CTTĐT - Miến đao Giới Phiên, chè Shan tuyết Suối Giàng, tinh dầu quế Văn Yên, gạo Séng Cù, bưởi Đại Minh được Yên Bái chọn là sản phẩm OCOP hạng 3 sao.
Miến dong Giới Phiên là sản phẩm đặc sản của Yên Bái
Theo Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là chương trình OCOP), trong năm 2019, tỉnh Yên Bái xây dựng 5 sản phẩm OCOP hạng 3 sao.
Miến đao Giới Phiên
Miến đao xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái được người dân trong tỉnh cũng như cả nước biết đến như một sản vật với đặc điểm nổi bật là sợi nhỏ, màu trong hơi xám, có độ dai, giòn, nấu chín không bị nát.
Từ nhiều đời nay tại những dải đất ven sông Hồng, ở các xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái đã trồng cây Dong riềng. Đây là loại cây trồng thích hợp với đất đồi núi, đất bồi ven sông, suối, ít sâu bệnh cho năng suất cao, đây là nguyên liệu chính để làm lên những sợi miến ngon nổi tiếng của tỉnh Yên Bái.
Làng nghề sản xuất miến đao xã Giới Phiên - thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái có từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước. Những người đầu tiên có công mang nghề làm miến về xã là các ông Tô Văn Trắc và ông Nguyễn Văn Minh từ làng miến Dương Liễu - Hoài Đức, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Từ vài hộ ban đầu ngày càng có nhiều hộ tham gia, sản lượng sản xuất ngày một nhiều và kinh nghiệm sản xuất của nhân dân cũng ngày càng được tích lũy. Người biết làm miến có ở khắp các thôn nhưng tập trung chủ yếu ở làng Ngòi Đong.
Miến Giới Phiên được nhiều người biết đến với đặc điểm nổi bật là sợi nhỏ có màu trong hơi xám, có độ dai giòn, không nát. Trong văn hóa ẩm thực Việt Nam, Miến đao là thực phẩm rất đỗi quen thuộc và không thể thiếu, nhất là mỗi độ Tết đến, Xuân về.
Là sản phẩm đặc biệt của vùng Yên Bái, Miến Đao Giới Phiên được bà con tự làm hoàn toàn bằng củ dong riềng nguyên chất, không trộn các loại bột khác, đánh nước lắng bột từ 6 - 7 lần để loại bỏ các tạp chất và mùi chua, không còn sạn, không sử dụng hóa chất để tẩy trắng nên sợi miến có màu trong hơi xám. Theo kiểu truyền thống miến chỉ phơi một nắng trên các giàn tre cách mặt đất 1 - 1,2m, nếu phơi hai nắng, sợi miến bị giòn dễ gãy. Do đó, khi nấu sợi miến rất dẻo, mềm, dai có vị thơm ngon của dong riềng, không bị dính, nát. Đặc biệt chế biến Miến Đao lại phụ thuộc vào thời tiết, chỉ khi trời nắng mới làm được.
Miến này dùng cho người tiểu đường cực tốt và an toàn vì không hề dùng bất cứ hóa chất nào trong quá trình chế biến. Từ Miến Đao có thể chế biến nhiều món ngon và dễ ăn. Trước khi nấu, ngâm miến bằng nước ấm khoảng 5 đến 10 phút, sau đó thả vào nước dùng, đun sôi khoảng 2 phút thì bắc ra. Với sự khéo léo và kinh nghiệm có từ lâu đời của những người dân địa phương, đã tạo nên những sợi miến dai, giòn, có hương thơm đặc trưng của bột dong tự nhiên. Bát canh miến với thịt gà, mộc nhĩ trở thành hương vị không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết cổ truyền của người dân Việt Nam.
Để khẳng định uy tín, chất lượng sản phẩm, sau khi kiểm tra toàn bộ quá trình sản xuất và kiểm nghiệm sản phẩm, ngày 13/01/2016 Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) ban hành Quyết định số 1430/QĐ-SHTT cấp chứng nhận bảo hộ độc quyền nhãn hiệu tập thể mang tên “Miến Đao Giới Phiên”, có hiệu lực trong 10 năm. Điều này mở ra cơ hội mới trong việc giữ gìn, phát triển làng nghề truyền thống đã từng gắn bó với người dân địa phương trong hơn 5 thập kỷ qua.
