Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Hội LHPN tỉnh Yên Bái: Tiếp tục phát huy, đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục, vận động phụ nữ thực hiện chủ trương, luật pháp, chính sách

19/11/2018 10:40:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Nhiệm kỳ 2011 - 2016, các cấp Hội phụ nữ tỉnh Yên bái đã tích cực tuyên truyền, giáo dục vận động phụ nữ thực hiện chủ trương, đường lối và Nghị quyết của Đảng các cấp, tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với Nghị quyết Đại hội phụ nữ các cấp góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Công tác tuyên truyền đã có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức, tập trung tuyên truyền cả về bề rộng và chiều sâu, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng và sự quan tâm của hội viên phụ nữ.

Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh đã phát huy được vai trò, bám sát vào nhiệm vụ chính trị và sự chỉ đạo của cấp ủy, Đoàn Chủ tịch TW Hội, có nhiều sáng tạo trong các hoạt động tại cơ sở. Chỉ đạo các cơ sở Hội tổ chức cho cán bộ, hội viên phụ nữ đăng ký, thực hiện việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang gắn với xây dựng gia đình văn hoá, gia đình 5 không, 3 sạch; Phong trào“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và Phong trào “Phụ nữ cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các huyện, thị, thành phố xây dựng mô hình điểm về tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ gắn với 11 điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Đã có nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trong việc thực hiện tốt 4 nội dung phẩm chất đạo đức và các phong trào, các Cuộc vận động.

Để tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ nâng cao trình độ nhận thức, các cấp Hội đã phối hợp với ngành Giáo dục tổ chức xóa mù chữ cho 1.685 phụ nữ; chỉ đạo cơ sở Hội xây dựng tủ sách báo, tài liệu tuyên truyền phục vụ sinh hoạt Hội. Đến nay 100% cơ sở Hội có tủ sách, các chi hội có hòm sách; có 635 xã/chi/ tổ đặc biệt khó khăn được cấp miễn phí báo Phụ nữ Việt Nam chuyên đề “Dân tộc & miền núi” (đạt 85%/70% đạt 121,4%).

Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh thường xuyên biên soạn, phát hành ấn phẩm, cấp phát tài liệu sinh hoạt hội viên, tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày văn hóa đọc, tọa đàm Phụ nữ với phong trào đọc sách báo.

Hội đã đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền như: Sinh hoạt theo nhóm đối tượng phụ nữ tại các địa phương; tuyên truyền gương điển hình trên các phương tiện thông tin đại chúng; gắn sinh hoạt chi/tổ phụ nữ với sinh hoạt chuyên đề; tổ chức các hội thi, liên hoan, hát ru, hát dân ca; tổ chức các giải bóng đá nữ, bóng chuyền, cầu lông. 180/180 cơ sở Hội duy trì ít nhất một hình thức văn hóa văn nghệ/thể dục thể thao với 75 câu lạc bộ dưỡng sinh, 400 Câu lạc bộ TDTT, 102 đội bóng chuyền nữ, 27 đội bóng đá nữ, 350 đội văn nghệ trên toàn tỉnh (đạt 151/100% chỉ tiêu KH toàn khóa, vượt 51%). Ngoài ra, các cấp Hội còn tổ chức các hoạt động ngày Phụ nữ sáng tạo, tọa đàm, trưng bày các sản phẩm tranh, ảnh và các tài liệu nhân các ngày lễ, sự kiện chính trị - xã hội của đất nước, của tỉnh, của Hội...  qua đó khuyến khích, thúc đẩy tinh thần và khả năng sáng tạo của phụ nữ, đồng thời phát hiện, biểu dương, tôn vinh các cá nhân, đơn vị có các sản phẩm, ý tưởng sáng tạo của các tầng lớp phụ nữ các dân tộc tỉnh Yên Bái.

Công tác tuyên truyền đã có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức, tập trung tuyên truyền cả về bề rộng và chiều sâu, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng và sự quan tâm của hội viên phụ nữ. Qua đó, từng bước nâng cao trình độ hiểu biết mọi mặt, tạo chuyển biến trong nhận thức xây dựng được ý thức về sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật trong cán bộ, hội viên phụ nữ, đồng thời phát huy những giá trị tuyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, xây dựng hình ảnh người phụ nữ hiện đại trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cũng trong nhiệm kỳ qua các cấp Hội đã nỗ lực, chủ động trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ tham mưu đề xuất, tham gia xây dựng, phản biện và giám sát luật pháp, chính sách về bình đẳng giới, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến hội viên phụ nữ, thực hiện vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ trên các lĩnh vực.

