Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Luật Trợ giúp pháp lý - công cụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng yếu thế

10/12/2020 15:47:00 Xem cỡ chữ
Luật Trợ giúp pháp lý có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 không chỉ là công cụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng yếu thế, đối tượng đặc thù trong xã hội mà còn góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Hỗ trợ pháp lý cho người dân

Luật Trợ giúp pháp lý cùng với hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật được ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng để Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước Yên Bái tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý cho những người thụ hưởng chính sách nhân đạo của Nhà nước về trợ giúp pháp lý .

Để Luật Trợ giúp pháp lý thực sự đi vào cuộc sống, những năm qua, Trợ giúp pháp lý Nhà nước Yên Bái đã triển khai nghiêm túc các hoạt động Trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh; ban hành theo thẩm quyền hoặc tham mưu Sở Tư pháp, HĐND tỉnh phối hợp liên ngành về Trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng; ban hành hoặc trình UBND tỉnh ban hành các kế hoạch hoạt động về Trợ giúp pháp lý; thường xuyên tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Luật và các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động Trợ giúp pháp lý.

Tham mưu tổ chức Hội nghị quán triệt, phổ biến những điểm mới của Luật Trợ giúp pháp lý  năm 2017 cho đội ngũ những người làm công tác pháp luật; xây dựng kế hoạch và thực hiện trên 200 đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý tại các xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn; phối hợp với các trung tâm Văn hóa và truyền thông các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải xây dựng và phát hơn 100 chuyên mục phát thanh về Trợ giúp pháp lý bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc thiểu số, tiếp sóng trên hệ thống truyền thanh của các xã; thực hiện tuyên truyền qua Trang Thông tin điện tử Sở Tư pháp, Bản tin Tư pháp, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; rà soát, cung cấp, lắp đặt trên 100 bảng thông tin, hộp tin về Trợ giúp pháp lý tại UBND các xã và các cơ quan tiến hành tố tụng; cấp phát hàng trăm tờ rơi, tờ gấp pháp luật cho người dân; tổ chức 6 lớp tập huấn kiến thức pháp luật và nghiệp vụ Trợ giúp pháp lý tại các huyện: Mù Cang Chải, Lục Yên, Văn Yên và Trạm Tấu; thực hiện 165 đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý đến các xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn… 

Nhờ tích cực trong công tác tuyên truyền về Trợ giúp pháp lý, nhận thức của các cơ quan, đơn vị về chức năng, phạm vi, lĩnh vực hoạt động và sự cần thiết của Trợ giúp pháp lý ngày càng được nâng cao, nhận được sự tin tưởng của cấp ủy, chính quyền địa phương; đối tượng thuộc diện Trợ giúp pháp lý được hướng dẫn, thông báo về Trung tâm thường xuyên hơn; số lượng vụ việc thực hiện Trợ giúp pháp lý tăng lên đáng kể, đặc biệt là vụ việc Trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng. Đến nay, Trung tâm thực hiện Trợ giúp pháp lý 1.338 vụ việc cho 1.338 đối tượng (tham gia tố tụng là 587 vụ việc, tư vấn pháp luật 751 vụ việc); 95% vụ việc thực hiện Trợ giúp pháp lý được đánh giá đạt chất lượng khá trở lên. 

Sau hơn hai năm triển khai Luật TGPL năm 2017, hoạt động Trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện khá toàn diện và hiệu quả. Việc tham gia tố tụng của trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện Trợ giúp pháp lý đã góp phần quan trọng bảo đảm các vụ án được giải quyết, xét xử khách quan, chính xác, đúng pháp luật; quyền và lợi ích hợp pháp của người có công với cách mạng, người nghèo, trẻ em, người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng yếu thế khác được bảo vệ; hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của người dân được nâng cao. 

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra, đưa công tác trợ giúp pháp lý thực sự trở thành một chính sách xã hội rộng lớn của Đảng và Nhà nước đến với người nghèo và các đối tượng yếu thế khác.