Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Cần đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về mua bán người

08/05/2024 13:52:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Thời gian qua, công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm mua bán người được triển khai đồng bộ, quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình trạng mua bán người vẫn diễn ra với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn. Vì vậy, cần phải có sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong cuộc chiến chống mua bán người và công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Mọi cá nhân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân để không bị lừa và dụ dỗ.

Trong thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người diễn biến phức tạp, ngày càng nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng, với tính chất, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, mang tính vô nhân đạo, có sự câu kết chặt chẽ giữa các đối tượng ở trong nước với nước ngoài, được thực hiện bởi các đối tượng chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về tội phạm mua bán người.

Đặc biệt, xuất hiện nhiều đường dây phạm tội mua bán người với các thủ đoạn như “việc nhẹ, lương cao”, tổ chức cho nạn nhân vượt biên để ép buộc làm việc bất hợp pháp trên nước bạn, muốn về nước phải trả một khoản tiền chuộc lớn. Hay như lợi dụng thủ tục đơn giản trong việc kết hôn với người nước ngoài, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, du lịch, thăm thân... tháng để tổ chức cho nạn nhân ra nước ngoài, sau đó thu giữ giấy tờ tùy thân, bán sang tay nhiều chủ để cưỡng bước lao động, cưỡng bức mại dâm, ép thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản..

Theo Báo cáo của Bộ Công an, trong 05 năm (từ ngày 01/01/2018 đến 31/12/2022), trên cả nước đã phát hiện 394 vụ với 837 đối tượng vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người, trong đó xử lý hình sự 386 vụ với 808 đối tượng. Cơ quan có thẩm quyền của Bộ Quốc phòng đã khởi tố và chuyển sang cơ quan điều tra có thẩm quyền 54 vụ với 68 đối tượng. Đây là loại tội phạm có độ ẩn cao, xảy ra ở hầu hết các địa phương, trong đó tập trung ở một số tỉnh có đường biên giới với các nước láng giềng, nhất là ở vùng núi phía Bắc.

Về nạn nhân của tội phạm mua bán người 73% là phụ nữ, gần đây mua bán nam giới có xu hướng gia tăng; nạn tội là người dưới 16 tuổi chiếm 17,5%. Về đối tượng phạm tội là người trên 18 tuổi chiếm 92,3%; đặc biệt 11,4% đỗi tượng phạm tội chính là nạn nhân của các vụ mua bán trước đó; 6,3% đối tượng phạm tội là người thân thích với bị hại. Về mục đích phạm tội được xác định như để bóc lột tình dục, để cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hay vì mục đích vô nhân đạo khác. Các thủ đoạn phổ biến hiện nay như lợi dụng môi giới hôn nhân, lợi dụng việc mỗi giới đưa người đi lao động ở nước ngoài và thủ đoạn khác.

Theo thống kê của Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban chỉ đạo 138/CP), trong quý I/2024, lực lượng chức năng đã phát hiện, khởi tố mới 20 vụ/40 đối tượng (tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2023). Tổng số vụ án thụ lý điều tra trong kỳ là 84 vụ/223 đối tượng phạm tội mua bán người, xác định có 178 nạn nhân trong các vụ án (114 nam, 64 nữ); trong đó 47 vụ/124 đối tượng phạm tội mua bán người, 39 vụ/99 đối tượng phạm tội mua bán người dưới 16 tuổi.

Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 55 vụ/150 bị cáo phạm các tội về mua bán người (tăng 23 vụ/54 bị cáo so với cùng kỳ năm 2023); đã giải quyết 32 vụ/87 bị cáo (tăng 14 vụ/47 bị cáo so với cùng kỳ năm 2023).

Công tác xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm, phối hợp thực hiện nhanh chóng, bảo đảm quyền của nạn nhân và theo nguyên tắc “lấy nạn nhân là trung tâm”. Các nạn nhân sau khi giải cứu, tiếp nhận được hỗ trợ ban đầu (bố trí nơi ăn, nghỉ tạm thời, tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu, chi phí đi lại,...) và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng (hỗ trợ kinh phí ổn định cuộc sống, hỗ trợ học nghề, hỗ trợ việc làm, học văn hóa, hỗ trợ pháp lý,...) giúp nạn nhân nhanh chóng ổn định tâm lý và cuộc sống.

Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội mua, bán người tuy không mới nhưng ngày càng tinh vi, xạo quyệt và hầu hết đa số các vụ lừa nạn nhân để mua, bán đều nhằm vào hai điểm “tình” hoặc “tiền” để đưa nạn nhân vào bẫy. Tình trạng phụ nữ và trẻ em dễ sa vào cạm bẫy của tội phạm buôn người hầu hết bắt nguồn từ một số nguyên nhân như: do hạn chế về nhận thức trước những chiêu thức tinh vi của tội phạm mua, bán người; trẻ em, thanh thiếu niên thiếu sự quan tâm, dạy dỗ của gia đình; ham lợi ích vật chất, thích “việc nhẹ lương cao”…

Để phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này cần đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các văn bản pháp lý liên quan đến hoạt động mua bán người. Bên cạnh tuyên truyền về Luật Hình sự, Luật Phòng, chống mua bán người… cần chú trọng tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn, nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm; những dấu hiệu, nguy cơ trở thành nạn nhân và phương thức  phòng, tránh khỏi cạm bẫy của tội phạm mua bán người. Mọi cá nhân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân để không bị lừa và dụ dỗ. Cảnh giác với những lời dụ dỗ tìm việc làm có thu nhập cao, giúp việc trong nước, nước ngoài hoặc lấy chồng nước ngoài giàu có. Từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác hoặc không nhận tiền và tự nguyện trả nợ thay của người lạ mới quen biết…

Các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân cần nâng cao hơn nữa ý thức cảnh giác tội phạm, chung tay trong việc đẩy lùi hành vi mua bán người, tiến tới xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương, văn minh, lành mạnh.

Ban Biên tập