Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin hoạt động >> Kinh tế

Phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững 1

16/03/2020 14:12:57 Xem cỡ chữ Google
Sau hơn 19 năm kiên trì theo đuổi với nghề trồng dâu, nuôi tằm đưa từ miền xuôi lên, đến nay bà con nông dân huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã hình thành được vùng trồng dâu rộng lớn với quy mô 700 ha và gần 2.000 hộ nuôi tằm; sản lượng kén năm 2019 đạt 650 tấn; giá trị sản phẩm bình quân đạt từ 200- 250 triệu đồng/ha/năm cao hơn so với trồng lúa hoặc cây rau màu khác từ 2,5-3 lần.

Môi trường nông thôn ở các xã trồng dâu nuôi tằm luôn trong lành và bốn mùa xanh mát. (ảnh: P.Quỳnh)

Vùng quê trong lành, bốn mùa tươi xanh

Đặc biệt, trong 9 năm trở lại đây, từ khi huyện Trấn Yên có chủ trương phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, sản xuất dâu tằm phát triển nhanh rõ rệt so với trước năm 2010; góp phần đưa Trấn Yên hình thành vùng sản xuất dâu tằm chủ lực tập trung, trở thành huyện miền núi đầu tiên của các tỉnh miền núi phía Bắc về đích nông thôn mới.

Với giá kén tằm tương đối ổn định, lại được chính quyền địa phương các cấp động viên khuyến khích, hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật, nên người dân đã tích cực chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, đất gò bãi sang trồng dâu chăn tằm. Đến tháng 12/2019, diện tích dâu toàn huyện tăng lên gấp 7 lần so với năm 2010, tập trung ở các xã: Tân Đồng 131 ha; Báo Đáp 137 ha; Việt Thành 159 ha; Đào Thịnh 48 ha; Hòa Cuông 45 ha; Y Can 72 ha; Quy Mông 44 ha; Hồng Ca 25 ha; Hưng Khánh 28 ha; Việt Hồng 11 ha. Trong đó, đất lúa chuyển đổi sang trồng dâu chiếm khoảng 45% ( 315 ha); đất soi bãi chiếm khoảng 40% ( 280 ha) và đất đồi thấp chiếm khoảng 15% ( trên 105 ha). Quy mô diện tích dâu trung bình từ 0,4 – 0,45 ha/hộ.

Do con tằm rất mẫn cảm và dễ chết khi tiếp xúc với các loại thuốc bảo vệ thực vật còn sót lại khi ăn lá, nên cây dâu được trồng thành vùng tập trung, liền ô, liền khoảnh để hạn chế dư lượng thuốc phun cho lúa bay sang. Ngoài ra, phòng Nông nghiệp&PTNT huyện còn hướng dẫn bà con mật độ trồng dâu phổ biến từ 2,7 – 3,0 vạn cây/ha để cây dâu sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh, cho chất lượng lá tốt. Bên cạnh đó, các hộ trồng dâu cũng được cán bộ Khuyến nông đào tạo tập huấn và nắm vững các kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân, xử lý sâu bệnh hại cũng như kỹ thuật đốn và thu hái.

Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thế Phước khẳng định, nghề trồng dâu nuôi tằm ở Trấn Yên góp phần rất lớn trong giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, giảm nghèo bền vững, nâng cao mức sống cho người dân, cải thiện môi trường sống trong lành và đưa phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện về đích sớm 01 năm so với chỉ tiêu của tỉnh.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, nên năng suất lá dâu trung bình đạt 30-32 tấn/ha/năm, một số diện tích đầu tư thâm canh tốt năng suất đạt 35-37 tấn/ha/năm; hiện nay 01ha dâu có thể cung cấp lá cho 5 hộ nuôi tằm với quy mô 3-4 vòng trứng/lứa, 7-8 lứa/năm, hệ số sản xuất bình quân đạt 1,8- 2 tấn kén/ha dâu/năm. Đặc biệt, do hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật đối với cây dâu, nên môi trường nông thôn ở các xã trồng dâu nuôi tằm trong huyện luôn trong lành và bốn mùa mát xanh bởi những nương dâu tươi tốt.

