Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin hoạt động >> Kinh tế

Mỗi xã một sản phẩm: Góp phần khai thác thế mạnh của địa phương

04/11/2019 15:51:25 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Đây được coi là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Đặc sản Bưởi Đại Minh

Mục tiêu của Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là OCOP) tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030 là: Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất kinh doanh) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, sản phẩm, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn tiếp theo; Thông qua việc phát triển sản xuất tại địa bàn khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý; bảo tồn các giá trị truyền thống tốt đẹp, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế, xã hội khu vực nông thôn theo hướng bền vững.

Các nhóm sản phẩm, dịch vụ OCOP tỉnh Yên Bái tập trung phát triển gồm đủ 6 nhóm sản phẩm bao gồm: Thực phẩm; Đồ uống; Dược liệu; Vải và may mặc; Lưu niệm-nội thất-trang trí; Dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng.

Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Quan điểm của chương trình OCOP là từ thị trường, lấy thị trường là tín hiệu, là mệnh lệnh để dẫn dắt sản xuất, từ đó định hướng các sản phẩm truyền thống phải gắn với thị trường.

Điệp khúc “được mùa mất giá” hay câu chuyện “giải cứu nông sản” cho ta thấy những bất cập là khi sản xuất không định hướng rõ sản xuất gắn với thị trường, tăng sản lượng nhanh chóng mà không quan tâm đến nhu cầu thị trường… Đối với Chương trình mỗi xã một sản phẩm(OCOP), trên cơ sở xác định được những nhóm sản phẩm sẽ chuẩn hóa và định hướng rõ thị trường, vùng tiêu thụ.

Cùng với đó, chương trình sẽ hỗ trợ các hoạt động kết nối, xúc tiến, quảng bá để từ đó có thể hình thành được những trung tâm giới thiệu sản phẩm gắn với các trạm dừng chân hay các trung tâm du lịch.

Bên cạnh đó, chương trình cũng sẽ hỗ trợ các hộ sản xuất, các doanh nghiệp nắm được thông tin thị trường, sản xuất theo đúng nhu cầu thị trường chứ không thuần túy là “mình có cái gì thì mình làm cái đó”. Chu trình OCOP nhằm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng ở mức độ nhất định. Các sản phẩm này được bán ở những địa điểm du lịch, hình thành các cửa hàng giới thiệu bán các sản phẩm OCOP gắn với mỗi câu chuyện riêng có của từng sản phẩm, ở mỗi vùng đất, cộng đồng cụ thể.

Qua thực tiễn, vấn đề lớn nhất với các sản phẩm OCOP không như các sản phẩm hàng hoá lớn dễ gặp phải tình trạng cung vượt cầu vì quy mô của các sản phẩm này nhỏ, lẻ, có đặc trưng riêng có, mà là chất lượng của sản phẩm theo các quy trình phải được công nhận, công khai.

Ngoài ra, OCOP sẽ phát huy chức năng tư vấn, phát triển các sản phẩm sẵn có của địa phương. Ví dụ: thay vì chỉ bán nghệ, gừng, mật ong thì OCOP sẽ hỗ trợ cộng đồng sản xuất tinh bột nghệ nano, trà gừng, trà mật ong…

Vấn đề cốt lõi khi triển khai OCOP là phải nghiên cứu thị trường trước tiên, rồi mới tính đến sản xuất. Bên cạnh đó là phải nhận diện được tiềm năng lợi thế của từng địa phương, vùng miền, phải biết mình đang đứng ở đâu, khả năng và năng lực của mình ra sao.

Công tác xúc tiến thương mại phải được xác định là giải pháp quan trọng để mở rộng thị trường, kích cầu tiêu dùng sản phẩm OCOP. Xúc tiến thương mại được tham gia từ khâu phát triển sản phẩm và xây dựng thương hiệu, nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm OCOP. Việc xác định đúng vai trò của các hoạt động xúc tiến thương mại, trong chu trình phát triển các sản phẩm OCOP, sẽ giúp các địa phương triển khai ngày càng có hiệu quả chương trình.

Chương trình OCOP chính là chương trình phát triển kinh tế ở nông thôn. Đây vừa là yêu cầu, vừa là điều kiện, vừa là nguyên nhân, cũng vừa là kết quả của việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, đây còn là chương trình xã hội mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Qua đó cho thấy tính chủ động của các hộ sản xuất không ngừng được nâng cao do phải hạch toán kỹ càng khi sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng, từ đó không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Ngân sách nhà nước, các dự án sản xuất được đầu tư có hiệu quả hơn. Nhằm tạo ra cầu nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, cung cấp thị trường những sản phẩm OCOP có chất lượng tốt, tăng thu nhập cho người nông dân.

2395 lượt xem
Ban Biên tập