Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Yên Bái tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn tình trạng xuất cảnh trái phép ra nước ngoài

25/04/2023 08:27:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm nói chung, mua bán người nói riêng có những diễn biến hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và tính chất nghiêm trọng với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nhiều trường hợp có tổ chức chặt chẽ đã gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự.

Truyền thông nâng cao nhận thức về các dấu hiệu, hình thức mua bán người tại huyện Trạm Tấu

Tội phạm mua bán người đã trở thành một vấn nạn, gây bức xúc trong toàn xã hội, không chỉ ở Việt Nam mà trên phạm vi toàn thế giới. Trực tiếp xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người mà đối tượng tác động chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

Đối tượng của tội phạm mua bán người có thể là người lạ, bạn bè hoặc người quen, thậm chí cả người thân. Thủ đoạn hoạt động của bọn chúng thường là: Hứa hẹn giới thiệu việc làm nhàn hạ, có thu nhập cao. Núp dưới hình thức đi du lịch, xuất khẩu lao động, du học theo các tổ chức lừa đảo ở trong nước hoặc nước ngoài. Hứa hẹn giúp đỡ những phụ nữ lầm lỡ hoặc có hoàn cảnh éo le, khó khăn về kinh tế để môi giới, lừa bán trẻ sơ sinh hoặc trẻ còn trong bào thai; Lợi dụng hoàn cảnh khó khăn giúp đỡ về tiền bạc rồi đẩy họ vào con đường sa ngã hoặc bị lệ thuộc vào chúng; Làm quen với những phụ nữ có con nhỏ, lợi dụng họ sơ hở để chiếm đoạt con và dùng giấy tờ giả mạo để đem bán.

Hậu quả với nạn nhân: Bị bóc lột sức lao động, làm những công việc nặng nhọc, quá sức; Bị hành hạ đánh đập tàn nhẫn; Bị thương tích, tàn phế suốt đời, thậm chí tử vong; Bị cưỡng bức, bóc lột tình dục…; Có nguy cơ bị mắc các bệnh lây truyền tình dục, HIV/AIDS, Bị tước mất quyền công dân và quyền con người; Tinh thần suy sụp, lo âu, sợ hãi; Mặc cảm, bi quan, mất niềm tin vào cuộc sống; Khó hoà nhập với cuộc sống và cộng đồng; Dễ sa vào các tệ nạn xã hội hoặc trở thành kẻ buôn bán người.

Đối với gia đình: Tốn kém tiền bạc, thời gian và sức lực để tìm kiếm người thân; Hạnh phúc bị tan vỡ, con cái thiếu sự quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ; Các thành viên trong gia đình sống trong lo âu, mặc cảm; Người thân đi tìm người nhà dễ có nguy cơ trở thành nạn nhân.

Đối với xã hội: Gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội; Làm thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế; Tăng gánh nặng kinh tế trong địa phương trong việc giải quyết hậu quả của nạn buôn người.

Trước những thủ đoạn nguy hiểm của tội phạm mua, bán người, Chính phủ đã xây dựng những chính sách, hành lang pháp luật cho công tác phòng, chống đấu tranh trấn áp loại tội phạm này, đặc biệt Luật phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/3/2011, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/1/2012. Đã thể chế hóa chủ trương của Đảng về hoàn thiện pháp luật liên quan đến đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong đó có nội dung mua bán người; tạo cơ sở pháp lý cho việc huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người.

Luật phòng, chống mua bán người dành toàn bộ Chương II gồm 12 điều để quy định về việc phòng ngừa mua bán người, có thể chia làm hai nhóm:

Nhóm thứ nhất gồm 05 điều (từ Điều 7 đến Điều 11) quy định về các biện pháp phòng ngừa chung, bao gồm: Thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người. Mục đích nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và cộng đồng đối với công tác phòng, chống mua bán người, về mối hiểm họa của mua bán người, từ đó đề cao cảnh giác, tích cực phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh chống mua bán người, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân bị mua bán. Tư vấn về phòng ngừa mua bán người. tiến tới loại trừ nguyên nhân và điều kiện dẫn đến nguy cơ mua bán người. Để góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý an ninh, trật tự nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa mua bán người, Điều 9 của Luật PCMBN xác định rõ 07 nhóm biện pháp để quản lý về an ninh, trật tự. Xuất phát từ nhận thức có một số lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ rất nhạy cảm, dễ có nguy cơ bị lợi dụng để mua bán người, Điều 10 của Luật PCMBN xác định rõ phải quản lý, kiểm tra thường xuyên, chặt chẽ đối với các hoạt động hỗ trợ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, cho, nhận con nuôi, giới thiệu việc làm, đưa người Việt Nam đi lao động, học tập ở nước ngoài, tuyển dụng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, dịch vụ văn hoá, du lịch và các hoạt động kinh doanh, dịch vụ có điều kiện khác dễ bị lợi dụng nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc lợi dụng các hoạt động này để mua bán người.