Áp dụng tiến bộ kỹ thuật và tổ chức lại sản xuất

Ông Nguyễn Tiến Triển (Phó trưởng Phòng Nông nghiệp&PTNT huyện Trấn Yên) cho biết: Để vùng trồng dâu phát triển ổn định lâu dài, từ năm 2018, UBND tỉnh Yên Bái đã có chính sách hỗ trợ và khuyến khích bà con trồng dâu bằng cây con thay cho trồng bằng hom như trước đây. Ưu điểm của trồng bằng cây con là cho tỷ lệ sống cao hơn (đạt trên 95%), cây dễ chăm sóc, chu kỳ vườn cây kéo dài từ 20-25 năm (gấp 2,5-3 lần so với trồng hom).

”Trước năm 2017, nghề trồng dâu, nuôi tằm còn nhỏ lẻ, các hộ nuôi tằm thường khép kín quy trình sản xuất từ mua trứng tằm, tự ươm con giống, rồi chăn tằm lấy kén. Một số hộ tại xã Việt Thành đã liên kết thành tổ hợp tác, tuy nhiên, liên kết giữa hộ thu mua kén với hộ nuôi tằm chưa chặt chẽ, nên hay xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán; hiệu quả kinh tế bấp bênh; chất lượng tằm giống, phẩm cấp kén kén chưa cao, thiếu tính bền vững. Nhìn thấy được những bất cập này, huyện Trấn Yên đã nỗ lực cùng bà con đưa tiến bộ kỹ thuật và tổ chức lại phương thức sản xuất.”, ông Triển nói tiếp.

Theo đó, năm 2018 huyện Trấn Yên mời Công ty cổ phần dâu tằm tơ miền Bắc liên kết với các hộ trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn huyện trong việc đầu tư nuôi tằm và tiêu thụ sản phẩm kén tằm thông qua các Tổ hợp tác và Hợp tác xã; đồng thời, cử cán bộ tập huấn, chuyển giao công nghệ xây phòng cách ly riêng biệt cho từng tuổi tằm để tránh lây chéo; rắc vôi bột khi tằm ngủ và thức dậy để khử trùng và để tuổi tằm được đồng đều; kỹ thuật băng tằm, san tằm và ứng dụng nuôi tằm con trên khay nhựa.... đối với các hộ, cơ sở ươm nuôi tằm.

Cũng từ năm 2018, ngành nông nghiệp huyện hướng dẫn hộ nuôi tằm sử dụng né gỗ ô vuông cho tằm lên kén; đến nay có khoảng 50% số hộ đã sử dụng né gỗ cho tằm lên kén, khắc phục triệt để hiện tượng kén đôi, chất lượng kén tằm được nâng lên rõ rệt. Từ đây sản lượng kén tăng lên nhanh chóng: Năm 2018 sản lượng kén đạt 547 tấn; năm 2019 đạt 650 tấn, tăng gấp 7 lần so với năm 2010; giá trị thu nhập năm 2019 đạt trên 65 tỷ đồng.

Đến nay, toàn huyện đã thành lập được 85 Tổ hợp tác và 10 Hợp tác xã trồng dâu nuôi tằm liên kết với Công ty cổ phần dâu tằm tơ Miền Bắc; trong đó, Công ty cổ phần dâu tằm tơ Miền Bắc, HTX dâu tằm tơ Việt Thành và 20 hộ nuôi ươm tằm con tập trung để cung ứng tằm giống cho gần 2.000 hộ nuôi tằm lớn lấy kén. Đây cũng chính là các đầu mối đứng ra thu mua kén, đảm bảo ổn định đầu ra cho các hộ tham gia chuỗi liên kết.

Đời sống của bà con khấm khá hơn nhờ trồng dâu nuôi tằm

Ở tuổi 67, nhưng đôi tay bà Hoàn (thôn Trúc Đình, xã Việt Thành) vẫn nhanh thoăn thoắt hết rây vôi bột lại san tằm tuổi 3, bởi bà đã có thâm niên 19 năm nuôi tằm giống. Vừa làm bà vừa vui vẻ kể: HTX dâu tằm tơ Việt Thành mà bà tham gia đã được Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng xây dựng nhà ươm tằm giống 120 m2 ; được doanh nghiệp liên kết cung ứng trứng giống với giá cả ổn định, chất lượng đảm bảo hơn trước; lại được hướng dẫn nhiều kiến thức mới, như: xây phòng cách ly cho từng tuổi tằm, nuôi tằm con trên khay nhựa thay cho noong tre, vừa đỡ nặng nhọc vừa giảm nguy cơ nhiễm bệnh cho tằm.

