Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin hoạt động >> Kinh tế

OCOP: Giải pháp hiệu quả trong phát triển kinh tế nông thôn ở Yên Bái

27/08/2020 10:31:32 Xem cỡ chữ Google
Nhằm nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội, Yên Bái đã triển khai thực hiện Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2030” (OCOP). Đến nay, Yên Bái đã xây dựng được 05 sản phẩm OCOP hạng 3 sao, bước đầu khẳng định thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường. Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2019 - 2020 là một chương trình quan trọng nhằm phát triển kinh tế nông thôn theo hướng khai thác và phát huy tối đa nội lực để phát triển các sản phẩm nông sản, nâng cao giá trị gia tăng, OCOP đã và đang mang lại những hiệu quả bước đầu cho Yên Bái.

Bưởi Đại Minh được xây dựng thành sản phẩm OCOP 3 sao.

Tỉnh Yên Bái đề ra mục tiêu trong giai đoạn 2019 - 2020 là phấn đấu chuẩn hóa 20 sản phẩm, trong năm 2019 có từ 03 đến 05 sản phẩm đạt chất lượng 3 sao, năm 2020 có 15 sản phẩm. Bên cạnh việc chuẩn hóa các sản phẩm đặc trưng của tỉnh, Yên Bái cũng sẽ phát triển từ 1 đến 2 mô hình du lịch nông thôn, kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia Chương trình OCOP; hỗ trợ phát triển và thương mại hoá sản phẩm OCOP từ cấp tỉnh, huyện, xã theo chu trình thường niên; thực hiện các chính sách cho chương trình OCOP trên cơ sở lồng ghép chính sách đã có; xây dựng quy chế quản lý tem nhãn mác OCOP, chế độ thanh tra, kiểm tra chất lượng sản phẩm OCOP; hoàn thiện chu trình OCOP thường niên.

Tiếp đó đến giai đoạn 2021 - 2025 đưa chương trình OCOP đi vào chiều sâu, gắn phát triển nông nghiệp với các thành phần kinh tế khác; phát triển, nâng cấp 30 sản phẩm, trong đó đầu tư nâng cấp 20 sản phẩm thế mạnh. Giai đoạn 2026 - 2030 phát triển 60 - 80 sản phẩm OCOP, trong đó có 30 sản phẩm đạt chất lượng 3 - 5 sao… Để thực hiện tốt và hoàn thành mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương bám sát các nội dung Đề án triển khai thực hiện trong năm 2019 - 2020 và các năm tiếp theo một cách hiệu quả. Các địa phương cũng cần xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện đúng lộ trình; các ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp tuyên truyền, vận động hội viên, người dân, doanh nghiệp thực hiện tốt Chương trình OCOP…

Mục tiêu của Đề án là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất kinh doanh) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, sản phẩm, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị.

Nhờ sự vào cuộc, tham gia tích cực của hệ thống chính trị, các bộ, ban, ngành, đoàn thể và sự cố gắng, nỗ lực của người dân, đến nay dù chưa được triển khai đồng bộ theo chương trình nhưng Yên Bái đã có nhiều huyện, xã, thị trấn sản xuất các sản phẩm nông sản, thực phẩm, du lịch... như gạo ở Bạch Hà; Khoai tím, Lạc ở Lục Yên; Cam Văn Chấn, Quýt Thượng Bằng La, Trần Phú, Nghĩa Tâm; Dâu tằm tơ Việt Thành, Tân Đồng, Măng tre Bát độ Kiên Thành, Chè Bát tiên Bảo Hưng; Quế và các sản phẩm quế Văn Yên… Đây đều là những sản phẩm đã và đang được nhiều người tiêu dùng biết đến.

Cùng với các sản phẩm trên, còn có 05 sản phẩm OCOP hạng 3 sao bao gồm: Miến đao Giới Phiên, Chè Shan tuyết Suối Giàng, Tinh dầu quế Văn Yên, Gạo Séng Cù, Bưởi Đại Minh.

Miến đao Giới Phiên là sản phẩm của người dân xã Giới Phiên, TP. Yên Bái. Sợi miến nhỏ, màu xám, dai, giòn không nát được SX bằng bột dong riềng nguyên chất không pha trộn các loại bột khác, nhất là không sử dụng các loại hóa chất trong quá trình sản xuất. Ngày 13/1/2016 Cục Sở hữu trí tuệ ban hành QĐ số 1430/QĐ-SHTT cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu độc quyền cho HTX miến đao Giới phiên.

