Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin hoạt động >> Kinh tế

OCOP - Giải pháp nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội

13/10/2020 15:53:44 Xem cỡ chữ Google
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2019 - 2020 là một chương trình quan trọng nhằm phát triển kinh tế nông thôn theo hướng khai thác và phát huy tối đa nội lực để phát triển các sản phẩm nông sản, nâng cao giá trị gia tăng. OCOP đã và đang mang lại những hiệu quả bước đầu cho Yên Bái, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều sản phẩm đã và đang được nhiều người tiêu dùng biết đến

Nhằm nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội, Yên Bái đã triển khai thực hiện Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030” (OCOP). Theo đó, giai đoạn 2019 - 2020, tỉnh Yên Bái phấn đấu chuẩn hóa 20 sản phẩm, trong đó, năm 2019 có từ 03 đến 05 sản phẩm đạt chất lượng 3 sao, năm 2020 có 15 sản phẩm. Bên cạnh việc chuẩn hóa các sản phẩm đặc trưng của tỉnh, Yên Bái cũng sẽ phát triển từ 1 đến 2 mô hình du lịch nông thôn, kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia Chương trình OCOP; hỗ trợ phát triển và thương mại hoá sản phẩm OCOP từ cấp tỉnh, huyện, xã theo chu trình thường niên; thực hiện các chính sách cho chương trình OCOP trên cơ sở lồng ghép chính sách đã có; xây dựng quy chế quản lý tem nhãn mác OCOP, chế độ thanh tra, kiểm tra chất lượng sản phẩm OCOP; hoàn thiện chu trình OCOP thường niên.

Trong giai đoạn 2021 - 2025 đưa chương trình OCOP đi vào chiều sâu, gắn phát triển nông nghiệp với các thành phần kinh tế khác; phát triển, nâng cấp 30 sản phẩm, trong đó đầu tư nâng cấp 20 sản phẩm thế mạnh. Giai đoạn 2026 - 2030 phát triển 60 - 80 sản phẩm OCOP, trong đó có 30 sản phẩm đạt chất lượng 3 - 5 sao…

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương bám sát các nội dung Đề án triển khai thực hiện trong năm 2019 - 2020 và các năm tiếp theo xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện đúng lộ trình, hiệu quả; các ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp tuyên truyền, vận động hội viên, người dân, doanh nghiệp thực hiện tốt Chương trình.

Đến nay đã có nhiều huyện, xã, thị trấn sản xuất các sản phẩm nông sản, thực phẩm, du lịch... như gạo ở Bạch Hà; Khoai tím, Lạc ở Lục Yên; Cam Văn Chấn, Quýt Thượng Bằng La, Trần Phú, Nghĩa Tâm; Dâu tằm tơ Việt Thành, Tân Đồng, Măng tre Bát độ Kiên Thành, Chè Bát tiên Bảo Hưng; Quế và các sản phẩm Quế Văn Yên… Đây đều là những sản phẩm đã và đang được nhiều người tiêu dùng biết đến.

Cùng với đó, các làng nghề, HTX, tổ hợp tác tỉnh Yên Bái không chỉ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thành tiêu chí OCOP năm 2019 của tỉnh mà còn tạo thêm nhiều việc làm, giúp nâng cao thu nhập cho người lao động địa phương, nhờ đó không ít gia đình, xã, phường trên địa bàn có cuộc sống khá giả hơn, góp phần vào thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển sản phẩm, dịch vụ phải đi liền với các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp (hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp hoặc HTX) và các sản phẩm phải gắn chặt với công tác đánh giá xếp hạng của OCOP.

Việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đã cho thấy sự quyết tâm cao cùng tuy duy sáng tạo của lãnh đạo tỉnh Yên Bái trong việc phát huy thế mạnh của các sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong thời kỳ hội nhập kinh tế của đất nước.

 

1884 lượt xem