CTTĐT - Nhận thức vai trò, ý nghĩa của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trong phát triển kinh tế nông thôn, huyện Văn Yên đã và đang đẩy mạnh chương trình OCOP theo hướng nâng chất lượng để tăng giá trị cho sản phẩm nông sản và các sản phẩm truyền thống dựa trên tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Rau an toàn của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Phú Đạt, xã Yên Phú, huyện Văn Yên
Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Phú Đạt, xã Yên Phú, huyện Văn Yên là một trong những đơn vị kinh doanh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm huyện Văn Yên năm 2020 với sản phẩm đăng ký OCOP là rau an toàn. Mô hình sản xuất rau an toàn theo chuẩn VietGAP đang triển khai sản xuất tốt các sản phẩm rau, củ, quả an toàn, đem lại hiệu quả vượt trội, mang đến một “làn gió mới” trong nhận thức về sản xuất an toàn của người nông dân trên địa bàn xã Yên Phú nói riêng và huyện Văn Yên nói chung. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Phú Đạt được thành lập từ tháng 2/2017 với 5 thành viên là hội viên nông dân trong xã; tổng số vốn đầu tư trên 2,5 tỷ đồng. Để việc sản xuất tập trung, Hợp tác xã đã tiến hành chuyển đổi đất để gom thành cánh đồng chuyên canh có diện tích lớn, tạo thuận lợi cho việc đầu tư, đưa máy móc vào làm đất, tưới tiêu và thu hoạch sản phẩm. Hợp tác xã đầu tư trồng rau ăn lá ngắn ngày, cây lấy củ, cây lấy quả và kinh doanh thêm một số nông sản phẩm của địa phương như gạo chiêm hương Yên Phú, trứng gà sạch, các mặt hàng công nghệ phẩm từ các đơn vị có uy tín như nước mắm, miến, mọc nhĩ, hàng khô…. ; tìm và sử dụng các loại giống đảm bảo chất lượng và theo mùa vụ từ các nhà cung ứng giống hàng đầu tại miền Bắc như Viện giống cây trồng - Học viện Nông nghiệp, công ty Nông Hữu, công ty Hoa Sen, công ty Én Vàng… Quy trình sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của các đơn vị chứng nhận; về phân bón 80% loại phân sử dụng cho các cây trồng là từ phân ủ vi sinh, 20% là sử dụng các loại chế phẩm sinh an toàn với môi trường và người sử dụng; việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là những loại thuốc nằm trong danh mục cho phép và thời gian cách ly đảm bảo theo quy định của quy trình sản xuất rau an toàn. Anh Phạm Thế Đạt - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Phú Đạt chia sẻ: “Hợp tác xã tích cực tìm kiếm thị trường, liên doanh, liên kết với các Hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản như: Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương, Công ty Hoàng Long VAT, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu và chế biến nông sản Hưng Yên; chủ động liên kết và hình thành chuỗi cung ứng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn với các đơn vị như Hợp tác xã Trung Thành, Hợp tác xã Minh Long và các đơn vị cung ứng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn như Hợp tác xã Hoa Phong, Công ty Cổ phần VietRap…. Hợp tác xã đã từng bước xây dựng hệ thống bán hàng là các nhà hàng, bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh, huyện; liên kết và ký hợp đồng cung ứng rau, củ, quả với trường mầm non Thị trấn Mậu A, trường mầm non tư thục Ban Mai với số lượng trung bình 1 ngày khoảng 30kg/1 đơn vị; ký hợp đồng cung ứng với công ty Cuộc sống xanh - Hà Nội, sản lượng trung bình các loại quả ước đạt 100 tấn/tháng. Đặc biệt, toàn bộ các sản phẩm của Hợp tác xã đã được cấp chứng nhận VietGap do Chi cục trồng trọt thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cấp năm 2017”.
