Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Một số điểm mới và nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)

17/10/2024 14:53:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Trên cơ sở kế thừa Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đề xuất nhiều chính sách mới nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người. Dự thảo Luật gồm 8 chương, 65 điều (tăng 07 điều so với Luật năm 2011); trong đó, xây dựng mới 10 điều, sửa đổi, bổ sung nội dung 55 điều, bỏ 03 điều. Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) khi ban hành, sẽ thay thế cho Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011.

Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) khi ban hành, sẽ thay thế cho Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011.

Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/3/2011, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2012. Việc ban hành đạo luật chuyên ngành về phòng, chống mua bán người tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán và thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam, góp phần thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong công tác phòng, chống mua bán người.

Quá trình khai thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Từ khi Luật có hiệu lực thi hành (ngày 01/01/2012) ngày 15/02/2023, tổng số vụ án về mua bán người được khởi tố là 1.744 vụ với 3.059 bị can; Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo trình tự sơ thẩm 1.661 vụ với 3.209 bị cáo; đã xét xử 1.634 vụ với 3.137 bị cáo (đạt tỉ lệ 98,4% về số vụ và 97,8% số bị cáo). Từ kết quả nêu trên cho thấy, việc triển khai thi hành Luật Phòng, chống mua bán người trong thời gian qua đã giúp kiềm chế sự gia tăng của tệ nạn mua bán người, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tăng cường quản lý Nhà nước về phòng, chống mua bán người và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đã đạt được, sau 12 năm triển khai thi hành Luật Phòng, chống mua bán người, đã đặt ra cần thiết phải tiến hành sửa đổi, bổ sung nhằm kịp thời thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước về công tác phòng, chống mua bán người; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế qua đó phát huy vai trò phòng, chống mua bán người từ cơ sở và giải quyết những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác phòng, chống mua bán người hiện nay và trong  thời gian tới.

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ Công an sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua đối với 02 dự án luật, gồm: Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật Dữ liệu.

Theo đó, Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi): khi ban hành, sẽ thay thế cho Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011. Dự thảo Luật gồm 8 chương, 65 điều (tăng 07 điều so với Luật năm 2011); trong đó, xây dựng mới 10 điều, sửa đổi, bổ sung nội dung 55 điều, bỏ 03 điều. Cụ thể:

+ Về những quy định chung tại Chương 1:

 Được giữ nguyên số điều, sửa đổi, bổ sung 06 điều, với 04 nội dung: (1) về phạm vi điều chỉnh; (2) về giải thích một số từ ngữ (mua bán người; người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; người thân thích của nạn nhân; người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; thủ đoạn khác trong mua bán người; bộ phận cơ thể người; mục đích vô nhân đạo khác; nạn nhân; bóc lột tình dục; cưỡng bức lao động); (3) về các hành vi bị nghiêm cấm (thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai; dung túng, bao che, tiếp tay, cản trở, can thiệp, tác động, không xử lý hoặc xử lý không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi mua bán người; cản trở việc giải cứu tiếp nhận, bảo vệ, xác minh, hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân); (4) về nguyên tắc và chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người; quyền và nghĩa vụ của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

+ Về phòng ngừa; phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người tại Chương 2 và Chương 3:

 Được bổ sung 03 điều, gồm: Điều 11 quy định về kiểm soát người, phương tiện xuất nhập cảnh; Điều 12 quy định về trao đổi thông tin để kiểm soát xuất nhập cảnh; Điều 21 quy định về trách nhiệm của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia phòng ngừa mua bán người; đồng thời, sửa đổi, bổ sung 17 điều nhằm hoàn thiện các quy định để phát huy vai trò phòng, chống mua bán người từ cơ sở, nâng cao công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người.

+ Về tiếp nhận, xác minh, xác định và bảo vệ nạn nhân tại Chương 4:

 Được bổ sung 03 điều và sửa đổi, bổ sung 08 điều, cụ thể: bổ sung Điều 29 quy định về giải cứu, tiếp nhận, xác minh nạn nhân đang ở nước ngoài; Điều 31 quy định về tiếp nhận, xác minh và trao trả người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam; Điều 34 về đối tượng và điều kiện được bảo vệ.

Sửa đổi, bổ sung 08 quy định về: (1) tiếp nhận, xác minh người đến trình báo là nạn nhân; (2) tiếp nhận, xác minh nạn nhân được giải cứu; (3) tiếp nhận, xác minh nạn nhân từ nước ngoài trở về; (4) căn cứ để xác định nạn nhân; (5) giấy tờ, tài liệu xác nhận nạn nhân và thẩm quyền cấp giấy tờ, tài liệu xác nhận nạn nhân; (6) giải cứu, bảo vệ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định nạn nhân; (7) biện pháp bảo vệ và thẩm quyền áp dụng; (8) bảo vệ bí mật thông tin về nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

Việc sửa đổi, bổ sung nêu trên nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc về tiếp nhận, xác minh, xác định và bảo vệ nạn nhân trong thời gian qua; đồng thời, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, thống nhất với quy định của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, tố cáo.

+ Về hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân tại Chương 5: bổ sung Điều 39 quy định về hỗ trợ chi phí đi lại; Điều 45 về hỗ trợ chi phí phiên dịch nếu nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân không biết, không hiểu tiếng Việt; đồng thời, sửa đổi, bổ sung 09 điều về chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, như: Hỗ trợ về nhu cầu thiết yếu; chi phí đi lại; y tế; tâm lý; trợ giúp pháp lý; phiên dịch...

Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm cụ thể hóa chính sách về quy định chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và hoàn thiện quy định về quyền của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân bảo đảm khắc phục những bất cập thời gian qua, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay, phù hợp với cam kết của Việt Nam liên quan đến bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

+ Về quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan về phòng, chống mua bán người tại Chương 6: bổ sung Điều 48 về nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người; bỏ 02 điều về trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo và trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân; sửa đổi, bổ sung 10 điều nhằm bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành; đồng thời, quy định cụ thể hơn trách nhiệm của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp về phòng, chống mua bán người.

+ Về hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người tại Chương 7: được giữ nguyên về số điều, sửa đổi, bổ sung 04 điều.

+ Về điều khoản thi hành tại Chương 8: bổ sung 02 điều; sửa đổi, bổ sung 01 điều về “Hiệu lực thi hành”; bỏ 01 điều quy định về hướng dẫn thi hành của Luật năm 2011.

Ban Biên tập