Sản phẩm Miến Đao Giới Phiên từ lâu đã có thương hiệu và chỗ đứng ổn định trên thị trường, được người tiêu dùng xa gần luôn nhớ tìm mua để thưởng thức và làm quà, nhất là mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Chè Shan Tuyết
Chè là cây trồng nổi tiếng của Yên Bái, với thế mạnh về đất đai và khí hậu, tỉnh đã phát triển vùng trồng chè với diện tích trên 10 nghìn ha, lớn thứ 3 trong cả nước. Cây chè được trồng tại tất cả huyện, thị xã, thành phố, là cây mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Tận dụng tiềm năng, phát huy thế mạnh, tỉnh Yên Bái đã xây dựng nhiều chính sách, đầu tư để phát triển ngành chè. Từ đó, các sản phẩm từ cây chè cũng đa dạng, hấp dẫn đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Trên địa bàn hiện có gần 100 đơn vị sản xuất, công ty, Hợp tác xã tham gia sản xuất, kinh doanh, chế biến chè, với tổng sản lượng chè búp tươi đưa vào chế biến trên 80.000 tấn/năm.
Chè Shan Tuyết cổ thụ của tỉnh Yên Bái xưa nay được xem là một trong những thức uống thơm ngon bậc nhất cả nước. Chè Shan Tuyết được trồng ở độ cao từ 1.000 - 1.800 m so với mặt nước biển, nơi có độ ẩm cao, thời tiết mát mẻ quanh năm. Các gốc chè Shan Tuyết cổ thụ tại Yên Bái đều có trên 300 năm tuổi. Giống chè Shan Tuyết cổ thụ hội tụ cả ba yếu tố: Hương thơm, vị đậm, nước xanh.
Nổi tiếng nhất trong các sản phẩm chè là chè Shan Tuyết cổ thụ mà thương hiệu được xây dựng chủ yếu từ xã Suối Giàng (huyện Văn Chấn) và xã Phình Hồ (huyện Trạm Tấu). Suối Giàng (huyện Văn Chấn) có độ cao trên 1.300 m so với mặt nước biển. Nơi đây được coi là thủy tổ của cây chè Shan tuyết với những rừng chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Từ năm 2016, trong hàng nghìn cây chè cổ thụ ở Suối Giàng, có 400 cây mọc tập trung ở 4 thôn: Giàng A, Giàng B, Pang Cáng và Bản Mới được công nhận là Cây di sản Việt Nam và có cây trên 300 năm tuổi đã được xếp vào một trong 6 cây chè thủy tổ của thế giới. Thừa hưởng khí hậu quanh năm mát mẻ, có mây mù che phủ nên chè ở đây búp to, phủ một lớp lông tơ mịn như nhung, trắng như tuyết, bởi thế nên được gọi là chè Shan tuyết.
Trải qua nhiều biến cố thăng trầm, có những lúc chè Shan tuyết Suối Giàng đã bị mất thương hiệu vì nhiều loại chè không chất lượng làm giả, làm nhái thương hiệu và người dân không mặn mà với cây chè. Tuy nhiên, đến nay, chè Shan tuyết Suối Giàng đã xây dựng và đăng ký được nhãn hiệu nên thương hiệu chè Shan tuyết Suối Giàng không chỉ lan tỏa trong nước mà còn có mặt ở các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Đài Loan, Hà Lan, Đức... Năm 2006, chè Shan tuyết Suối Giàng đã được Hiệp hội Chè Việt Nam vinh danh "Thương hiệu chè Việt”; năm 2016 được bình chọn là "Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu”; năm 2017 được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings công bố là một trong 10 đặc sản quà tặng nổi tiếng Việt Nam...
Giá trị và vị thế của chè Shan tuyết Suối Giàng được khẳng định, đây chính là thành quả cố gắng của bao thế hệ người Mông xã Suối Giàng và cả sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng trong tỉnh.
Gạo Mường Lò
Nằm ở phía Tây của tỉnh Yên Bái, cánh đồng Mường Lò rộng hơn 3.000 ha (trong đó diện tích lúa của huyện Văn Chấn 1.500 ha, thị xã Nghĩa Lộ trên 760 ha), được thiên nhiên ưu đãi về đất, nước, khí hậu phù hợp cho cây lúa sinh trưởng, phát triển và cho năng suất cao nên từ bao đời nay người Thái Mường Lò đã gieo trồng nhiều loại gạo thơm ngon, có chất lượng cao, nhiều giá trị dinh dưỡng.
