Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin hoạt động >> Kinh tế

Tre măng Bát Độ - cây làm giàu của người dân xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên

07/10/2019 14:44:46 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Trước đây mỗi khi nhắc đến Kiên Thành, một xã vùng 3 của huyện Trấn Yên mọi người lại nhớ đến một vùng đất khó khăn và nghèo đói. Thế nhưng vài năm trở lại đây Kiên Thành đã có bước chuyển mình vượt bậc nhờ vào một loại cây trồng chủ lực, cây tre măng Bát độ.

Kiên Thành là một xã vùng sâu nằm ở phía Tây của huyện Trấn Yên, xã cách trung tâm huyện 15 km. Thôn xa nhất cách trung tâm xã 8 km. Toàn xã có trên 950 hộ với hơn 4.100 nhân khẩu gồm 7 dân tộc anh em cùng sinh sống là Kinh, Tày, Dao, Mông, Thái, Mường, Khơ Me. Trước đây người dân sống chủ yếu dựa vào trồng lúa, cây lâm nghiệp như keo, bồ đề, bạch đàn…đời sống khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Bắt đầu từ năm 2003, Đảng ủy chính quyền địa phương đã đưa cây tre măng Bát Độ vào trồng trên các diện tích đất đồi trong xã. Khi mới triển khai, xã gặp nhiều khó khăn do người dân còn đắn đo, không ủng hộ, vẫn còn quen với tập quán canh tác cũ, hơn nữa chưa tìm được đầu ra ổn định. Do đó, các cán bộ, đảng viên trong xã vận động, tuyên truyền nhân dân, đồng thời đi đầu, thực hiện trên diện tích đất của gia đình.Từ đó, bà con trong xã thấy được hiệu quả của cây măng tre Bát độ nên đã tự nguyện tham gia đăng ký trồng.

Hiện nay gia đình bà Mai Thị Liêu có trên 7ha tre măng Bát Độ đã đến kỳ thu hoạch, thu nhập bình quân hàng năm đạt trên 100 triệu đồng. Nhớ lại thời kỳ đầu, do chưa có kinh nghiệm nên việc trồng măng gặp nhiều khó khăn, khi thất bại, thiệt hại lên tới hàng chục triệu đồng. Nhưng với quyết tâm thoát khỏi cảnh nghèo đói, cùng sự giúp đỡ nhiệt tình của lãnh đạo xã, cán bộ khuyến nông huyện mà bà con vẫn kiên trì bám trụ với những đồi măng. Nhờ dày công chăm sóc nên những diện tích tre măng Bát độ sinh trưởng phát triển tốt và cho hiệu quả kinh tế cao.

Để nâng cao giá trị cây măng, năm 2005 bà Liêu đã đầu tư dụng cụ để sơ chế măng. Không chỉ phục vụ nhu cầu gia đình, bà Liêu đã đăng kí với công ty TNHH Vạn Đạt để trở thành 1 trong 7 điểm thu mua măng của bà con cho công ty. Với 3 nồi luộc măng, mỗi ngày điểm thu mua của bà Liêu sơ chế từ 10-12 tấn măng, có thời gian cao điểm đạt 24 tấn 1 ngày. Đặc biệt gia đình bà Mai Thị Liêu đã thuê thêm từ 15 đến 20 nhân công làm việc. Mức lương trung bình đạt từ 7 đến 9 triệu đồng/người/tháng.

Tre măng Bát Độ là loại cây dễ trồng và không tốn nhiều công chăm sóc, thích hợp với đất đồi dốc. Sau 2 năm trồng, măng sẽ cho thu hoạch. Mùa vụ chính là vào khoảng cuối tháng 6 đến đầu tháng 10 dương lịch, cao điểm nhất là tháng 7, tháng 8. Vào mùa thu hoạch, bà con “ăn ngủ” cùng tre măng bởi sau khi thu hoạch măng phải được luộc sơ chế ngay trong vòng 2 giờ để đảm bảo chất lượng. Đặc biệt cây tre măng Bát Độ được thương lái bao tiêu và thu mua tận nơi cho bà con. Hiện nay đã có 2 công ty thu mua gồm công ty TNHH Vạn Đạt và công ty Cổ phần Yên Thành.

Để tạo mô hình liên kết trong phát triển tre măng, chính quyền xã đã vận động thành lập hợp tác xã, tạo "cầu nối” giữa doanh nghiệp và nông dân trong thu mua, tiêu thụ nông sản. HTX Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành được thành lập năm 2012 với 7 thành viên tham gia, đến nay đã có 57 thành viên với  số vốn điều lệ trên 3 tỷ đồng. HTX hoạt động đa ngành, trong đó, tập trung mũi nhọn cho dịch vụ thu mua, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm nghiệp. Với vai trò hạt nhân trong chuỗi giá trị sản phẩm măng tre Bát độ, Công ty Cổ phần Yên Thành ký hợp đồng với HTX, tiếp đó HTX ký trực tiếp với người trồng măng, đầu tư vật tư, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch đồng thời thu mua toàn bộ sản phẩm do nông dân sản xuất. Đến nay, HTX đã xây dựng được vùng nguyên liệu tre măng Bát độ với diện tích trên 300 ha và liên kết với 200 hộ dân trồng tre măng Bát độ. Việc HTX tham gia vào chuỗi giá trị đã góp phần làm lợi cho bà con thành viên về cả giá trị sản phẩm và sản lượng thu hoạch.

Hơn 15 năm “bén rễ” trên mảnh đất Kiên Thành, từ cây trồng thử nghiệm giờ đây tre măng Bát Độ đã trở thành cây trồng hàng hóa, giúp xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho đồng bào các dân tộc trong xã. Từ 60 ha ban đầu, đến nay, diện tích tre măng Bát độ của toàn xã đã đạt trên 1.700 ha. Sản lượng trung bình hàng năm đạt trên 30 nghìn tấn với giá bán dao động từ 3.600 đồng đến 4.000 đồng/1 kg, mỗi năm người dân đã thu về trên 30 tỷ đồng. Riêng vụ măng năm 2018, xã Kiên Thành đã thu trên 32 nghìn tấn. Nhờ trồng tre măng Bát độ mà đời sống của nhân dân trong xã đã được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người của xã hiện đã đạt trên 32 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn khoảng trên 16%. Thời gian tới, xã Kiên Thành dự kiến trồng thêm 100ha tre măng đồng thời phối hợp với Trạm khuyến nông huyện tổ chức buổi ra quân hướng dẫn, tập huấn cho nhân dân cách chăm sóc, vệ sinh chặt tỉa vườn măng tre, hướng đến việc tập trung chăm sóc, nâng cao chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm.

Với chủ trương đúng đắn, sự quyết tâm cao của đảng bộ chính quyền địa phương cùng sự nỗ lực cố gắng của đồng bào các dân tộc mà người dân xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên đã làm giàu từ cây tre măng Bát Độ. Đó là minh chứng lớn nhất cho sự chung sức đồng lòng và đoàn kết của người dân nơi đây trong việc xóa đói giảm nghèo. Đây cũng là tiền đề quan trọng để Kiên Thành tiến tới lộ trình hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới trong năm 2019./.

1746 lượt xem
Ban Biên tập