Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin hoạt động >> Kinh tế

Thành phố Yên Bái hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP

09/10/2023 09:42:00 Xem cỡ chữ Google
Với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, người sản xuất tiêu thụ nông sản, thời gian qua, thành phố Yên Bái đã tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt là đưa các mặt hàng nông sản, các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, giúp người dân mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Sản phẩm miến đao của HTX sản xuất, kinh doanh Miến đao Giới Phiên

Sản phẩm miến đao của Hợp tác xã (HTX) sản xuất, kinh doanh miến đao Giới Phiên là sản phẩm duy nhất đến thời điểm này của thành phố đạt chuẩn OCOP 4 sao vào năm 2022. Trước đó, sản phẩm này đã đạt chuẩn OCOP 3 sao vào năm 2019. Trong quá trình thực hiện các quy trình công nhận sản phẩm OCOP, HTX đã nhận được sự giúp đỡ của các phòng chuyên môn và được hỗ trợ 60 triệu đồng. Được biết, mỗi năm HTX sản xuất trung bình từ 60 - 70 tấn. Sản phẩm được tiêu thụ tại các siêu thị lớn trên địa bàn các tỉnh: Lào Cai, Phú Thọ, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hưng Yên… và thành phố Hà Nội. Vừa qua, HTX cũng được hỗ trợ kết nối xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Anh. 

Ông Nguyễn Văn Toàn - Giám đốc HTX sản xuất, kinh doanh miến đao Giới Phiên cho biết: "HTX đã xuất khoảng 250 kg sang thị trường Anh. Sản phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm, lựa chọn hàng tiêu chuẩn chất lượng, sợi nhỏ hơn… Nói chung, xuất khẩu sang thị trường nước ngoài đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe. Chúng tôi hi vọng sản phẩm miến đao Giới Phiên sẽ được người tiêu dùng Anh quốc đón nhận, mở ra cơ hội xuất khẩu nhiều sản phẩm sang thị trường châu Âu”.

Tại Minh Bảo, để xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP, xã tăng cường phối hợp tuyên truyền, vận động người dân, HTX, doanh nghiệp chú trọng phát triển sản phẩm dựa vào thế mạnh của địa phương. Đồng thời khuyến khích các cơ sở sản xuất đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng quy mô sản xuất gắn với đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện nay, Minh Bảo đã có 4 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh và đang tiếp tục phát triển 3 sản phẩm đảm bảo các tiêu chí để được công nhận là sản phẩm OCOP vào cuối năm 2023. 

Ông Bùi Việt Tiến - Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Bảo cho biết: "Đối với 4 sản phẩm đã đạt OCOP 3 sao, trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục phối hợp với HTX nông nghiệp Minh Bảo cùng các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm OCOP của địa phương để nâng cao giá trị, nâng hạng sao, mở rộng thị trường cho các sản phẩm. Minh Bảo đang đưa khoa học kỹ thuật vào giúp người dân tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh liên kết chuỗi trong sản xuất, phát huy tiềm năng sẵn có của địa phương, tăng thu nhập cho nông dân. Các sản phẩm OCOP của Minh Bảo đã được hỗ trợ tiêu thụ tại các cửa hàng bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, trong các siêu thị lớn của tỉnh và các địa phương lân cận”.

Đến hết tháng 6/2023, thành phố Yên Bái có 16 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm OCOP đạt 4 sao là miến đao Giới Phiên, 15 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao. Để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP, thành phố đã hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm. Trong đó, triển khai cho các đơn vị chủ thể sản phẩm OCOP tham gia 22 đợt trưng bày, bán sản phẩm tại các lễ hội, hội nghị, hội thảo, hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh; tham gia bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. 

Chương trình OCOP góp phần nâng cao được giá trị, chất lượng sản phẩm, tạo thêm niềm tin, uy tín đối với người tiêu dùng, đồng thời mở ra cơ hội cho các sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường. Một số sản phẩm đã được sự quan tâm và ký kết hợp đồng tiêu thụ với các siêu thị, nhà phân phối lớn. 

Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố cũng gặp khó khăn do diện tích đất sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún nên hạn chế trong việc lựa chọn phát triển sản phẩm. Mặt khác, nhiều diện tích đất sản xuất đã nằm trong quy hoạch các công trình, dự án nên khó khăn trong phát triển các vùng nguyên liệu. Một số đơn vị tham gia chương trình nhưng quy mô sản xuất còn nhỏ, không có đủ vốn để đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến, mở rộng quy mô sản xuất, phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, trong khi đó, việc tiếp cận các nguồn tín dụng lại khó khăn. 

Bên cạnh đó, sản phẩm OCOP của thành phố không mang tính đặc trưng của vùng; bao bì, nhãn mác sản phẩm chưa nổi bật, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Việc tiêu thụ một số sản phẩm OCOP giai đoạn vừa qua gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lạm phát... 

Ông Nguyễn Đăng Thuận - Trưởng phòng Kinh tế thành phố cho biết: Để nâng cao hiệu quả Chương trình OCOP, nhất là việc mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP, thành phố Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cơ sở sản xuất tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua các kênh bán hàng, sàn thương mại điện tử. Thành phố tập trung phát triển ngành nghề nông thôn làm cơ sở để phát triển các sản phẩm OCOP. Tăng cường vai trò và sự tham gia của chính quyền cấp xã trong việc phát triển và đánh giá sản phẩm OCOP. 

Đồng thời, gắn với công tác đào tạo, tập huấn và tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế và đúng theo các quy định hiện hành; vận dụng cơ chế, chính sách hiện hành của Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ phát triển sản xuất để hỗ trợ các chủ thể đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ, quy hoạch, giám sát chặt chẽ vùng trồng nguyên liệu, tiến tới xây dựng đăng ký mã số vùng trồng, vùng nuôi, liên kết theo chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc, xây dựng sản phẩm OCOP đạt cả chất lượng, sản lượng và giá trị, không phát triển tràn lan theo phong trào nhằm tạo ra sự khác biệt so với sản phẩm cùng loại của địa phương khác. 

Thành phố cũng đề nghị tỉnh tập trung định hướng cho các doanh nghiệp, cơ sở liên kết, mở rộng quy mô sản xuất theo hướng liên vùng, liên địa phương tạo ra khối lượng sản phẩm lớn; thành lập hiệp hội sản phẩm OCOP của tỉnh để nâng cao hiệu quả quản lý, xúc tiến thương mại và mở rộng hợp tác, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh, thành phố với các địa phương trên cả nước. 

Đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP; ứng dụng công nghệ số trong xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, đánh giá phân hạng sản phẩm. Tiếp tục tổ chức tập huấn, phổ biến cho các đơn vị chủ thể sản phẩm thuần thục về kỹ năng bán hàng trên sàn, phổ biến cho người dân về kỹ năng mua hàng trên sàn với phương thức "cầm tay chỉ việc”; hỗ trợ các đơn vị kết nối với các trung tâm mua sắm, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, điểm bán hàng để chào bán sản phẩm... 

 

266 lượt xem
1