Sản phẩm Bưởi Đại Minh được phát hiện cách nay khoảng 300 năm ở thôn Khả Lĩnh, xã Đại Minh, huyện Yên Bình. Bưởi Đại Minh da mỏng màu xanh, khi chín chuyển sang màu vàng nhạt, quả tròn chỉ to hơn cái bát ăn cơm một chút. Múi bưởi đều, tép mọng nước và ráo, ngọt mát, có mùi thơm đặc biệt, bưởi có thể để qua tháng Giêng nhưng không bị gạo như nhiều giống bưởi khác.

Trong dân gian còn truyền tụng hàng năm các quan lại địa phương đều dâng những sản vật quý lên nhà vua, trong đó có bưởi Đại Minh. Từ đó gọi là vùng “bưởi tiến vua”. Ngày 16/11/2016 Cục Sở hữu Trí tuệ cấp nhãn hiệu bảo hộ độc quyền “Bưởi Đại Minh” cho huyện Yên Bình.

Chè Suối Giàng là giống chè Shan, từ lâu đã nổi tiếng trên thế giới mọc thành rừng cổ thụ trải rộng hàng trăm hec ta trên độ cao từ 800-1.400m. Búp chè phủ một lớp lông tơ trắng mịn như tuyết phủ, nên gọi là chè san tuyết, hội tụ 3 yếu tố: Hương thơm, vị đậm, nước xanh. Chè Suối Giàng là chè sạch, cây đặc sản của vùng núi cao Yên Bái. Sản phẩm chè Suối Giàng đang được người dân chế biến theo phương pháp thủ công và hiện đại, chè búp tươi có giá từ 30.000- 50.000đ/kg, giá chè khô được bán với giá 250.000đ- 2,5 triệu/kg.

Gạo Séng Cù được cấy ở cánh đồng Mường Lò, hạt gạo dài và trong, đây là giống lúa thuần nhập ngoại được cấy chủ yếu vụ xuân. Người dân gọi là Ngọc sương, cơm mềm, dẻo và ăn rất đậm.

Tinh dầu quế Văn Yên được chưng cất từ cành, lá và vỏ cây quế trồng trên huyện Văn Yên. Văn Yên hiện có 40.019,2 ha quế, mỗi năm khai thác trên 9.500 tấn quế vỏ, 300 tấn tinh dầu, 65.000 m3 gỗ, tổng giá trị thu nhập trong nhân dân khoảng 550-600 tỷ đồng. Đáng chú ý, sản phẩm quế vỏ Văn Yên đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận chỉ dẫn đăng ký địa lý. Sản phẩm này cũng được Thái Lan quan tâm và cùng đưa ra quyết định cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý trên đất nước này. Đây là một điều hiếm thấy, bởi ít có một quốc gia nào bảo hộ sản phẩm của nước khác trên đất nước mình. Điều này càng chứng minh chất lượng sản phẩm quế Văn Yên nói riêng và chất lượng sản phẩm thị trường Việt Nam nói chung đã và đang gây được tiếng vang ở thị trường nước ngoài.

Trong thời gian qua, các làng nghề, HTX, tổ hợp tác tỉnh Yên Bái không chỉ đơn thuần sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thành tiêu chí OCOP năm 2019 của tỉnh mà còn tạo thêm nhiều việc làm, giúp nâng cao thu nhập cho người lao động địa phương, nhờ đó không ít gia đình, xã, phường trên địa bàn có được cuộc sống khá giả hơn, góp phần vào thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển sản phẩm, dịch vụ phải đi liền với các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp (hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp hoặc HTX) và các sản phẩm phải gắn chặt với công tác đánh giá xếp hạng của OCOP.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Yên Bái cũng cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp mới, nhất là các giải pháp tăng cường năng lực tiếp cận của nông nghiệp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhận diện rõ “Nông nghiệp 4.0”, “Nông nghiệp bền vững, công nghệ cao”, “Nông nghiệp hữu cơ” và bước đi, giải pháp khoa học thực hiện trong bối cảnh mới. Việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đã cho thấy sự quyết tâm cao cùng tuy duy sáng tạo của lãnh đạo tỉnh Yên Bái trong việc phát huy thế mạnh của các sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong thời kỳ hội nhập kinh tế của đất nước.

1408 lượt xem
Ban Biên tập