Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Khó khăn thực hiện Nghị định 116

12/01/2017 10:31:00 Xem cỡ chữ
Nghị định 116/2010/NĐ-CP, ngày 24/12/2010 của Chính phủ có nội dung về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Thời gian qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, chủ động, tích cực tham gia xây dựng, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Trong đó có Nghị định 116/2010/NĐ-CP, ngày 24/12/2010 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (Nghị định 116/CP), góp phần chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho cán bộ công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK).

Hiện nay, toàn tỉnh có 42.381 công nhân viên chức, lao động (CNVCLĐ) ở các đơn vị có tổ chức công đoàn. Trong đó có 40.834 đoàn viên ở 1.118 công đoàn cơ sở do LĐLĐ tỉnh quản lý. Ngoài ra, có 5.231 đoàn viên ở 20 công đoàn cơ sở các doanh nghiệp, đơn vị trung ương đóng trên địa bàn tỉnh.

Theo LĐLĐ tỉnh, năm 2016, tình hình việc làm của CNVCLĐ nói chung tương đối ổn định, các đơn vị có tổ chức công đoàn do LĐLĐ tỉnh quản lý có 0,72% lao động không có việc làm hoặc không có việc làm thường xuyên, thu nhập bình quân khối hành chính sự nghiệp là trên 4,8 triệu đồng/người/tháng, khối sản xuất, kinh doanh là trên  3,8 triệu đồng/người/tháng (đối với người lao động có đủ việc làm).

Nhìn chung, việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo Nghị định 103/2012/NĐ-CP, Nghị định 182/2013/NĐ-CP, Nghị định 103/2014/NĐ-CP của Chính phủ và việc nâng lương cho công nhân lao động ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, trong thực hiện Nghị định 116/CP ở Yên Bái đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc.

Theo Nghị định 116/CP, thời gian hưởng phụ cấp thu hút đối với công chức, viên chức được điều động đến vùng có điều kiện kinh tế - xã hội ĐBKK tối đa là 5 năm, do đó, một bộ phận công chức, viên chức đã hết thời hạn luân chuyển nhưng chưa được điều động trở về vùng thuận lợi không tiếp tục được hưởng mà chuyển sang hưởng phụ cấp công tác lâu năm mức tối đa là 1,0 nhân với mức lương cơ sở.

Với mức lương này chưa đủ hấp dẫn để người lao động gắn bó lâu dài tại địa phương. Mặt khác, hiện nay, Sở Nội vụ quy định thời điểm được hưởng trợ cấp lần đầu sau 3 năm đối với nữ và sau 5 năm đối với nam là chưa thống nhất với thời điểm hưởng trợ cấp lần đầu của Nghị định số 61/2006/NĐ-CP và Nghị định số 19/2013/NĐ-CP đã quy định “Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục khi được luân chuyển đến công tác ở vùng có điều kiện - kinh tế xã hội ĐBKK được hưởng trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương tối thiểu chung cho một người tại thời điểm nhận công tác, luân chuyển ghi trong quyết định luân chuyển”.

Đối với cán bộ công chức, viên chức các xã thuộc vùng được hưởng chế độ theo quy định của Nghị định 116/CP đã được thực hiện đầy đủ theo quy định của Nhà nước. Đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên và người lao động trong ngành giáo dục đã được thực hiện, tuy nhiên đến nay, việc chi trả kinh phí cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và người lao động vẫn chưa được thực hiện đầy đủ do nguồn ngân sách Nhà nước chưa cấp về địa phương, chậm trễ do thực hiện thủ tục. Tỉnh cũng chưa có văn bản hướng dẫn quy định thời điểm và số lần xét duyệt hoặc định kỳ xét duyệt phụ cấp công tác lâu năm hệ số 0,5, từ 0,5 lên 0,7, từ 0,7 lên 1,0 làm cơ sở tham mưu cho UBND huyện ra quyết định công nhận hệ số phụ cấp công tác lâu năm hiện hưởng. Đồng thời cũng chưa có quy định hàng năm rà soát, xác định đối tượng hưởng trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc nghỉ hưu. Vì hàng năm, theo yêu cầu nhiệm vụ vẫn có những đối tượng cần luân chuyển giữa các vùng 1, 2, 3; các chế độ trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ quy định tại Điều 10 Nghị định 116/CP chưa được thực hiện. Đặc biệt, vì cụm từ “và từ nguồn thu hợp pháp của đơn vị sự nghiệp” tại điểm b, Khoản 1, Điều 11, Nghị định 116/CP nhưng trong thực tế, khi đơn vị lập dự toán phần phát sinh chi trả cho các đối tượng thuộc diện áp dụng Nghị định 116/CP thì phần trích từ nguồn thu hợp pháp chưa được quy định cụ thể nên khó khăn, phức tạp trong quá trình duyệt dự toán dẫn đến chậm trễ hoặc không duyệt được dự toán, ảnh hưởng tới thực hiện chế độ cho người lao động. 

Để chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội ĐBKK thực sự là nguồn động viên, khích lệ cán bộ, LĐLĐ tỉnh đề nghị kéo dài thời gian hưởng phụ cấp thu hút đối với cán bộ công chức, viên chức được điều động từ vùng thuận lợi đến vùng có điều kiện kinh tế xã hội ĐBKK đã hết thời hạn luân chuyển nhưng chưa được điều động về vùng thuận lợi. Đồng thời cần quy định rõ thời điểm được hưởng trợ cấp lần đầu của Nghị định 116/CP thống nhất với thời điểm hưởng trợ cấp lần đầu của Nghị định số 61/2006/NĐ-CP và Nghị định số 19/2013/NĐ-CP.

Cần quy định thời điểm và số lần xét duyệt hoặc định kỳ xét duyệt phụ cấp công tác lâu năm hệ số 0,5, từ 0,5 lên 0,7, từ 0,7 lên 1,0; hàng năm, tổ chức rà soát, xác định đối tượng hưởng trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội ĐBKK hoặc nghỉ hưu. Sở Tài chính cần cấp kinh phí trợ cấp lần đầu; trợ cấp chuyển công tác ra khỏi vùng ĐBKK hoặc nghỉ hưu; trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ trong dự toán chi ngân sách hàng năm, theo đúng quy định của Nghị định số 116/CP.

Về phía Nhà nước, cần có cơ chế bổ sung ngân sách thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị định số 116/CP, đặc biệt cần bổ sung thực hiện chính sách đối với giáo viên mầm non hợp đồng làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội ĐBKK; cần có quy định chi tiết, cụ thể về trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan chức năng trong việc thực hiện chi trả chế độ cho các đối tượng được hưởng trong Nghị định 116/CP, tránh trường hợp chậm chi trả hoặc không chi trả hoặc chi trả không đầy đủ cũng không bị pháp luật xử lý, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Về lâu dài, nên xây dựng một nghị định mới trên cơ sở tích hợp những nội dung của các nghị định đã có (có cùng nội dung điều chỉnh) để thay thế Nghị định 61/CP, Nghị định số 116/2010/NĐ-CP, Nghị  định 19/2013/NĐ-CP để thuận lợi cho việc tra cứu văn bản, triển khai thực hiện đạt hiệu quả, tránh trường hợp quá nhiều văn bản khi điều chỉnh một nội dung...

 

Theo Báo Yên Bái