Nhóm thứ hai gồm 07 điều (từ Điều 12 đến Điều 18) quy định về các biện pháp phòng ngừa thông qua hoạt động của các tổ chức, cơ sở hoạt động kinh doanh, dịch vụ; nhà trường và các cơ sở giáo dục, đào tạo; cơ quan thông tin đại chúng; sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc và các thành viên của Mặt trận cũng như sự tham gia của cá nhân và gia đình trong công tác phòng ngừa mua bán người, cụ thể: Mỗi cá nhân, gia đình có vai trò quan trọng, từng cá nhân phải tự ý thức được trách nhiệm của mình đối với việc phòng ngừa để không trở thành nạn nhân bị mua bán, đồng thời, cũng cần có trách nhiệm trong việc phòng ngừa tội phạm này, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, giúp đỡ họ ổn định cuộc sống. Do đó, Điều 12 của Luật PCMBN quy định cá nhân tham gia các hoạt động phòng ngừa mua bán người; kịp thời báo tin, tố giác, tố cáo với cơ quan có thẩm quyền những hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người. Học sinh, sinh viên là một trong những đối tượng mà công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người hướng trọng tâm đến. Điều 14 của Luật PCMBN xác định việc nhà trường, cơ sở giáo dục đào tạo tham gia tích cực vào công tác phòng ngừa mua bán người nói chung và công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nói riêng là hết sức quan trọng.

Trong thời gian qua, bọn tội phạm thường lợi dụng sơ hở trong một số lĩnh vực hoạt động để mua bán người như: hỗ trợ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; nhận con nuôi, giới thiệu việc làm, đưa người đi lao động, học tập ở nước ngoài, tuyển dụng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, dịch vụ văn hoá, du lịch...vì thế, để ngăn ngừa có hiệu quả việc mua bán người, Điều 15 của Luật PCMBN quy định về việc phòng ngừa mua bán người trong các tổ chức, cơ sở hoạt động kinh doanh, dịch vụ.

Theo thông tin của Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao (tại Công văn số 1230/LS-DCQT ngày 05/4/2023) hiện nay có một số công dân Việt Nam đã được cơ quan chức năng Lào giải cứu và xác định là nạn nhân bị mua bán. Hầu hết các trường hợp này đều bị lừa đảo làm việc trong các sòng bạc, bị ép làm việc quá giờ, nếu bỏ trốn thì bị đánh đập, muốn nghỉ việc và rời khỏi cơ sở làm việc thì phải nộp tiền chuộc rất cao, khó liên hệ với các cơ quan chức năng để xin giải cứu. Theo thông tin chưa chính thức, hiện có thể có rất nhiều công dân Việt Nam đang làm việc tại đặc khu Tam giác Vàng, tỉnh Bò-kẹo, Lào (cùng với công dân 1 số nước như Thái Lan, In-đô-nê-xi-a; Ma-lai-xi-a), chủ yếu làm việc trong các sòng bạc. Vấn đề lao động cưỡng bức đang nổi lên tại Bò-kẹo, Lào cũng như vấn đề đang diễn ra tại Cam-pu-chia, Mi-an-ma  hay tình trạng công dân Việt Nam hoạt động trong ngành công nghiệp cờ bạc ở Phi-líp-pin đặt ra nhiều nguy cơ mua bán người (riêng vấn đề mua bán người để cưỡng bức lao động xảy ra tại Lào đang được dư luận quốc tế hết sức quan tâm), do vậy cần được theo dõi và xử lý kịp thời nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của công dân ta.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Công văn số 1029/UBND-NV yêu cầu các địa phương rà soát, theo dõi, quản lý chặt chẽ tình hình công dân xuất cảnh, di cư sang Lào và ra nước ngoài nhằm ngăn chặn kịp thời nguy cơ mua bán người và đấu tranh hiệu quả với tội phạm mua bán người.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 07/CT-UBND, ngày 30/3/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn tình trạng xuất cảnh trái phép ra nước ngoài và các văn bản khác có liên quan; Rà soát, theo dõi, quản lý chặt chẽ tình trạng công dân của địa phương xuất cảnh, di cư sang Lào cũng như ra nước ngoài.

Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về di cư hợp pháp, việc làm an toàn (tìm hiểu kỹ về công việc, điều kiện làm việc, hợp đồng lao động trước khi quyết định xuất cảnh), thủ đoạn của tội phạm mua bán người (lừa đảo việc nhẹ lương cao để “nạn nhân” đồng ý, tự nguyện xuất cảnh, nhưng sau đó bị bóc lột, cưỡng bức lao động).

Khi phát hiện các trường hợp nghi là nạn nhân mua bán người ra nước ngoài, kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan để thực hiện công tác giải cứu, xác minh, xác định, tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân theo quy định.

Công an tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng UBND tỉnh: Thực hiện các nội dung tại Quy chế phối hợp số 377/QCPH-LĐTBXH-CA-VPUBND ngày 20/3/2023 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ bạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh Yên Bái. 

Công an tỉnh tăng cường công tác xác minh, nắm tình hình và chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp với cơ quan chức năng trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân; tăng cường công tác phát hiện, đấu tranh với các đối tượng có hành vi đưa người xuất cảnh lao động bất hợp pháp.

Các cơ quan báo chí, tuyên truyền của tỉnh tăng cường hơn nữa các tin, bài, chuyên mục, phóng sự về thực trạng tình hình công dân Việt Nam cũng như công dân của tỉnh xuất cảnh, di cư sang Lào cũng như ra nước ngoài, các thủ đoạn của tội phạm mua bán người, hậu quả khi là nạn nhân của mua bán người nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn tỉnh.

Ban Biên tập