Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người trong tình hình mới

02/08/2019 14:50:00 Xem cỡ chữ
Nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh với tội phạm mua bán người trong tình hình mới, các lực lượng chức năng cần triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ một số giải pháp sau:

Triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh với tội phạm mua bán người

Tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quần chúng triển khai các biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật với nội dung và hình thức phong phú để mọi người dân biết và nắm được phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán nguời.

Tập trung tuyên truyền sâu rộng đến những đối tượng có nguy cơ cao, những nơi sử dụng nhiều lao động nữ, có nhiều phụ nữ lấy chồng nước ngoài, các em gái chưa ngoan, có hoàn cảnh đặc biệt,… không để họ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người. Đặc biệt, chú trọng tới việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định pháp luật mới về tội phạm mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

Tổ chức đặt các hộp thư tố giác tội phạm để thu thập tin báo, tố giác về các đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động mua bán người tại địa bàn. Thường xuyên tổ chức các đợt cao điểm tấn công tội phạm mua bán người trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc, Lào và Campuchia. Các lực lượng chức năng các tỉnh biên giới phối hợp chặt chẽ với công an, biên phòng nước bạn tổ chức các buổi giao ban định kỳ để trao đổi thông tin về tình hình tội phạm mua bán người, xác minh giải cứu nạn nhân bị lừa bán, truy bắt các đối tượng phạm tội, đối tượng truy nã về tội mua bán người đang lẩn trốn ở nước ngoài. Thiết lập đường dây nóng (điện thoại, email...) để thu thập các thông tin tố giác tội phạm mua bán người.

Triển khai và áp dụng mô hình Câu lạc bộ thanh thiếu niên di cư an toàn, góp phần làm giảm nạn buôn người thông qua việc nâng cao năng lực cho thanh thiếu niên tự bảo vệ được mình và các bạn cùng trang lứa. Nên thành lập Câu lạc bộ tại cấp thôn/bản dành cho thanh thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi. Từ đó, giúp thanh thiếu niên nâng cao kiến thức liên quan đến mối nguy hiểm của nạn mua bán người, luật pháp liên quan đến phòng chống mua bán người và học các bước cụ thể để có thể bảo vệ chính mình như thiết lập mạng lưới hỗ trợ, biết số liên lạc của đường dây nóng. Đồng thời, thanh thiếu niên học các kỹ năng để phát triển khả năng thích nghi của các em, các kỹ năng tập trung vào phát triển cả sức mạnh nội tại và các hệ thống hỗ trợ bên ngoài, kỹ năng mềm tự bảo vệ bản thân.

Chú trọng công tác tuần tra kiểm soát bí mật kết hợp công khai tại khu vực biên giới, các cửa khẩu nội địa, các lối mòn để phát hiện, ngăn chặn các tnrờng hợp đưa người xuất cảnh trái phép qua biên giới; kiên quyết điều tra khám phá, xử lý nghiêm các vụ án mua bán người, đấu tranh triệt phá các đường dây tội phạm mua bán người xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài, bắt, xử lý các đối tượng phạm tội. Trong quá trình đấu tranh cần kết hợp linh hoạt các biện pháp nhằm điều tra mở rộng vụ án, thu thập chứng cứ, tài liệu có liên quan để làm cơ sở xử lý đối tượng phạm tội; tập trung lực lượng giải quyết dứt điểm các vụ mua bán người còn tồn đọng, cơ quan điều tra kịp thời hoàn chỉnh hồ sơ chuyển Viện kiểm sát nhân dân truy tố, Tòa án nhân dân đưa ra xét xử nghiêm minh các đối tượng phạm tội.

Thực hiện có hiệu quả Nghị định số 62/2012/NĐ-CP ngày 13/8/2012 của Chính phủ quy định căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ; tổ chức tốt các hoạt động tái hòa nhập cộng đồng cho những phụ nữ, trẻ em bị mua bán trở về, phối hợp với các tổ chức, đoàn thể như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội... tạo điều kiện giúp đỡ họ nhanh chóng khắc phục những khó khăn về kinh tế, xóa đi mặc cảm về bản thân, hỗ trợ học nghề, tư vấn tâm lý, khám chữa bệnh miễn phí cho các nạn nhân bị lừa bán, bố trí công ăn việc làm để họ ổn định cuộc sống.

Chính quyền địa phương, đặc biệt là những vùng kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa cần làm tốt công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục cho những đối tượng có nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em, nhờ đó họ có thể tiếp cận với thông tin từ các phương tiện truyền thông để tự bảo vệ mình. Cần đưa vào chương trình giáo dục ở bậc Tiểu học và Trung học vấn đề buôn bán phụ nữ, trẻ em, cung cấp cho các em các phương thức phòng ngừa trong môi trường xã hội phức tạp, tạo cho các em có “cơ chế phòng vệ” ngay từ tuổi nhỏ.

Tăng cường hợp tác quốc tế về đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, triển khai có hiệu quả các điều ước quốc tế đa phương, nhiều hiệp định song phương và đa phương, các văn bản thỏa thuận, ghi nhớ về phòng, chống tội phạm mua bán người giữa Việt Nam và các nước trong khu vực

Ban biên tập (tổng hợp)