Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách liên quan đến hoạt động mua bán người

27/04/2023 10:27:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Nạn buôn bán người, đặc biệt là nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em đang là một hiện tượng nhức nhối ở nước ta hiện nay, hành vi mua bán này đã xâm hại đến quyền con người, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần, tính mạng của nạn nhân, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự và an toàn xã hội.

Tăng cường tuyên truyền với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng

Các đối tượng phạm tội hình thành các đường dây mua bán người từ Việt Nam sang các nước láng giềng với mục đích chính là bán nạn nhân vào các ổ mại dâm và các dịch vụ vui chơi, giải trí và bóc lột sức lao động. Tình trạng mua bán nội tạng, đẻ thuê, môi giới hôn nhân trái pháp luật với người nước ngoài đang diễn biến phức tạp gây bức xức trong dư luận quần chúng, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự trên nhiều địa bàn của cả nước.

Tình trạng phụ nữ và trẻ em dễ sa vào cạm bẫy của bọn buôn người được bắt nguồn từ các nguyên nhân đó là:

Hạn chế về nhận thức: Tùy vào đối tượng mà bọn tội phạm sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau. Đối với những nạn nhân do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trình độ nhận thức còn lạc hậu, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế chúng thường dùng thủ đoạn dụ dỗ tìm kiếm việc làm với mức lương cao để lôi kéo, dụ dỗ nạn nhân đưa người sang biên giới bán cho nước ngoài để thực hiện các hành vi bóc lột tình dục, cưỡng ép hôn nhân, bóc lột sức lao động…. Đối với các đối tượng là học sinh, sinh viên là những đối tượng ở nội thành, nội thị có trình độ nhận thức cao hơn thì đối tượng phạm tội lại sử dụng các thủ đoạn khác như giả vờ làm quen, yêu đương, đưa đi chơi, đưa đi tham quan, sau đó móc nối với các đối tượng ngoài biên giới bán cho các chủ chứa mại dâm hoặc bán cho những người nước ngoài có nhu cầu lấy vợ, sau đó đưa sâu vào nội địa để nạn nhân không có cơ hội, không có điều kiện quay trở lại.

Thiếu sự quan tâm, dạy dỗ của gia đình: Đây có thể được xem là một trong những nguyên nhân khiến nạn nhân dễ sa vào cạm bẫy, không ít các gia đình, các bậc cha mẹ chỉ biết chu cấp vật chất đầy đủ cho con cái mà thiếu sự quan tâm, dạy dỗ các em, nhưng cũng có những người vì cuộc sống quá cơ cực, bần hàn, họ phải lăn lộn để mưu sinh nên không còn thời gian và sức lực để chăm sóc con cái.

Ham lợi ích vật chất: Ham lợi ích vật chất là yếu tố đầu tiên dẫn đến việc buôn bán phụ nữ và trẻ em, kẻ buôn người bất chấp pháp luật và đạo lý vì động cơ đê hèn và những lợi ích vật chất bất chính. Nạn nhân, bị hấp dẫn bởi lời dụ dỗ và những viễn cảnh cuộc sống tốt đẹp, lợi ích kinh tế mà bọn buôn người đưa ra, kết quả là sa vào bẫy của bọn chúng.

Đói nghèo, thất nghiệp và thất học: Đây là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến nhu cầu và xu hướng di dân, đói nghèo và thất nghiệp dẫn đến nhu cầu tìm việc làm và thu nhập, thất học dẫn đến sự hạn chế về nhận thức, hiểu biết, thiếu các kỹ năng phòng tránh, dễ bị bọn xấu lợi dụng. Nạn nhân sống trong tình trạng nghèo đói, không có việc làm, thiếu kiến thức và giáo dục là những điều kiện thuận lợi cho bọn buôn người tiếp cận, lôi kéo, dụ dỗ.

Công tác tuyên truyền còn dàn trải: Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền mặc dù đã được tăng cường nhưng ở một số nơi còn mang tính phong trào, thời vụ, công tác giáo dục, phổ biến pháp luật còn dàn trải chưa tương xứng với các giải pháp đề ra.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người cần có chính sách hỗ trợ tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập qua dạy nghề, cho vay vốn…cho đối tượng phụ nữ có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của bọn buôn người ở những vùng khó khăn. Làm cho người dân có đời sống kinh tế ổn định, có công ăn việc làm, có khả năng thu nhập để có thể đảm bảo mức cơ bản nhu cầu cuộc sống.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách liên quan đến hoạt động mua bán người với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, như: Lồng ghép tuyên truyền phòng, chống mua bán người vào các buổi họp của tổ dân phố, nhà trường, nói chuyện chuyên đề cho học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ tại các buổi sinh hoạt đoàn thể để tuyên truyền phương thức, thủ đoạn và hậu quả của tội phạm mua bán người và cảnh báo nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cho nhân dân...

Để phòng, chống tệ nạn tệ nạn buôn bán người, mỗi người dân đặc biệt là phụ nữ và trẻ em hãy cảnh giác với những người không quen biết, không được tự ý bỏ theo người khác mà không báo cho gia đình, cần cân nhắc và thảo luận với cha mẹ, người thân trước khi đi tìm việc, cần được biết địa chỉ, số điện thoại nơi mình đến và phải có cam kết lao động được chính quyền tại địa phương công nhận...

Ban Biên tập