Trong cơ cấu giống lúa của Mường Lò hiện nay, Hương chiêm và Séng cù là 2 giống lúa hàng hóa chủ lực chiếm trên 45% diện tích, có năng suất và chất lượng cao, được canh tác từ lâu và người dân có thể chủ động nguồn giống. Sản lượng lúa của cánh đồng Mường Lò đạt từ 30.000 - 32.000 tấn/năm, trong đó các loại lúa đặc sản hàng hoá khoảng 10.000 tấn/năm.
Gạo Séng Cù Mường Lò với hương vị đậm đà thơm ngon, hạt gạo dài, trắng đục, căng tròn, có hàm lượng dinh dưỡng cao. Khi nấu chín cho cơm dẻo, thơm, nếm vào mới cảm nhận được hết hương vị của bát cơm, vẫn dẻo ngon khi cơm nguội; điều đặc biệt là không chỉ khi nấu chín cơm mới có mùi thơm, mà từ khi còn là hạt thóc, hạt gạo đã ẩn chứa trong mình những hương thơm đặc biệt. Chính vì mang những đặc trưng riêng nên gạo Séng Cù ngày nay đã vang danh khắp vùng, nổi tiếng là gạo ngon nhất và trở thành gạo đặc sản của vùng Mường Lò. Séng Cù là một trong những loại gạo mang lại giá trị kinh tế cao nhất vùng.
Nhận thấy lợi ích về kinh tế, nhân dân vùng Mường Lò gia tăng việc sản xuất gạo Séng Cù nhằm đáp ứng đủ nhu cầu thị trường hiện nay, giúp nhân dân tăng thu nhập, ổn định đời sống. Với nhiều yếu tố nổi bật và được thị trường công nhận, ngày 22/01/2018, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm gạo “Mường Lò” của cánh đồng Mường Lò, tỉnh Yên Bái. trong đó gạo Séng Cù góp phần quan trọng xây dựng nên thương hiệu này. Khu vực mang chỉ dẫn địa lý “Gạo Mường Lò” gồm 13 xã, phường thuộc thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn, cụ thể: Phường Trung Tâm, phường Tân An, phường Pú Trạng, phường Cầu Thia, xã Nghĩa An, xã Nghĩa Phúc, xã Nghĩa Lợi thuộc thị xã Nghĩa Lộ, xã Thanh Lương, xã Thạch Lương, xã Sơn A, xã Hạnh Sơn, xã Phúc Sơn, xã Phù Nham thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
Hiện nay, gạo Séng Cù được trồng nhiều ở các xã, phường thuộc thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn như: Phường Trung Tâm, phường Tân An, phường Pú Trạng, phường Cầu Thia, xã Nghĩa An, xã Nghĩa Phúc, xã Nghĩa Lợi, xã Thanh lương, xã Thạch Lương, xã Sơn A, xã Hạnh Sơn, xã Phúc Sơn, xã Phù Nham. Đạt năng suất và chất lượng kinh tế cao, từ khi gieo trồng, gạo Séng Cù đã nhanh chóng trở thành đặc sản của địa phương và đến nay được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đánh giá cao.
Tinh dầu quế Văn Yên
Yên Bái hiện là vùng sản xuất tinh dầu quế lớn nhất cả nước với sản lượng khoảng 150-200 tấn mỗi năm. Vùng tinh dầu quế của tỉnh phần lớn tập trung tại huyện Văn Yên với 8 nhà máy. Mỗi năm, một nhà máy cho công suất khoảng 60-100 tấn. Ngoài ra, trên địa bàn còn có hàng trăm cơ sở chưng cất tinh dầu quế bằng phương pháp thủ công với năng suất trung bình mỗi năm khoảng 300-800 kg tinh dầu.
Tinh dầu quế Văn Yên được thu hoạch chủ yếu vào 2 mùa trong năm, là vụ hè (từ tháng 4 đến tháng 7) và vụ đông (từ tháng 9 đến tháng 11). Chất lượng tinh dầu ở mỗi vụ thường khác nhau. Vụ hè, tinh dầu thu được với số lượng nhiều và có mùi gần với mùi quế nhưng dễ bị bay, trong khi đó, vào vụ đông, sản lượng tinh dầu thu được ít hơn nhưng đặc, mùi và màu cũng đậm hơn.
Nếu trước đây, người dân Văn Yên thu hoạch quế chủ yếu là lấy vỏ thì sau này, nhờ công nghệ chế biến tinh dầu phát triển mà toàn bộ nguồn nguyên liệu từng bị loại bỏ gồm cành, ngọn, lá quế đều được tận dụng. Điều này không chỉ mang lại thu nhập cao hơn cho bà con mà còn giúp hạn chế tình trạng sâu bệnh phát triển từ đống rác quế và nguy cơ gây hại cho vườn quế khác.
