Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người

28/04/2023 11:26:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người cũng như hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng, đồng thời tạo thuận lợi cho hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người, ngày 29 tháng 3 năm 2011, Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 9 đã thông qua Luật Phòng, chống mua bán người.

Luật Phòng, chống mua bán người gồm 08 chương, 58 điều..

Trong những năm qua Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống mua bán người, đặc biệt là mua bán phụ nữ và trẻ em (như về chính sách pháp luật; thi hành pháp luật; hợp tác quốc tế...) nhưng tình hình tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp, do nhiều nguyên nhân, trong đó đáng lưu ý một số nguyên nhân sau đây:

Thứ nhất, do điều kiện kinh tế ở nhiều địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Mặt khác, do tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế dẫn đến sự phân hóa giàu nghèo càng sâu sắc, tình trạng thiếu việc làm vẫn còn gay gắt ở một số địa bàn. Bên cạnh đó, một bộ phận trẻ em thất học dễ bị bọn tội phạm dụ dỗ, lừa gạt…

Thứ hai, việc giáo dục trong phạm vi gia đình cũng như toàn xã hội chưa được chú trọng đúng mức, một bộ phận thanh thiếu niên bị cuốn hút vào đời sống vật chất, xem thường đạo lý, bất chấp pháp luật. Công tác truyền thông chưa được tiến hành thường xuyên, sâu rộng mà chỉ mới dừng lại ở một số địa bàn trọng điểm và vào các đợt cao điểm, đôi lúc còn dàn trải, chưa lồng ghép với thực hiện chương trình kinh tế, xã hội ở địa phương, chưa chú ý phổ biến kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về phòng, chống mua bán người.

Thứ ba, công tác quản lý Nhà nước, quản lý xã hội còn bất cập, sơ hở nhất là trong quản lý người nước ngoài, quản lý hộ khẩu, quản lý an ninh biên giới, xuất nhập cảnh, hôn nhân và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài… Công tác điều tra cơ bản nắm tình hình chưa thường xuyên, chưa kịp thời. Công tác phát hiện các vụ việc có liên quan còn mang tính thụ động, hầu như mới chỉ dựa vào đơn thư tố giác của người bị hại hoặc gia đình. Bên cạnh đó, công tác rà soát tình hình và điều tra tội phạm mua bán người chưa được tiến hành thường xuyên, chưa đánh giá được đúng thực trạng tình hình và làm rõ được nguyên nhân, điều kiện, quy luật, thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm.

Thứ tư, công tác tổ chức tiếp nhận, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về còn nhiều lúng túng và bị động; đến nay, mới có khoảng hơn 30% tổng số nạn nhân được hỗ trợ kinh phí hòa nhập cộng đồng. Thêm vào đó, việc hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người còn nhiều hạn chế, nhất là thiếu các hiệp định, thỏa thuận quốc tế trong phòng, chống tội phạm mua bán người, nên rất khó khăn trong phối hợp, trao đổi thông tin, hỗ trợ điều tra xác minh, truy bắt tội phạm, cũng như giải cứu, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán trở về.

Thứ năm, hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành về phòng, chống mua bán người của nước ta nhìn chung còn phân tán và về lĩnh vực "phòng" thì chủ yếu là các văn bản dưới luật, hiệu lực pháp lý chưa cao, chưa mang tính đồng bộ và toàn diện; chưa xác định được rõ cơ chế phối hợp hữu hiệu giữa các cơ quan, tổ chức của Chính phủ với nhau và với các cơ quan, tổ chức khác trong công tác phòng, chống mua bán người. Ngoài ra, các quy định hiện hành liên quan đến hồi hương, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán hoà nhập cộng đồng mới chỉ đề cập đến đối tượng nạn nhân là phụ nữ, trẻ em từ nước ngoài trở về mà chưa đề cập đến các nạn nhân bị mua bán trong nước và nạn nhân là nam giới. Do vậy, các quy định pháp luật hiện hành chưa đáp ứng được một cách toàn diện, đầy đủ yêu cầu đấu tranh phòng, chống mua bán người trong điều kiện hiện nay.

Nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế nêu trên, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người cũng như hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng, đồng thời tạo thuận lợi cho hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người, ngày 29 tháng 3 năm 2011, Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 9 đã thông qua Luật Phòng, chống mua bán người.

