CTTĐT - Đến xã Quy Mông, huyện Trấn Yên vào những ngày này, chúng tôi có thể cảm nhận rõ được những đổi thay trong diện mạo của một xã nông thôn mới (NTM). Hạ tầng cơ sở nông thôn được đầu tư ngày một hoàn thiện, kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày một nâng lên, nhà nhà cùng thi đua xây dựng đời sống văn hóa, tích cực tăng gia sản xuất nâng cao thu nhập.
Diện mạo NTM ở xã Quy Mông thay đổi rõ nét
Quy Mông là một xã vùng thấp nằm ở phía Đông Nam huyện Trấn Yên, có diện tích đất tự nhiên hơn 2.000 ha; toàn xã có 10 thôn với 1.455 hộ dân, hơn 5.300 nhân khẩu. Khi bắt tay vào xây dựng NTM, Quy Mông gặp không ít khó khăn, các nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM còn hạn chế. Sau 8 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, đến nay xã Quy Mông đã hoàn thành 19/19 tiêu chí.
Đồng chí Hoàng Xuân Trường - Bí thư Đảng ủy xã Quy Mông khẳng định: “Sau 8 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới không chỉ góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mà đã có tác động trực tiếp nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân. Có được những kết quả như ngày hôm nay đây là thành quả nỗ lực của hệ thống chính trị và nhân dân trong xã, nhờ sự vào cuộc, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, sự đồng lòng, chung sức của người dân trong xã”.
Xác định nông nghiệp là mũi nhọn trong việc phát triển kinh tế địa phương, trong 8 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, xã Quy Mông đã lựa chọn cây trồng, vật nuôi có giá trị, năng xuất cao đưa vào sản xuất, phát huy lợi thế của địa phương, tổ chức quy hoạch thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Đến nay, cơ cấu kinh tế của xã chuyển dịch đúng hướng, đã hình thành các mô hình phát triển kinh tế như: Trồng đao riềng với diện tích gần 50 ha; trồng dâu nuôi tằm với diện tích 6,5 ha; nuôi cá thâm canh với diện tích 27 ha. Trong chăn nuôi đã chuyển đổi phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung quy mô lớn như chăn nuôi gà 89 trang trại, chăn nuôi lợn, trâu bò hơn 30 trang trại; đồng thời phát triển các loại hình kinh doanh dịch vụ, từ đó góp phần nâng cao thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo. Đặc biệt, hiện nay, trên địa bàn xã đã thành lập được HTX sản xuất miến đao, từng bước phát triển làng nghề tại địa phương.
Cùng với phát triển kinh tế, trong quá trình xây dựng NTM, Quy Mông luôn quan tâm đầu tư phát triển văn hóa - xã hội để nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”, xây dựng gia đình văn hóa và cộng đồng văn hóa được đẩy mạnh. Năm 2018 xã có 9/10 thôn đạt danh hiệu “Thôn văn hóa”; trên 80% hộ dân đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Cơ sở vật chất trường học được đầu tư xây dựng đảm bảo phục vụ tốt cho việc dạy và học của giáo viên và học sinh; đến nay cả 2 trường Mầm non, Tiểu học và THCS xã đã được công nhận trường chuẩn Quốc gia. Nhờ đó xã duy trì tốt kết quả phổ cập giáo dục trung học cơ sở, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THCS tiếp tục học trung học phổ thông trung học, học nghề đạt 76%. Góp phần hoàn thành 2 tiêu chí về trường học và giáo dục trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền xã Quy Mông xác định Môi trường là một trong những tiêu chí quan trọng nhưng cũng gặp nhiều khó khăn khi thực hiện và cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như người dân. Với sự quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền, sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể và sự hưởng ứng của nhân dân đã tập trung công tác tuyên truyền, vận động nhân dân từng bước thay đổi nhận thức về việc giữ gìn và bảo vệ môi trường sống xanh- sạch - đẹp. Chính quyền xã giao cho mỗi tổ chức đoàn thể phụ trách từng tuyến đường, hàng tháng phối hợp với Ban phát triển các thôn tổ chức các đợt phát động phong trào vệ sinh đường làng, ngõ xóm vào ngày 15 hàng tháng; chỉ đạo các đoàn thể tuyên truyền, vận động các đoàn viên, hội viên xây dựng 1 hố rác thải để xử lý rác thải của gia đình. Nhờ đó, tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn xã đạt 94%, 100% cơ sở sản xuất kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường.
Có thể thấy, công cuộc xây dựng nông thôn mới đã mang đến luồng sinh khí mới cho xã Quy Mông và niềm vui cho người dân khi chất lượng cuộc sống được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần. Các công trình phúc lợi, trường học, y tế, nhà văn hóa được xây dựng khang trang, kiên cố, khuôn viên nhà cửa được chỉnh trang sạch đẹp. Nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao đã được ứng dụng, nhân rộng. Nhiều công trình giao thông nông thôn in đậm dấu ấn của cộng đồng dân cư. Đồng chí Nguyễn Duy Khanh - Chủ tịch UBND xã Quy Mông cho biết: “Trong 8 năm xây dựng NTM, Quy Mông đã huy động tổng nguồn vốn đầu tư trên 210 tỷ đồng, riêng nhân dân đóng góp gần 65 tỷ đồng, ngân sách nhà nước gần 50 tỷ đồng, còn lại vốn tín dụng và nguồn đóng góp từ các tổ chức, doanh nghiệp. Xây dựng NTM không chỉ góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mà đã có tác động trực tiếp nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân; số hộ nghèo giảm còn 11,55%, thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt 33 triệu đồng/năm”.
Với quan điểm xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cùng với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”, chương trình xây dựng NTM ở Quy Mông đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, góp phần để Quy Mông ngày càng thay da đổi thịt, đời sống của người dân ngày một nâng cao./.
1552 lượt xem