Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Yên Bái: Phấn đấu 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

04/03/2024 13:28:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Năm 2023, 9/9 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành việc đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (CTCPL) theo đúng quy định, kết quả có 168/173 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023, đạt tỷ lệ 97,1%, tăng 02 xã so với năm 2022.

Năm 2023, Yên Bái có 168/173 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Năm 2023, thực hiện Kế hoạch số 40/KH-UBND ngày 14/02/2023 của UBND tỉnh về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023 trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp đã làm tốt công tác tham mưu, chỉ đạo và triển khai thực hiện quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023, đồng thời ban hành quyết định kiện toàn hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật cấp huyện đảm bảo đúng, đủ thành phần số lượng theo quy định. Các xã, phường, thị trấn phân công nhiệm vụ cho cán bộ, công chức phụ trách các tiêu chí tiếp cận pháp luật theo đúng chức năng nhiệm vụ được giao.

Với vai trò là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt CTCPL trên địa bàn tỉnh, trong năm 2023, Sở Tư pháp đã tiến hành đánh giá, xác định mức độ đạt chuẩn đối với các tiêu chí xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao đối với 10 xã và thẩm định đánh giá mức độ huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và huyện nông thôn mới đối với huyện Yên Bình. Tổ chức kiểm tra công tác hòa giải ở cơ sở và xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đối với 2 huyện,18 xã, thị trấn.

Theo đánh giá của Sở Tư pháp, việc triển khai xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã được UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các chỉ tiêu, tiêu chí theo quy định tại Thông tư số 09/2021/TT-BTP; việc đánh giá công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023, được thực hiện đúng thời gian quy định, trình tự, thủ tục đánh giá, công nhận đảm bảo theo yêu cầu. 9/9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đã hoàn thành việc đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023 theo đúng quy định, kết quả có 168/173 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023, đạt tỷ lệ 97,1%, tăng 02 xã so với năm 2022. Các địa phương đã thực hiện công bố danh sách cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và danh sách cấp xã chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên Trang thông tin điện tử các huyện, thị xã, thành phố theo đúng thời gian quy định. Trong đó, thành phố Yên Bái có 14/15 xã, phường (9 phường, 5 xã) đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, 01 xã không đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; huyện Trấn Yên có 21/21 xã, thị trấn (01 thị trấn, 20 xã) đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; huyện Văn Chấn có 22/24 xã, thị trấn (03 thị trấn, 19 xã) đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; 02 xã không đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; huyện Mù Cang Chải: 14/14 xã, thị trấn (1 thị trấn, 13 xã) đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; huyện Trạm Tấu có 12/12 xã, thị trấn (01 thị trấn và 11 xã) đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; huyện Văn Yên có 25/25 xã, thị trấn (01 thị trấn, 24 xã) đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; huyện Yên Bình có 22/24 xã, thị trấn (02 thị trấn, 20 xã) đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; 02 xã không đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; thị xã Nghĩa Lộ có 14/14 xã, phường (04 phường, 10 xã) đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; huyện Lục Yên có 24/24 xã, thị trấn (01 thị trấn, 23 xã) đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Với mục tiêu phấn đấu năm 2024, 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật để đánh giá các tiêu chí, chỉ tiêu đối với cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, tỉnh Yên Bái tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền về ý nghĩa, tác động của công tác xây dựng, đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật trên cơ sở đó xác định cụ thể trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, cơ quan, đơn vị liên quan. Đặt mục tiêu xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt phải làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở để nâng cao điều kiện tiếp cận pháp luật của người dân ở cơ sở gắn với xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các ngành, đoàn thể từ huyện xuống các xã, phường, thị trấn; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá thực tiễn triển khai nhiệm vụ công nhận, xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong phối hợp thực hiện và giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí về TCPL.

Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, nhất là công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã; quan tâm đầu tư kinh phí để triển khai nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt CTCPL; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện duy trì các xã, phường, thị trấn đã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nhân dân tự giác chấp hành pháp luật.

Tiếp tục xây dựng, duy trì các mô hình hoạt động thiết thực, hiệu quả để được đánh giá, công nhận là mô hình điển hình, nhân rộng để đạt tiêu chí, chỉ tiêu xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao.

Ban Biên tập