CTTĐT - Sau 8 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay bộ mặt nông thôn Trấn Yên có nhiều đổi mới, nhiều công trình hạ tầng nông thôn khang trang, hiện đại được xây dựng mới, nâng cấp đảm bảo đạt chuẩn. Đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên, an ninh trật tự xã hội được giữ vững… Đây là tiền đề quan trọng để huyện phấn đấu đến năm 2020 có 100% số xã đạt chuẩn, huyện Trấn Yên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái.
Đồng chí Nguyễn Đình Chiến - Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên thăm vườn cây ăn quả tại xã Hưng Thịnh
Là huyện miền núi, quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Trấn Yên gặp không ít khó khăn. Phần lớn cơ sở hạ tầng thiết yếu chưa có hoặc chưa đạt chuẩn theo quy định. Thu nhập của người dân chủ yếu từ sản xuất nông, lâm nghiệp, các hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện phát triển còn chậm... nên việc huy động nguồn vốn đóng góp từ người dân cho chương trình hạn chế. Ông Nguyễn Đức Mầu - Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết: “Ngay khi bắt tay vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện Trấn Yên đã chỉ đạo các ngành chuyên môn chủ động phối hợp với các xã tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng từng tiêu chí cụ thể để xây dựng kế hoạch triển khai, tháo gỡ vướng mắc, chuẩn bị hồ sơ thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng; tập trung chỉ đạo quyết liệt, tổ chức thi công xây dựng cơ sở hạ tầng đối với các tiêu chí chưa đạt. Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành chức năng và chính quyền các địa phương, đến nay, huyện đã có 15/21 xã đạt chuẩn nông thôn mới”.
Tới các xã Tân Đồng, Báo Đáp, Đào Thịnh, Việt Thành, Minh Quán, Y Can, Vân Hội… hôm nay thấy san sát hai bên đường là những ngôi nhà khang trang. Những “phố trong làng” mang dáng dấp hiện đại đã thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Điển hình phải kể đến Việt Thành, là xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới từ năm 2015, hiện đang trong lộ trình xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, một diện mạo mới với hệ thống cơ sở hạ tầng điện - đường - trường - trạm được chỉnh trang, nâng cấp đồng bộ. Đặc biệt hơn, công cuộc xây dựng nông thôn mới đã thay đổi được tư duy của một bộ phận không nhỏ người dân trong phát triển kinh tế. Từ đó nơi đây xuất hiện ngày càng càng nhiều những con người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới để xây dựng những mô hình kinh tế đem lại thu nhập cao cho người dân. Hiện nay, trên địa bàn xã có 5 tổ hợp tác gồm 2 tổ hợp trồng rừng, 1 tổ hợp trồng măng tre Bát độ và 2 tổ hợp nuôi tằm. Nhờ đổi mới tư duy trong phát triển kinh tế, đến nay Việt Thành là một trong những xã có thu nhập bình quân đầu người cao nhất huyện (hơn 35 triệu đồng/người/năm) và có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất, cả xã chỉ còn 12 hộ nghèo, chiếm 1,4%... Bà Lê Thị Lụa - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Việt Thành cho biết: “Phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân luôn được xác định là mục tiêu cốt lõi trong chương trình xây dựng nông thôn mới tại xã Việt Thành. Để tiếp tục nâng cao tiêu chí về thu nhập, thời gian tới xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền thay đổi nhận thức, tu duy của người dân trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nhằm xây dựng các mô hình phát triển kinh tế tổng hợp, tạo ra sản phẩm hành hóa chủ lực gắn với xây dựng nông thôn mới để giúp nhân dân nâng cao thu nhập cải thiện đời sống”.
