Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Yên Bái xây dựng thí điểm mô hình “Hội đồng trẻ em”- Đưa Luật Trẻ em vào cuộc sống

31/12/2019 09:41:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT – Yên Bái là một trong 5 tỉnh, thành phố được Hội đồng Đội Trung ương lựa chọn xây dựng thí điểm mô hình “Hội đồng trẻ em” theo Quyết định số 1235/QĐ-TTg ngày 3/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em giai đoạn 2016 - 2020. Cùng với đó tỉnh Yên Bái đã làm rất tốt việc đưa Luật Trẻ em vào cuộc sống và đạt nhiều kết quả cao.

Văn Chấn - Giáo dục kỹ năng giao tiếp giúp các em học sinh tự tin hơn

Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em

Thời gian qua, tỉnh Yên Bái thường xuyên duy trì hoạt động của các câu lạc bộ trẻ em nòng cốt, diễn đàn trẻ em các cấp, sự kiện sáng kiến chấm dứt bạo lực trẻ em, hỗ trợ hoạt động Hội đồng trẻ em cấp tỉnh… từ đó tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em ở các địa phương trong tỉnh, giúp các em bày tỏ quan điểm, nguyện vọng của mình.

Thành viên các câu lạc bộ trẻ em huyện Văn Chấn tham gia tập huấn truyền thông kỹ năng sống.

 

Ghi nhận tại Diễn đàn trẻ em tỉnh năm 2019 vừa qua có thể nhận thấy quyền tham gia của trẻ em đã được thực hiện một cách nghiêm túc với sự tham gia của 160 trẻ đại diện cho trên 200.000 trẻ em trên địa bàn tỉnh. 

Với chủ đề "Trẻ em với các vấn đề về trẻ em”, trẻ em đã đưa ra 8 thông điệp về xây dựng môi trường sống từ gia đình, nhà trường cho đến xã hội lành mạnh cho trẻ em bằng các sản phẩm truyền thông trưng bày (tranh vẽ) và truyền thông qua hình thức nghệ thuật sân khấu hóa. Đại biểu trẻ em cũng đặt nhiều câu hỏi cho lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan như: cơ quan chức năng sẽ bảo vệ, chăm sóc trẻ bị xâm hại tình dục như thế nào; biện pháp giảm thiểu lao động trẻ em; giải pháp phòng tránh, chấn chỉnh tình trạng bạo lực học đường và hút thuốc trong nhà trường... Đây cũng là dịp để các ngành chức năng nhìn nhận, đánh giá lại công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em thuộc trách nhiệm của mình. 

Ngoài ra, với mục tiêu nâng cao năng lực trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật, chính sách về bảo đảm quyền tham gia của trẻ em cho các cấp chính quyền, các tổ chức, trong năm 2018, tỉnh đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực thúc đẩy quyền tham gia của trẻ cho 90 giáo viên phụ trách Đội, cán bộ Đoàn Thanh niên, 90 trẻ trong các câu lạc bộ trường học tại các huyện Trấn Yên, Lục Yên và thị xã Nghĩa Lộ. 

Chị Đoàn Thị Mai - Trợ lý Dự án Chấm dứt bạo lực trẻ em thuộc Chương trình vùng huyện Văn Chấn cho biết: "Trong những chuyến khảo sát tại các thôn, bản tại các xã đặc biệt khó khăn nằm trong khuôn khổ của Dự án, chúng tôi được tiếp xúc, lắng nghe và tiếp thu các ý kiến, nguyện vọng của rất nhiều trẻ em. Dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về vật chất nhưng khi được hỏi em cần gì để thay đổi cuộc sống thì gần như 100% trẻ em được hỏi không nhắc tới hoặc đặt vấn đề cơm no, áo ấm đằng sau mong muốn được người lớn lắng nghe và tôn trọng ý kiến của bản thân các em".  

Có thể thấy, trẻ em dù ở vùng thấp hay vùng cao, dù được hưởng đầy đủ điều kiện về kinh tế hay nghèo khó thì đều có mong muốn hàng đầu là được lắng nghe, được tự do bày tỏ quan điểm về tất cả các vấn đề có tác động đến trẻ. Đó là nhu cầu, nguyện vọng của trẻ và cũng là một trong bốn nhóm quyền của trẻ bên cạnh quyền sống, quyền được bảo vệ, quyền được phát triển. 

Ngoài trách nhiệm, vai trò của gia đình, để thúc đẩy quyền tham gia của trẻ, nhiều năm qua, tỉnh đã duy trì hoạt động của các câu lạc bộ trẻ em nòng cốt tại các huyện Lục Yên, Văn Yên, Trạm Tấu, Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ giúp trẻ nâng cao năng lực bảo vệ trẻ em tại cộng đồng, có kỹ năng ứng phó trước những rủi ro, thể hiện quyền tham gia, bày tỏ nguyện vọng, nói lên tiếng nói của mình. 

