Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Yên Bái nâng cao chất lượng giám định tư pháp

06/07/2023 14:54:00 Xem cỡ chữ
Hoạt động giám định tư pháp (GĐTP) trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, với các kết luận giám định đúng đắn, khách quan đã giúp cho việc điều tra, xét xử các vụ án nghiêm minh, đúng pháp luật.

Cục Bổ trợ tư pháp kiểm tra công tác tổ chức hoạt động và quản lý giám định tư pháp tại tỉnh Yên Bái.

Trong những năm qua, công tác GĐTP trên địa bàn tỉnh luôn được Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo (BCĐ) cải cách tư pháp tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao. Trong đó, việc triển khai thực hiện Quyết định 250 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động GĐTP” đã đạt được những kết quả tích cực. 

Theo đó, Sở Tư pháp đã tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch số 101 thực hiện Quyết định 250, kiện toàn BCĐ thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động GĐTP. BCĐ thực hiện Đề án do đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm Trưởng ban, đồng chí Giám đốc Sở Tư pháp làm Phó Trưởng ban và 14 thành viên là đại diện lãnh đạo các sở, ngành. 

Sau khi được thành lập và kiện toàn, BCĐ thực hiện Đề án đã thực hiện tốt chức năng chỉ đạo và điều phối hoạt động giữa các cơ quan chuyên môn. Các thành viên BCĐ đã quan tâm thực hiện, hướng dẫn, đôn đốc việc tổ chức thực hiện Đề án tại cơ quan mình. Qua đó, nhận thức của các cấp, ngành, địa phương nói chung và các cơ quan trong khối nội chính nói riêng về vai trò, ý nghĩa của hoạt động GĐTP có nhiều chuyển biến tích cực.

Các cơ quan, đơn vị đã xác định được đầy đủ, đúng đắn về vai trò, ý nghĩa của công tác giám định, kết luận GĐTP khi thực hiện giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính…, nhất là trong xu hướng, yêu cầu của việc mở rộng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử. Việc củng cố, kiện toàn tổ chức giám định, đội ngũ GĐTP và nâng cao chất lượng GĐTP hàng năm được thực hiện theo đúng quy định của Luật GĐTP. 

Ông Nguyễn Huy Cường - Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: "Hoạt động GĐTP của tỉnh đã và đang ngày càng giữ vai trò quan trọng và không thể thiếu trong hoạt động tố tụng, từng bước đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Kết quả giám định là chứng cứ quan trọng, góp phần tích cực trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Nhờ đó, các vụ án vụ việc về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực có trưng cầu giám định và yêu cầu định giá tài sản đều được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, đáp ứng được yêu cầu”. 

Hiện nay, toàn tỉnh có 2 tổ chức GĐTP công lập gồm: Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an tỉnh và Trung tâm Pháp y tỉnh thuộc Sở Y tế. Tính đến tháng 4/2023, toàn tỉnh có 44 giám định viên tư pháp và người GĐTP theo vụ việc trong các lĩnh vực: pháp y, kỹ thuật hình sự, tài chính, văn hóa nghệ thuật, tài nguyên và môi trường, khoa học kỹ thuật, xây dựng, thông tin và truyền thông… 

Đội ngũ giám định viên tư pháp đều là những người có kinh nghiệm, đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. Từ năm 2018 đến hết quý I/2023, toàn tỉnh đã thực hiện được 5.901 vụ việc giám định tư pháp, chủ yếu là giám định kỹ thuật hình sự và giám định pháp y. 

Trong quá trình triển khai nhiệm vụ, các giám định viên tư pháp đã tích cực phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan, tổ chức có liên quan, đáp ứng yêu cầu của công tác điều tra, truy tố, xét xử; không có đơn thư khiếu nại, tố cáo trong hoạt động GĐTP. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động GĐTP trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, vướng mắc như: hệ thống phương tiện, thiết bị tại các tổ chức GĐTP công lập còn thiếu, phần lớn đã lạc hậu so với sự phát triển của khoa học - công nghệ, thời gian khai thác sử dụng đã lâu nên thường xuyên hư hỏng, không ổn định, một số lĩnh vực chưa có máy móc, phương tiện để phục vụ công tác giám định; đội ngũ giám định viên tư pháp và người GĐTP theo vụ việc công tác tại các sở đều làm việc kiêm nhiệm, vì vậy điều kiện để học hỏi chuyên sâu về nghiệp vụ giám định còn hạn chế. 

Để khắc phục những khó khăn trên, thời gian tới BCĐ thực hiện Đề án 250 tiếp tục tổ chức tập huấn nghiệp vụ để người GĐTP ở các địa phương tham gia nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; lựa chọn công chức, viên chức đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định để đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp đối với các đơn vị chưa có giám định viên…

 

Theo Báo Yên Bái