Tại các nhà máy, để tạo ra tinh dầu quế, cành, lá, ngọn quế được thu mua ngay sau khi bà con chặt hạ, tỉa thưa cây. Nguyên liệu sau khi băm nhỏ sẽ được đưa vào hệ thống nồi hơi, sau đó, được điều khiển hoàn toàn bằng máy, kiểm soát vận hành theo đúng quy trình để tạo ra các mẻ tinh dầu đảm bảo chất lượng. Toàn bộ nguyên liệu sau chiết xuất được sử dụng làm nhiên liệu đốt cho nhà máy, hạn chế việc đổ thải ra môi trường, lại tiết kiệm chi phí chất đốt.
Với 2,7-3,2% tỷ trọng hàm lượng tinh dầu, chất lượng quế Văn Yên được đánh giá cao hơn so với các loại quế trồng ở những vùng khác. Cây quế Văn Yên giàu tinh chất cũng trở thành sản phẩm mà hầu hết các cơ sở chế biến lớn, quy mô tìm đến.
Nhờ tác dụng như chữa bệnh như ho, cảm cúm, các bệnh liên quan đến tiêu hóa; lại có thể dùng như một loại sản phẩm dưỡng da, tinh dầu quế Văn Yên có chỗ đứng ngày càng vững chắc trên thị trường. Hiện nay, tinh dầu quế Văn Yên còn được được tiêu thụ rộng rãi tại Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Bỉ… với số lượng hàng nghìn tấn mỗi năm.
Bưởi Đại Minh
Đại Minh là xã vùng phía dưới của huyện Yên Bình tỉnh Yên Bái, trước kia thuộc huyện Đoan Hùng - Phú Thọ, tương truyền rằng, bưởi Đại Minh là giống bưởi quý, được phát hiện cách nay trên 300 năm và được gọi là “bưởi tiến vua”. Do đặc thù của khí hậu, thổ nhưỡng nên Bưởi Đại Minh trồng ở vùng đất này cho chất lượng quả ngon và ngọt nhất so với các vùng đất khác. Hiện ở thôn Khả Lĩnh, xã Đại Minh còn một một số cây bưởi cổ có tuổi đời khoảng 200 năm tuổi.
Cây bưởi Đại Minh thấp, lá tròn, dày, tán rộng, quả có hình dẹt, nhẵn bóng, trọng lượng từ 0,6kg - 1,4kg, khi quả chín chuyển sang màu vàng, những quả ở cây bưởi già sẽ nhỏ nhẵn hơn, dễ phân biệt với loại bưởi khác. Bưởi Đại Minh ngon có tiếng, từ lâu đã trở thành đặc sản của vùng quê này và là niềm tự hào của người dân Yên Bái. Khi bổ ra, bưởi có mùi thơm thoang thoảng, múi róc, mọng nước. Chỉ cần ăn một múi, cũng cảm nhận được cái vị ngọt mát, thơm dịu của bưởi và cái vị đậm đà của làng quê. Trong số loài cây ăn quả bản địa có những cây bưởi ngọt, bưởi chua gốc to cả người ôm, quả sai trĩu cành, da mỏng, múi mọng. Bưởi ngọt, thì ngọt mát có mùi thơm dịu, bưởi chua vẫn có vị ngọt riêng không quá gắt như nhiều giống bưởi chua khác.
Bưởi Đại Minh đang được trồng ở 26 xã và thị trấn của huyện Yên Bình, có tổng diện tích 350 ha, tập trung chủ yếu ở xã Đại Minh 150 ha, sản lượng mỗi năm trên 7.000 tấn mang lại thu nhập cho người dân gần 10 tỷ đồng. Nhiều hộ trồng bưởi có thu nhập từ 400 - 800 triệu đồng mỗi năm. Ngày 16/11/2016, Cục Sở hữu Trí tuệ cấp nhãn hiệu bảo hộ độc quyền “Bưởi Đại Minh” cho huyện Yên Bình. Vào mùa thu hoạch, bưởi Đại Minh được các thương lái tới tận nhà vườn để thu mua. Thậm chí các thương lái muốn có bưởi Đại Minh còn phải đến tận vườn bưởi từ khi trái bưởi còn nhỏ để thỏa thuận, đặt cọc với chủ nhà đến khi thu hoạch để họ giữ lại bán cho mình.
Tổng hợp
1093 lượt xem