Nhiệm kỳ qua, Hội tỉnh đã xây dựng, đề xuất 3 đề tài, 07 đề án, dự án trong đó đã nghiên cứu và đưa vào thực nghiệm tại các địa bàn. Tích cực hướng dẫn hội viên tham gia phản biện đóng góp ý kiến vào nội dung các dự thảo Hiến pháp, Luật, Bộ luật sửa đổi như: Hiến pháp 2013 sửa đổi, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bảo hiểm xã hội, Pháp lệnh Dân tộc tôn giáo, Luật Nghĩa vụ quân sự, Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật dân sự, Văn kiện Đại hội Đảng các cấp, Đại hội phụ nữ các cấp, các chính sách có liên quan. Kết quả đã tổ chức cho 96% hội viên phụ nữ học tập và tham gia trên 140.000 lượt ý kiến vào các dự thảo, 120 ý kiến có chất lượng tham gia tại các kỳ họp Quốc Hội, Hội đồng nhân dân các cấp.

Bằng các hình thức đối thoại, tọa đàm, Hội thảo, lấy ý kiến hội viên hoạt động giám sát các chính sách về an sinh xã hội, nhiệm kỳ 2011-2016, có 36 cuộc giám sát cấp tỉnh, huyện và 147/180 cuộc  giám sát tại cơ sở, nhiều ý kiến đóng góp đã được các cấp các ngành tiếp thu thực hiện như: Đề xuất chính sách hỗ trợ thân nhân liệt sỹ mẹViệt Nam anh hùng; tăng tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; chính sách hỗ trợ hộ nghèo... Qua giám sát bước đầu đã khẳng định được vai trò, trách nhiệm, năng lực của Tổ chức Hội trong thực hiện chức năng đại diện tham gia quản lý Nhà nước.

Nhiệm kỳ 2017 - 2021, các cấp Hội tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục vận động phụ nữ thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Hội cấp trên. Đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động theo hướng làm cho phụ nữ hiểu được giá trị, năng lực của bản thân, từ đó chủ động giải quyết các khó khăn của chính mình. Ứng dụng công nghệ thông tin và các hình thức truyền thông đa phương tiện, đa dạng hóa các sản phẩm truyền thông phù hợp các nhóm đối tượng vùng miền, đặc biệt quan tâm đối tượng phụ nữ tôn giáo, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông tại cộng đồng thông qua các kỳ sinh hoạt chi tổ Hội, hội thi, tọa đàm, đối thoại. Nội dung truyền thông đảm bảo tính thời sự, cấp thiết và phản ánh được những vấn đề nóng bỏng của đời sống, như: Tổ chức các buổi truyền thông về bình đẳng giới, về quyền và nhân phẩm của phụ nữ, nâng cao nhận thức xã hội về bình đẳng giới, kỹ năng sống, kiến thức gia đình cho phụ nữ và trẻ em gái; nâng cao cảnh giác với các loại tội phạm.

Củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, sử dụng hiệu quả cộng tác viên từ cơ sở, tình nguyện viên từ các ngành, các lĩnh vực. Phát huy vai trò của các tổ chức thành viên trong nâng cao kiến thức, kỹ năng cho hội viên, phụ nữ.

Thường xuyên tổ chức các hoạt động liên hoan văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao, tham quan địa danh lịch sử của địa phương. Tăng cường quảng bá hình ảnh phụ nữ và các tổ chức Hội, đặc biệt vào các dịp ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), Quốc tế hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Ngày Thành lập Hội và Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11)... nhằm nâng cao thể lực, tạo không khí đoàn kết, phấn khởi, cải thiện đời sống tinh thần góp phần thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Phát hiện, tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến để thi đua thực sự trở thành động lực của phong trào phụ nữ. Mở các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, các hoạt động biểu dương khuyến khích phụ nữ sáng tạo.

Với sự nỗ lực, sáng tạo, đổi mới của chị em phụ nữ trong tỉnh, công tác tuyên truyền giáo dục, vận động phụ nữ thực hiện chủ trương, luật pháp, chính sách được các cấp Hội vận dụng linh hoạt, sáng tạo đã góp phần cùng toàn tỉnh thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh nhà./.

Ban Biên tập