Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Trấn Yên: Đưa pháp luật vào cuộc sống

03/04/2019 15:20:00 Xem cỡ chữ
Những năm qua, Phòng Tư pháp huyện Trấn Yên luôn chủ động tham mưu với UBND huyện về công tác xây dựng và thi hành pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật; kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; kiểm soát thủ tục hành chính; phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL)… góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân.

Người dân xã Y Can tìm hiểu các chính sách, pháp luật.

Để thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao, hàng năm, Phòng Tư pháp huyện luôn chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện công tác quản lý Nhà nước thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Việc tuyên truyền PBGDPL được đa dạng hóa với nhiều hình thức như: giới thiệu văn bản pháp luật, câu chuyện pháp luật, giải đáp pháp luật, phát tờ rơi, hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý, xây dựng hương ước, quy ước thôn, bản, khu dân phố văn hóa.

Nội dung tuyên truyền cũng được chọn lọc, tập trung vào một số luật mới ban hành có hiệu lực với 500 buổi cho gần 30.000 lượt người nghe; cấp phát gần 1.000 tài liệu pháp luật ở cơ sở; đăng tải gần 200 tin, bài chuyên mục pháp luật với cuộc sống và phát trên hệ thống phát thanh từ huyện đến cơ sở; treo 30 băng rôn, khẩu hiệu về Ngày Pháp luật Việt Nam...

Đồng thời, phối hợp với Sở Tư pháp và các tổ chức đoàn thể và chính quyền các địa phương tổ chức trợ giúp pháp lý, tư vấn miễn phí cho hàng ngàn lượt người tham gia.

Ông Nguyễn Tâm Trí - Trưởng phòng Tư pháp huyện Trấn Yên cho biết: "Bộ phận tư pháp cấp huyện có 2 cán bộ và cấp xã, thị trấn, có 21 cán bộ (xã Vân Hội chưa có cán bộ tư pháp). Về trình độ, có 7 đồng chí có trình độ đại học luật, còn lại trình độ trung cấp luật. Hàng ngày, đội ngũ cán bộ tư pháp hiện đang phải giải quyết một khối lượng lớn công việc như: đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh, khai tử, nhận con nuôi, nhận cha, mẹ, con, thay đổi họ, tên, xác nhận tình trạng hôn nhân… Cán bộ tư pháp còn thường xuyên giúp UBND xã trong việc rà soát, ban hành văn bản, phối hợp với các tổ chức đoàn thể tham gia hòa giải ở cơ sở… Với khối lượng công việc như vậy, thời gian tới, một số xã của huyện cần phải có 2 cán bộ tư pháp mới đáp ứng được mọi công việc được giao”.

Đánh giá công tác hộ tịch – chứng thực lĩnh vực tư pháp những năm gần đây cho thấy, khối lượng công việc năm sau đều tăng hơn năm trước. Năm 2017, Phòng thụ lý, trình UBND huyện giải quyết 149 hồ sơ về lĩnh vực hộ tịch, năm 2018 là 263 hồ sơ. Công tác chứng thực năm 2017 là 2.404 việc, năm 2018 là 3.370 việc. Cấp xã, thị trấn đăng ký khai sinh năm 2017 là 1.506 trường hợp, năm 2018 tăng lên 4.913 trường hợp… Ngoài ra, công tác chứng thực bản sao từ bản chính đối với cấp xã, thị trấn cũng đạt gần 60.000 bản/năm và chứng thực hợp đồng giao dịch đạt gần 2.000 việc/năm…

Tuy công tác tuyên truyền, PBGDPL của huyện Trấn Yên đã đạt được nhiều kết quả tích cực song trong quá trình triển khai vẫn còn những hạn chế như: hiệu quả triển khai công tác theo dõi thi hành pháp luật chưa cao, chưa phản ánh đúng khó khăn trong việc thi hành pháp luật tại cơ sở; nguồn nhân lực làm công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở còn thiếu về số lượng, hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ; kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ cho công tác PBGDPL còn hạn hẹp, công tác kiểm tra chưa thường xuyên, xử lý các vi phạm chưa nghiêm khắc mới chỉ ở mức độ nhắc nhở, rút kinh nghiệm…

Vì vậy, thời gian tới, Phòng Tư pháp huyện Trấn Yên tiếp tục đa dạng hóa phương pháp tuyên truyền PBGDPL, không chỉ thông qua các hội nghị, hệ thống truyền thanh, công tác hòa giải mà sẽ đưa vào chương trình hoạt động của các câu lạc bộ dưới nhiều hình thức để mọi người sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Theo Báo Yên Bái