Nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, huyện quán triệt tới từng xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị, thôn, bản, cán bộ đảng viên và nòng cốt là lực lượng vũ trang thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo của các cấp, các ngành về công tác dân vận, nhất là chương trình phối hợp giữa lực lượng an ninh với ngành dân vận về việc phối hợp thực hiện công tác dân vận.
Qua đó, công tác duy trì, xây dựng mới, nhân rộng các mô hình, điển hình "Dân vận khéo” trên địa bàn huyện được cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt chú trọng. Riêng trong năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh tế - xã hội, huyện đã chủ động lồng ghép đưa nội dung phong trào vào các hoạt động, lựa chọn 6 địa bàn xã và 2 trường học đưa vào diện vận động tập trung Phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ)”.
Để công tác tuyên truyền hiệu quả, ngoài tuyên truyền bằng văn bản, tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh cơ sở, huyện đã tổ chức được 473 buổi học tập, tuyên truyền, thu hút 80.219 lượt người dân tham gia học tập và ký cam kết thực hiện các nội quy về đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) tại cơ sở, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong công tác giữ gìn ANTT tại cơ sở và tích cực tham gia cộng tác với lực lượng chức năng trong Phong trào "Toàn dân bảo vệ ANTQ”.
Qua đó, quần chúng nhân dân đã cung cấp 412 nguồn tin với 260 nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng Công an làm rõ 154 vụ việc, xử lý 183 lượt người vi phạm. Cùng đó, huyện chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, xã, thị trấn tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy sức mạnh đoàn kết đẩy mạnh các phong trào: "Toàn dân đoàn kết xây đựng đời sống văn hóa”, "Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; phát huy hiệu quả vai trò của người có uy tín trong cộng đồng, đồng bào các dân tộc... để xây dựng huyện ngày một phát triển, văn minh theo hướng hài hài, bản sắc, hạnh phúc.
Với nỗ lực trong công tác xây dựng Phong trào "Toàn dân bảo vệ ANTQ”, đến nay, huyện đã xây dựng được 121 mô hình phòng, chống tội phạm; 172 tổ an ninh nhân dân; 392 tổ an ninh xung kích; 1.485 tổ tự quản; 172 tổ hòa giải.
Đặc biệt, các mô hình tự quản tại các thôn vùng sâu, vùng xa như: mô hình tổ thanh niên đảm bảo ANTT tại thôn Khe Lóng 3, xã Mỏ Vàng; mô hình người Mông tự quản về ANTT tại thôn Khe Táu, xã Phong Dụ Thượng; mô hình tiếng kẻng an ninh tại thôn Ngọc Châu..., đã góp phần củng cố niềm tin, phát huy trách nhiệm của toàn dân đối với nhiệm vụ bảo vệ ANTT, ATXH. Nhờ đó, năm 2021, toàn huyện có 306 địa bàn là khu dân cư, xã, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường tham gia phân loại thì có đến 298/306 số địa bàn đạt tiêu chuẩn an toàn về ANTT.
Hết năm 2021, huyện Văn Yên đã có 20/24 xã đạt tiêu chí về "Giữ vững an ninh trật tự xã hội” với 2 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 12 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; 25 tập thể và 35 cá nhân được các cấp, các ngành khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong Phong trào "Toàn dân bảo vệ ANTQ”.
Theo Báo Yên Bái