Thấy công việc thuận lợi, đầu năm 2019 bà Hoàn đã chuyển đổi thêm 6 sào lúa sang trồng dâu, nâng diện tích trồng dâu của gia đình lên 01 mẫu, đồng thời chung với chị Tuyết thuê thêm 05 sào để mở rộng sản xuất. Bà Hoàn khiêm nhường tiết lộ, vài năm nay doanh số và sản lượng tằm con cung ứng ra thị trường tăng lên gấp 2-3 lần so với trước, trừ chi phí thu nhập cũng được hơn 100 triệu đồng mỗi năm.

“Đối với các hộ nuôi tằm lấy kén, đầu tư không nhiều, công việc nhẹ nhàng chỉ tốn nhất là thời gian hái lá và chằm dâu cho tằm ăn, nhưng thu nhập lại cao gấp 2,5-3 lần trồng lúa, nên gần như 100% số hộ trong thôn đều phấn khởi với nghề trồng dâu nuôi tằm. Đời sống bà con cũng khấm khá lên trông thấy nhờ trồng dâu nuôi tằm”, bà Hoàn bộc bạch.

Giống như bà con ở thôn Trúc Đình (xã Việt Thành) và nhiều thôn, xã khác trong huyện, trừ những hộ già cả neo đơn, hơn nửa số hộ của thôn 3 xã Tân Đồng cũng đang yên tâm sinh sống bằng nghề trồng dâu nuôi tằm, và khoảng 30 hộ (chiếm trên 50% số hộ còn lại) cũng đang xin chuyển đổi đất lúa trũng thấp sang trồng dâu – ông Đỗ Văn Thạch (nguyên Bí thư chi bộ thôn 3) cho biết.

Theo ông Thạch, sau khi liên kết các thành viên nuôi tằm trong HTX do ông làm giám đốc đều được Công ty cổ phần dâu tằm tơ Miền Bắc đầu tư 50 né gỗ ô vuông, giúp con tằm làm kén không bị kết đôi, kết ba, chất lượng kén đẹp hơn và được giá hơn trước. Ngoài ra, bà con còn được tập huấn kỹ thuật chăm bón, phòng trừ sâu bệnh cho cây dâu, kỹ thuật nuôi tằm, sát khuẩn khử trùng để tằm sinh trưởng và cho sản lượng kén tốt.

Khi được hỏi về hiệu quả kinh tế của nghề trồng dâu nuôi tằm so với trồng lúa, ông Thạch nhẩm tính, với thời giá hiện nay 07 sào ruộng mà ông đã chuyển sang trồng dâu từ năm 2009, nếu trồng lúa thì năm nhiều nhất thu được khoảng 20 triệu đồng, nhưng trồng dâu nuôi tằm đều đặn mỗi năm ông thu về 55 triệu đồng sau khi trừ chi phí (gấp gần 3 lần cấy lúa). Do vậy, đời sống thu nhập của các hộ trồng dâu nuôi tằm nhìn chung là ổn định và tươm tất hơn so với các hộ khác trong thôn, ông Thạch phân tích.

Đến nay, huyện Trấn Yên đã hành thành vùng trồng dâu, nuôi tằm tập trung ở 10/20 xã; bà con phấn khởi vào các Tổ hợp tác, Hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ kén tằm. Điều đặc biệt, ở các xã vùng trồng dâu nuôi tằm đều là xã về đích nông thôn sớm, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh (năm 2019: Việt Thành tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,84%, Báo Đáp còn 3,47%, Đào Thịnh còn 2,54%,..) và 90% số hộ trồng dâu nuôi tằm có nhà xây khang trang, sạch đẹp.

Được biết, huyện Trấn Yên đang tích cực phối hợp với Công ty cổ phần dâu tằm tơ Miền Bắc hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng Nhà máy ươm tơ tự động tại xã Báo Đáp có công suất 200 tấn tơ/năm, tiêu chuẩn tơ đạt cấp 2A trở lên. Dự kiến sẽ khởi công xây dựng Nhà máy trong quý II/2020, vụ xuân năm 2021 Nhà máy ươm tơ đi vào hoạt động; góp phần nâng cao giá trị kén tằm trên địa bàn huyện, tạo mối liên kết bền vững trong đầu tư nuôi tằm, thu mua và chế biến sản phẩm kén tằm trên địa bàn huyện.

Phấn đấu đến năm 2025, diện tích trồng dâu nuôi tằm toàn huyện đạt trên 1.200 ha; sản lượng kén đạt trên 2.200 tấn, giá trị thu trên 300 tỷ đồng; nâng mức thu nhập của người trồng dâu nuôi tằm lên gấp 4 lần so với trồng lúa.

1732 lượt xem
74