CTTĐT - Thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-HĐND ngày 27/12/2017 và Nghị quyết số 12/NQ-HĐND ngày 06/9/2018 của Hội đồng nhân dân huyện Trấn Yên thông qua Đề án phát triển dâu tằm tơ huyện Trấn Yên đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, UBND huyện tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai đồng bộ các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp theo Đề án đề ra về: tuyên truyền vận động, phát triển diện tích dâu, nuôi tằm, liên kết tiêu thụ sản phẩm kén tằm, hỗ trợ phát triển trồng dâu và nuôi tằm, chuyển giao khoa học công nghệ. Chương trình trồng dâu, nuôi tằm năm 2019 của huyện đã đạt được kết quả khả quan.
Các hộ dân nuôi tằm lớn ở xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên áp dụng hiệu quả kỹ thuật đưa tằm lên né ô vuông
Năm 2019, nhân dân Trấn Yên trồng mới gần 300 ha, bằng 150% kế hoạch trồng mới cả năm đã nâng tổng diện tích dâu toàn huyện lên 700 ha, trong đó diện tích dâu kinh doanh trên 400 ha, diện tích chăm sóc 88,4 ha, diện tích chăm sóc và có thể thu hoạch bói trên 100 ha, diện tích còn lại mới trồng cuối năm.
Cùng với việc trồng dâu, toàn huyện có 25 hộ nuôi tằm con tập trung, trong đó 7 hộ xây dựng mới nhà nuôi tằm con với đủ các phòng chức năng bảo đảm tiêu chuẩn ở xã Việt Thành 3 hộ, Báo Đáp 2 hộ, Tân Đồng 2 hộ.
Với gần 1.100 hộ nuôi tằm lớn đã cho sản lượng kén tằm năm 2019 của huyện đạt 700 tấn, tăng 153 tấn kén so với năm 2018, đạt 107,6% so với kế hoạch và giá trị thu ước đạt trên 70 tỷ đồng. Thực hiện mô hình liên kết trong nuôi tằm và tiêu thụ sản phẩm kén tằm với Công ty cổ phần Dâu tằm tơ miền Bắc, UBND huyện chỉ đạo rà soát các xã vùng trồng dâu nuôi tằm thành lập 80 tổ hợp tác, 8 hợp tác xã với 800 thành viên.
Trong năm 2019, Công ty đã phối hợp hướng dẫn 7 hộ nuôi tằm con xây dựng nhà nuôi tằm theo yêu cầu tiêu chuẩn của doanh nghiệp đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn các hộ ứng dụng kỹ thuật nuôi tằm con trên khay nhựa.
Doanh nghiệp tiến hành nuôi tằm con, cung ứng vật tư nuôi tằm cho các hộ nuôi tằm lớn; phối hợp hướng dẫn các hộ kỹ thuật nuôi tằm, cho tằm lên né gỗ và thu mua toàn bộ sản phẩm kén tằm đối với các hộ tham gia liên kết với doanh nghiệp. Năm qua, sản lượng kén doanh nghiệp thu mua là 69.197 kg, giá kén thu mua từ 80.000 đồng - 110.000 đồng/kg tùy theo chất lượng mà hợp đồng hai bên ký kết và giá trị thu mua đạt gần 6,9 tỷ đồng.
Với chính sách hỗ trợ phát triển trồng dâu nuôi tằm năm 2019, UBND huyện đã thực hiện hỗ trợ 3,225 tỷ đồng trên kế hoạch 8,2 tỷ đồng ở 10 xã gồm các hạng mục: hỗ trợ một lần kinh phí cho các hộ gia đình nuôi tằm mua mới 400 bộ né gỗ ô vuông, kinh phí 2 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch; hỗ trợ một lần kinh phí cho các hộ gia đình xây mới 3 nhà nuôi tằm con tập trung diện tích 150 m2 trở lên, kinh phí 150 triệu đồng, đạt 75% kế hoạch; hỗ trợ một lần kinh phí hộ gia đình xây mới 1 nhà nuôi tằm lớn diện tích 120 m2 trở lên, kinh phí 20 triệu đồng; hỗ trợ một lần kinh phí cho hộ gia đình trồng dâu có diện tích trồng mới từ 1.000 m2 trở lên, diện tích thực hiện 105,583 ha, kinh phí hơn 1,055 tỷ đồng.
Tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết phát triển trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn, huyện đã giúp nhân dân các xã tích cực mở rộng diện tích trồng mới dâu vượt so với kế hoạch. Sản phẩm kén tằm được tiêu thụ hết, giá kén tương đối ổn định góp phần nâng cao thu nhập cho các nông hộ.
Doanh nghiệp ký kết hợp đồng với 12 tổ hợp tác nuôi tằm, tiêu thụ sản phẩm kén tằm và xây dựng các điểm thu mua kén tập trung đã giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh tằm cũng như hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất dâu tằm.
Hoạt động ứng dụng tiến bộ kỹ thuật có nhiều đổi mới, đã khắc phục được một số tồn tại, hạn chế trong khâu kỹ thuật thâm canh dâu, nuôi tằm như: không để xảy ra dịch bệnh trên cây dâu; sản xuất tằm con sạch bệnh, khỏe mạnh, ổn định cung ứng cho các hộ nuôi tằm lớn; vệ sinh, tiêu độc khử trùng tốt nhà tằm giúp các hộ nuôi tằm lớn ổn định các lứa nuôi và áp dụng đúng kỹ thuật nuôi tằm theo hướng dẫn nên sản lượng kén đạt cao hơn so với các hộ nuôi tằm chưa liên kết với doanh nghiệp.
Đặc biệt, 100% số hộ nuôi tằm lớn liên kết với doanh nghiệp đã áp dụng đúng quy trình kỹ thuật từ nuôi tằm con đến nuôi tằm lớn và cho tằm lên né ô vuông nên đạt trọng lượng cao, chất lượng đảm bảo tiêu chuẩn ươm tơ tự động. Những kết quả đạt được trong mô hình liên kết sản xuất đã tạo được niềm tin, yên tâm và gắn bó của nhân dân đối với chương trình, mối liên kết trong sản xuất.
Tuy nhiên, một số hạn chế, khó khăn trong quá trình thực hiện năm 2019 cần được tập trung khắc phục. Đó là tiếp tục phải tạo được sự đồng thuận, quyết tâm thực hiện chương trình phát triển trồng mới dâu của các nông hộ; ổn định tâm lý các hộ mới nuôi ở các xã mới phát triển trồng dâu nuôi tằm; tuân thủ qui trình, hướng dẫn kỹ thuật về chăm sóc cây dâu, nuôi tằm, bảo đảm vệ sinh. Ngoài ra, cần chú trọng nguồn giống tằm, trứng tằm giống bảo đảm chất lượng.
Thực hiện mô hình liên kết nuôi tằm và tiêu thụ sản phẩm kén tằm, thời gian đầu do doanh nghiệp thiếu nhân lực nên sự phối hợp với các tổ hợp tác chưa kịp thời cũng như sự phối hợp với UBND các xã có lúc chưa thống nhất để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiệu quả. Mặt khác còn có một số khó khăn trong thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển trồng dâu nuôi tằm. Giải quyết tốt các vấn đề đó chính là cơ sở để Trấn Yên tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình trồng dâu, nuôi tằm năm 2020.
1169 lượt xem
Ban Biên tập