trình. Đồng thời cũng tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách từ tỉnh đến cơ sở thực hiện các nội dung chương trình. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Thu Nga