Hiện nay, ngày càng có nhiều chủ thể tham gia Chương trình OCOP khẳng định sản phẩm của họ đã được hoàn thiện, nâng cấp, ngày càng chuyên nghiệp cả về tư duy, cách thức tổ chức sản phẩm, bao bì, mẫu mã cho đến các kênh tiêu thụ, phân phối.
Đại diện Công ty TNHH Nam dược Đại Phú An, huyện Văn Yên giới thiệu sản phẩm OCOP của Công ty đến khách hàng.
Một trong những yếu tố khiến cho các sản phẩm OCOP có chỗ đứng trên thị trường là sản phẩm được đánh giá thận trọng, chuyên nghiệp về nhiều mặt. Hội đồng đánh giá gồm những cán bộ chuyên môn trong các lĩnh vực liên quan như y tế, môi trường...
Không chỉ vậy, việc đánh giá còn trải qua nhiều cấp khác nhau, từ cấp huyện tới tỉnh và theo định kỳ còn được "sát hạch” để cấp lại hoặc nâng cao. Bởi vậy, các chủ thể buộc phải thay đổi quy trình sản xuất để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, mẫu mã đẹp; chuyển tư duy sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết, hợp tác và phát huy lợi thế đặc trưng của địa phương. Sản phẩm dưa hấu canh tác trên đất bán ngập ở các đảo hồ Thác Bà của nông dân 2 xã: Mỹ Gia, Yên Thành, huyện Yên Bình từ khi được công nhận OCOP 3 sao đã có sự thay đổi theo hướng đó.
Ông Đặng Văn Hà - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp xã Yên Thành cho biết: "Vụ dưa năm nay, hơn 30 hộ thành viên của HTX đã lập kế hoạch và bắt tay vào sản xuất với mục tiêu quan trọng nhất là tạo ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu thị trường; đồng thời, hình thành được sự liên kết trong sản xuất, tiêu thụ. Với tổng diện tích khoảng 10 ha, sản lượng dự kiến khoảng 300 tấn, HTX sẽ liên kết bao tiêu cho các hộ thành viên với giá thành hợp lý”.
Từ một sản phẩm nông nghiệp thuần túy của địa phương, nay dưa hấu đã có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc và các giấy tờ chứng minh tiêu chuẩn, kết quả kiểm tra các chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn công bố. Từ được bày bán tại các sạp hàng ven đường thì nay đã đủ điều kiện đưa lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT)...
Ngay cả sản phẩm vô hình như sản phẩm du lịch Không gian văn hóa trà Suối Giàng, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn cũng có thể thấy rõ sự chuyên nghiệp hơn khi tham gia và được công nhận OCOP 4 sao.
Anh Đặng Thái Sơn - Quản lý Khu du lịch Không gian văn hóa trà Suối Giàng bày tỏ: "Để được công nhận OCOP, sản phẩm du lịch phải trải qua các đánh giá dựa trên nhiều tiêu chí về: tổ chức dịch vụ, phát triển sản phẩm, sức mạnh cộng đồng, chất lượng sản phẩm, trang thiết bị, tiện nghi, kiến trúc, người quản lý và nhân viên… Bởi vậy, chúng tôi đã tích cực đầu tư để chuẩn hóa tất cả các dịch vụ theo quy trình này. Ngoài ra, chúng tôi còn đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu và xây dựng các tour du lịch trên mạng xã hội và các ứng dụng đặt phòng online, đã mang lại hiệu quả tốt trong tương tác và thu hút du khách”.
Tham gia Chương trình OCOP, các chủ thể đã được tỉnh quan tâm đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ, kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ; phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động các kênh phân phối, đặc biệt là hệ thống cửa hàng OCOP, sàn TMĐT, mạng xã hội và xuất khẩu.
Hàng năm, tỉnh đã chỉ đạo ngành chuyên môn tích cực tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể xây dựng website thương hiệu trực tuyến, đăng ký thành viên và đăng tải thông tin trên sàn TMĐT của tỉnh và các sàn giao dịch khác trong nước và quốc tế; hướng dẫn đào tạo kỹ năng tham gia các hoạt động trên môi trường số, kỹ năng thực hiện quy trình đóng gói, tác nghiệp trong quá trình đưa sản phẩm lên sàn và mua bán trên sàn TMĐT, đăng ký tài khoản cũng như quy trình thanh toán trực tuyến... Từ đó, giúp các chủ thể hoạt động hiệu quả hơn ở kênh phân phối mới này, phù hợp với xu thế mua sắm trong thời đại mới.
Đến hết năm 2022, toàn tỉnh đã có 191 sản phẩm OCOP; trong đó, có 21 sản phẩm OCOP 4 sao. Tham gia Chương trình OCOP chính là cơ hội để các sản phẩm thuần túy của địa phương có cơ hội để chuẩn hóa theo một quy trình chuyên nghiệp hơn, không những thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, hướng tới nền kinh tế thị trường mà còn tạo nên hướng đi mới, hiện đại, hiệu quả hơn trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống.
188 lượt xem
1