Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trong công nhân, viên chức, lao động năm 2022

12/08/2022 08:50:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Hướng dẫn số 51/HD-TLĐ về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong công nhân, viên chức, lao động năm 2022 trong hệ thống Công đoàn, nhằm thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL trong công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ).

Tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông cho công nhân lao động (Ảnh minh họa)

Tại Hướng dẫn này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề ra 05 nội dung pháp luật trọng tâm và 07 giải pháp các cấp công đoàn cần tuyên truyền thực hiện.

5 nội dung pháp luật trọng tâm các cấp công đoàn cần tuyên truyền gồm:

Tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những nội dung có tác động lớn đến xã hội, được dư luận quan tâm như: phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; các vấn đề về dân tộc, tôn giáo, biển đảo, gia đình, trẻ em...

Chú trọng tuyên truyền, phổ biến những nội dung pháp luật liên quan trực tiếp đến CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn Việt Nam như: pháp luật lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn vệ sinh lao động, phòng chống dịch COVID-19...

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách của Nhà nước, của tổ chức Công đoàn Việt Nam liên quan đến hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho CNVCLĐ; các chính sách phục hồi thị trường lao động, việc làm, phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Chú ý định hướng dư luận trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có tác động lớn đến quyền, lợi ích đoàn viên, người lao động, tổ chức Công đoàn Việt Nam, đặc biệt trong quá trình xây dựng, sửa đổi một số luật trong năm 2022 như Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; tổng kết 10 năm thực hiện Luật Công đoàn và sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn...

Tuyên truyền, phổ biến các điều ước quốc tế, các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã tham gia ký kết có ảnh hưởng đến người lao động ở doanh nghiệp.

07 giải pháp thực hiện công tác tuyên truyền pháp luật được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề ra gồm:

Thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ công đoàn làm công tác tuyên truyền, PBGDPL, tư vấn pháp luật, báo cáo viên pháp luật.

Củng cố, kiện toàn Hội đồng phối hợp PBGDPL của Tổng Liên đoàn; nâng cao hiệu quả hoạt động của văn phòng, trung tâm, tổ tư vấn pháp luật của tổ chức Công đoàn.

Chú trọng chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật; hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; chất lượng ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể với những nội dung có lợi hơn quy định của pháp luật cho đoàn viên, người lao động.

Tích cực hưởng ứng và chủ động tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam 09/11; thời gian cao điểm tổ chức hoạt động từ ngày 01/11 đến ngày 09/11; khẩu hiệu tuyên truyền hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

Tiếp tục đổi mới hình thức tuyên truyền, PBGDPL: tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, nền tảng internet, mạng xã hội; phát huy vai trò của báo chí trong tuyên truyền, PBGDPL; kết hợp linh hoạt hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật truyền thống (sử dụng hệ thống loa truyền thanh nội bộ; bảng tin; cổ động trực quan, tài liệu đa dạng, tủ sách pháp luật tại cơ sở; phối hợp hoạt động của tổ tự quản công nhân khu nhà trọ, đội công nhân nòng cốt tại doanh nghiệp trong công tác tuyên truyền...)

Triển khai có hiệu quả các Chương trình phối hợp giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với các bộ, ngành, đoàn thể trung ương; các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố rà soát việc ký kết và thực hiện Chương trình phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể tại địa phương để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL.

Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công tác tuyên truyền, PBGDPL trong CNVCLĐ; phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách cho người lao động của người sử dụng lao động, chuẩn bị các nội dung phục vụ công tác kiểm tra theo hướng dẫn của Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương và báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

Để tổ chức hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong công nhân, viên chức, lao động năm 2022, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương căn cứ Hướng dẫn của Tổng Liên đoàn và tình hình cụ thể của địa phương, ngành mình, tổ chức triển khai, thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL trong CNVCLĐ năm 2022, gắn với tiếp tục triển khai, thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư và Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương hướng dẫn công đoàn cơ sở tích cực tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 09/11; phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL tại doanh nghiệp, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng từ xa, trên diện rộng của tổ chức Công đoàn đối với CNVCLĐ; Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công tác tuyên truyền, PBGDPL trong CNVCLĐ; báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật phổ biến, giáo dục pháp luật.

Ban Biên tập