Bên cạnh đó, để trẻ được tự do phát biểu, suy nghĩ, hội họp và tiếp cận thông tin, thúc đẩy lợi ích tốt nhất của trẻ và tăng cường sự phát triển cá nhân, các hoạt động thường niên: diễn đàn trẻ em các cấp, sáng kiến do trẻ khởi xướng, liên hoan thiếu nhi nghèo vượt khó, hỗ trợ hoạt động hội đồng trẻ em cấp tỉnh được tổ chức. 

Thực hiện thúc đẩy quyền tham gia của trẻ sẽ là một phương tiện quan trọng để trẻ em được sống trong xã hội như những công dân năng động và góp phần thay đổi mối quan hệ quyền lực giữa trẻ em và người lớn.

Tích cực đưa Luật Trẻ em vào cuộc sống

Tháng 6/2017, Luật Trẻ em 2016 chính thức có hiệu lực đánh dấu bước chuyển trong thực hiện quyền trẻ em. Sau 2 năm triển khai thực hiện Luật, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em (BVCSTE) trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã đạt được nhiều kết quả.

Luật Trẻ em có nhiều điểm mới quy định chi tiết hơn về chính sách và biện pháp cơ bản về chăm sóc, giáo dục, văn hóa, thông tin, đặc biệt là bảo vệ và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em. Vấn đề này được tỉnh đặc biệt quan tâm, thông qua việc tổ chức phong phú các hoạt động: Diễn đàn trẻ em, các hội nghị, cuộc thi, các cuộc giao lưu, gặp mặt, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao…

Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của toàn xã hội về quyền tham gia của trẻ em và trách nhiệm thực hiện các mục tiêu chương trình vì trẻ em của tỉnh; đồng thời, tạo cơ hội cho các em được tiếp cận thông tin, được chia sẻ sự hiểu biết và nói lên quan điểm, đề xuất các sáng kiến của mình về việc thực hiện các mục tiêu về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. 

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), hiện toàn tỉnh có hơn 228.000 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó, có gần 4.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hơn 60.000 trẻ em sống trong hộ gia đình nghèo, trên 2.000 trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. 

Từ thời điểm Luật Trẻ em chính thức có hiệu lực, Ban Chỉ đạo công tác BVTE tỉnh đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trẻ em lồng ghép với việc triển khai Luật theo các chương trình BVCSTE. 

Tỉnh đã thực hiện các quyết định và kết luận của Thủ tướng Chính phủ triển khai chương trình BVTE giai đoạn 2016 - 2020; các chương trình: phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em, hành động vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em... 

Đồng thời, triển khai các hoạt động: Dự án chấm dứt bạo lực đối với trẻ em - EVAC; xây dựng Quỹ Bảo trợ trẻ em bình quân mỗi năm đạt từ 2 đến 2,2 tỷ đồng… 

Với những chương trình thiết thực, năm 2018, 100% xã, phường của tỉnh đã đăng ký xã, phường phù hợp với trẻ em, đã có 158/180 xã, phường được công nhận đạt tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em. 

Các doanh nghiệp tại các địa phương được tuyên truyền và thay đổi thái độ, hành vi, nhận thức về vấn đề lao động trẻ em và cam kết cùng hành động để giảm thiểu lao động trẻ em. 

Tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình BVCSTE, đặc biệt quan tâm tới trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS. Các cấp, các ngành, địa phương chủ động nắm bắt tình hình, giải quyết kịp thời các vụ việc cũng như quan tâm nhiều hơn đến các hoạt động trợ giúp trẻ em là nạn nhân của các hành vi xâm hại, bạo lực, ngược đãi... 

Các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên quan tâm lãnh đạo, thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo pháp luật về thực hiện quyền trẻ em. Các vụ xâm hại trẻ em được phát hiện trên địa bàn tỉnh đều được can thiệp và xử lý kịp thời. 

Trong hai năm 2017 - 2018, thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp, tỉnh đã phối hợp triển khai phẫu thuật miễn phí cho 18 trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh; trao học bổng, tặng xe đạp, bảo trợ hàng tháng, xây nhà ở cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em nghèo, trẻ em mồ côi. Ngoài ra, hàng năm, tỉnh trích ngân sách hỗ trợ chương trình sữa học đường cho hàng nghìn trẻ em, góp phần cải thiện dinh dưỡng, tầm vóc cho trẻ... 

Với sự vào cuộc triển khai tích cực, tỉnh Yên Bái đang từng bước đưa Luật Trẻ em vào cuộc sống. Để Luật phát huy vai trò, hiệu quả thực tiễn hơn nữa, thời gian tới, song song với công tác tuyên truyền, tỉnh sẽ tiếp tục đưa các mục tiêu về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành tạo sự đồng bộ, thống nhất để thực hiện có hiệu quả công tác trẻ em. 

 

 

 

Ban Biên tập