CTTĐT – Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 về các trường hợp cấm kết hôn, hôn nhân cận huyết được hiểu là việc kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu.
Cán bộ huyện Văn Chấn tuyên truyên phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở vùng đồng bào dân tộc Mông, xã Suối Bu.
Thế nào là hôn nhân cận huyết thống
Cụ thể là việc kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.
Kết hôn cận huyết sẽ làm suy giảm nòi giống, ảnh hưởng đến kinh tế gia đình và xã hội. Không chỉ suy giảm sức khỏe mà còn tăng tỷ lệ bệnh tật do kết hợp gen mang lại, gây suy thoái chất lượng giống nòi. Ngoài ra hôn nhân cận huyết thống còn ảnh hưởng không tốt đến nền văn hóa, đạo đức gia đình, phá vỡ và làm xói mòn giá trị truyền thống văn hóa gia đình tốt đẹp của dân tộc ta.
Hãy là những ông bố, bà mẹ hiểu biết và có trách nhiệm với tương lai của con cái mình, thực hiện đúng luật hôn nhân và gia đình,không được kết hôn cận huyết thống.
Làm thế nào để không kết hôn cận huyết thống
Trước khi kết hôn bạn nên tìm hiểu rõ mối quan hệ huyết thống của mình với người bạn đời tương lai để tránh sinh con dị dạng và mang bệnh di truyền.
Để hiểu rõ hơn về hôn nhân cận huyết thống, bạn hãy đến cơ sở y tế, cán bộ tư pháp và các trung tâm trợ giúp pháp lý để được tư vấn đầy đủ hơn về hôn nhân cận huyết thống, tránh để lại những hậu quả đáng tiếc xẩy ra do kết hôn vì thiếu hiểu biết.
Lợi ích của không kết hôn cận huyết thống
Bạn có một gia đình hạnh phúc với những đứa con khỏe mạnh. Không kết hôn cận huyết thống là bạn đã thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ của người công dân gương mẫu và chấp hành đúng Luật hôn nhân và gia đình.
6021 lượt xem
Ban Biên tập