Trong năm 2018, huyện Trấn Yên có thêm 5 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là Minh Tiến, Y Can, Minh Quán, Việt Cường, Cường Thịnh. Đến nay, toàn huyện có 15/21 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Theo kế hoạch, trong năm 2019 và 2020, các xã còn lại gồm Hòa Cuông, Quy Mông, Lương Thịnh, Hồng Ca, Kiên Thành và Việt Hồng sẽ cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí. Ông Nguyễn Đức Mầu - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết thêm: “Đối với 15 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện chỉ đạo tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí, từng tiểu mục đã đạt. Ở 6 xã còn lại, chúng tôi yêu cầu rà soát, đánh giá thực trạng khách quan và có giải pháp cụ thể cho từng tiểu mục, tiêu chí, lập kế hoạch chi tiết về tiến độ, bố trí nguồn lực và phân công cán bộ phụ trách để hoàn thành các tiêu chí trong thời gian sớm nhất”.
Trong quý I năm 2019 dự kiến trên địa bàn huyện sẽ có thêm xã Quy Mông hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Với xuất phát điểm thấp, chỉ đạt 5/19 tiêu chí, trong 8 năm qua xã Quy Mông đã phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”, nhân dân đã được tham gia thảo luận, bàn bạc công khai dân chủ về các tiêu chí, tạo sự đồng thuận cao. Hiện nay, chính quyền địa phương đang tích cực chỉ đạo các ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con xây mới tường rào, chỉnh trang nhà cửa, sân vườn và di chuyển chuồng trại chăn nuôi xa nơi ở, xây dựng công trình phụ hợp vệ sinh… Ông Nguyễn Duy Khanh - Chủ tịch UBND xã Quy Mông cho biết: “Từ một vùng quê nghèo khó, thiếu thốn, diện mạo xã Quy Mông hôm nay đã thực sự thay da đổi thịt. Những đổi thay vượt bậc về kinh tế - xã hội, tiến bộ trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân”.
Hôm nay, về huyện Trấn Yên đã có sự thay đổi lớn so với 5-10 năm về trước. Cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư bài bản, cơ bản đáp ứng yêu cầu lưu thông hàng hóa, nâng cao dân trí và đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân. Chỉ tính từ 2015 đến nay huyện Trấn Yên huy động các nguồn lực để làm đường giao thông nông thôn được trên 194 tỷ đồng, đã kiên cố hóa được gần 200 km đường giao thông nông thôn, trong đó huy động nội lực trong nhân dân và nguồn xã hội hóa được 35 tỷ đồng. Hiện 100% các tuyến đường từ huyện đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; có thêm 148 km đường liên xã, liên thôn, nội thôn, nội đồng được cứng hóa với mặt đường từ 3m trở lên. Riêng trong năm 2018, huyện Trấn Yên đã cứng hóa được gần 100km đường các loại, tổng kinh phí đầu tư gần 72 tỷ đồng. Đây là tiền đề vững chắc để Trấn Yên đẩy nhanh tỷ lệ đường giao thông được cứng hóa, cũng như thực hiện tiêu chí số 2 về giao thông trong bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Đến nay, hệ thống thủy lợi trên địa bàn tiếp tục được tăng cường, củng cố theo hướng hiện đại, trên 65% kênh mương được kiên cố hóa, 100% thôn, bản trên địa bàn có điện lưới quốc gia; 35/47 trường học đạt chuẩn Quốc gia, trên 90% phòng học đã được kiên cố...
Trong phát triển kinh tế, huyện Trấn Yên chú trọng phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn như: vùng chè chất lượng cao hơn 900 ha; sản vùng trồng dâu nuôi tằm hơn 400 ha; vùng trồng cây ăn quả trên 700 ha; vùng trồng tre Bát Độ hơn 3.000 ha; quế hơn 15.000 ha. Ngoài ra, trên địa bàn huyện đã hình thành 21 hợp tác xã, thành lập 12 tổ hợp tác và 1 làng nghề chế biến, sản xuất sản phẩm nông, lâm sản… Tất cả những tiêu chí phục vụ nông thôn mới cho các xã trong thời gian qua luôn được các địa phương và nhân dân quan tâm thực hiện, từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đáp ứng phục vụ sản xuất, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong huyện chỉ còn 9,3%.
Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự vào cuộc tích cực của người dân, hyện Trấn Yên đang tự tin hướng đến mục tiêu trở thành địa phương đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới.
1027 lượt xem