Hai sản phẩm nữa được huyện Văn Yên lựa chọn đăng ký thực hiện chương trình OCOP năm 2020 đó là sản phẩm thủ công mỹ nghệ quế và tinh dầu quế Văn Yên của đơn vị Hợp tác xã Quế Văn Yên, tổ dân phố số 6, thị trấn Mậu A. Đây là Hợp tác xã chế tác và kinh doanh tinh dầu quế và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ vỏ, gỗ quế như: tranh, đèn ngủ, lọ lục bình từ gỗ quế, hộp đựng tăm, đựng giấy ăn, đựng chè, ống điếu từ vỏ quế… cho giá trị kinh tế cao gấp 1,5 - 2 lần so với sản phẩm vỏ và gỗ quế thông thường. Để làm ra được những sản phẩm chất lượng, đẹp mắt, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của thị trường, những người chế tác đồ thủ công mỹ nghệ từ quế ở Hợp tác xã Quế Văn Yên không chỉ cần có bàn tay khéo léo, óc sáng tạo mà còn phải có kinh nghiệm lựa chọn, xử lý nguyên liệu. Mùi thơm đặc trưng của hương quế còn lưu lại trên các sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ từ quế là nét độc đáo mà không phải loại gỗ nào cũng có được. Hương quế giúp tinh thần tỉnh táo, minh mẫn, tăng cường chức năng não, giảm stress… chính vì vậy các sản phẩm của Hợp tác xã đã và đang có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Để đáp ứng đủ đơn đặt hàng, mỗi năm Hợp tác xã nhập từ 7 - 8 tấn vỏ quế nguyên liệu cùng với gỗ quế và số lượng lớn tinh dầu quế, trừ các khoản chi phí HTX thu về trên trăm triệu đồng tiền lãi/năm. Bà Nguyễn Thị Thanh - Giám đốc Hợp tác xã Quế Văn Yên trao đổi: “Sản phẩm thủ công mỹ nghệ và tinh dầu quế của Hợp tác xã chúng tôi chủ yếu tiêu thụ ở trong nước và cũng đã có sản phẩm được xuất khẩu ra nước ngoài như các hộp quà quế cũng được mang đi các nước để làm quà. Các sản phẩm về quế cũng được 2 chứng nhận giải nhất đó là các sản phẩm tinh dầu quế và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ quế do Sở khoa học và Công nghệ và Sở Công thương tỉnh Yên Bái cấp chứng nhận”.
Hiện nay, huyện Văn Yên đang có nhiều vùng sản xuất tập trung như vùng quế trên 40 nghìn ha, vùng sắn trên 5.000 ha, vùng thâm canh lúa chất lượng cao trên 1.000 ha, vùng chăn nuôi đại gia súc ở các xã vùng cao, vùng chăn nuôi lợn theo quy mô bán công nghiệp ở các xã vùng thấp, vùng trồng cây ăn quả… với hàng trăm doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ gia đình tham gia. Đồng thời, huyện cũng thực hiện tập trung phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp. Đặc biệt, nhận thấy chương trình OCOP giúp người tiêu dùng nhận biết các sản phẩm chất lượng, mang đặc sắc văn hóa của các vùng miền và sẵn sàng trả giá cao hơn cho sản phẩm OCOP, giúp nâng cao giá trị cho sản phẩm; tham gia chương trình OCOP, được hưởng các hỗ trợ từ các cấp chính quyền về đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu, mã số, mã vạch; chi phí về kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm; được tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực về quản trị kinh doanh... góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nên các doanh nghiệp, các Hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn huyện Văn Yên cũng tích cực cùng chính quyền huyện đẩy mạnh xây dựng và thực hiện chương trình OCOP. Đây chính là lợi thế để huyện Văn Yên phát triển chương trình.
Mục tiêu của Văn Yên đến 2020 sẽ xây dựng 6 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP bao gồm: Sản phẩm Gạo Chiêm Hương của Tổ hợp tác trồng lúa chất lượng cao Yên Phước, thôn Trung tâm xã Yên Phú; Sản phẩm Mật Ong hoa nhãn của Tổ hợp tác nuôi ong Khe Bút, thôn Khe Bút, xã Lâm Giang; Sản phẩm thủ công mỹ nghệ quế và tinh dầu quế Văn Yên của Hợp tác xã Quế Văn Yên, thị trấn Mậu A; Sản phẩm Rau an toàn của Hợp tác xã Phú Đạt, thôn Trung Tâm, xã Yên Phú; Sản phẩm Bưởi Da Xanh của Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Đông Yến, xã Đông An. Bên cạnh việc đẩy mạnh thực hiện chương trình OCOP tại địa phương, huyện Văn Yên cũng đã triển khai nhiều biện pháp để các sản phẩm này đủ sức cạnh tranh ở thị trường trong nước và trên thế giới.
Huyện xác định và quy hoạch các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện, dựa trên lợi thế so sánh, nhu cầu thị trường để phát triển các sản phẩm nông nghiệp mang tính bền vững.Thực hiện quy trình sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm; sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đây là yêu cầu khách quan và bắt buộc của thị trường nếu muốn xuất khẩu các sản phẩm, ngay cả để tiêu thụ trong hệ thống cửa hàng và siêu thị trong nước. Xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp của địa phương thông qua các hoạt động của các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp trên địa bàn huyện hàng năm. Phát triển công nghiệp chế biến, chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp của huyện từ đó gia tăng giá trị của sản phẩm cũng như nâng cao thu nhập của người dân”.
1147 lượt xem
Ban Biên tập