Luật gồm 08 chương, 58 điều, trong đó Chương I của Luật gồm 06 điều quy định về những vấn đề chung bao gồm: phạm vi điều chỉnh; nguyên tắc phòng, chống mua bán người; chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người; quyền, nghĩa vụ của nạn nhân, đồng thời, giải thích một số từ ngữ có liên quan đến phòng, chống mua bán người. Đặc biệt, để phòng ngừa và đấu tranh một cách đầy đủ, toàn diện và hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người, Điều 3 Luật Phòng, chống mua bán người (Luật PCMBN) đã xác định một loạt các hành vi cần được phòng, chống. Những hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 3 này có thể được phân định thành 03 nhóm các hành vi với những hình thức vi phạm và mức độ cần được phòng, chống khác nhau, cụ thể:

Nhóm thứ nhất gồm hành vi mua bán người theo quy định tại Điều 119 và Điều 120 của Bộ luật hình sự (BLHS) và các hành vi trực tiếp liên quan đến việc mua bán người mà Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia liệt vào danh sách các hành vi buôn bán người. Đây được xem là nhóm hành vi cốt lõi cần phòng, chống.

Nhóm thứ hai gồm các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong phòng, chống mua bán người, như: lợi dụng hoạt động phòng, chống mua bán người để trục lợi, thực hiện các hành vi trái pháp luật; cản trở việc tố giác, tố cáo, khai báo và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; trả thù, đe dọa trả thù người làm chứng, người tố giác, người tố cáo, người thân thích của họ hoặc người ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; ....

Nhóm thứ ba gồm các hành vi bị nghiêm cấm có liên quan đến nạn nhân, như: kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân; trả thù, đe dọa trả thù nạn nhân; tiết lộ thông tin về nạn nhân khi chưa có sự đồng ý của họ hoặc của người đại diện hợp pháp của nạn nhân; giả mạo là nạn nhân; ....

Để công tác phòng, chống tệ nạn mua bán người đạt hiệu quả, Luật PCMBN đã xác định rõ những nguyên tắc cơ bản của việc phòng, chống mua bán người. Việc ghi nhận các nguyên tắc cơ bản tại chương này của Luật là rất cần thiết vì đây là những tư tưởng chính trị - pháp lý quan trọng chỉ đạo toàn bộ hoạt động phòng, chống mua bán người, đồng thời làm cơ sở cho việc quy định cụ thể các nội dung hoạt động phòng, chống mua bán người trong các chương mục tiếp theo sau của Luật. Vì thế, Điều 4 của Luật PCMBN đã ghi rõ các nguyên tắc phòng, chống mua bán người, trong đó nguyên tắc đầu tiên được khẳng định là thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 3 của Luật.

Bên cạnh việc xác định các nguyên tắc phòng, chống mua bán người, Luật PCMBN cũng quy định rõ các chính sách của Nhà nước trong phòng, chống mua bán người. Nhận thức sâu sắc rằng phòng, chống mua bán người là một hoạt động hết sức khó khăn, phức tạp đòi hỏi Nhà nước cần có chính sách đầu tư thỏa đáng cho công tác này. Hơn nữa, hiệu quả của hoạt động phòng, chống mua bán người không chỉ phụ thuộc vào sự nỗ lực của Nhà nước mà còn phụ thuộc đáng kể vào sự tham gia tích cực của toàn xã hội. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách huy động các lực lượng xã hội tham gia phòng, chống mua bán người. Trên tinh thần đó, Điều 5 của Luật PCMBN đã ghi nhận các chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người, trong đó, đáng chú ý là chính sách kết hợp phòng, chống mua bán người với việc thực hiện chương trình phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và các chương trình khác về phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, Luật cũng ghi nhận chính sách khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước tham gia, hợp tác, tài trợ cho hoạt động phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân, đặc biệt là chính sách khuyến khích cá nhân, tổ chức trong nước thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân theo quy định của pháp luật để tham gia thực hiện hỗ trợ cho các nạn nhân. Để bảo đảm nguồn kinh phí cho hoạt động phòng, chống mua bán người, Luật PCMBN cũng quy định hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người.

Ban Biên tập