CTTĐT - Là tỉnh miền núi, Yên Bái có rất nhiều lợi thế và tiềm năng trong phát triển kinh tế từ sản xuất nông, lâm nghiệp. Những năm gần đây, đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa, mang lại giá trị, đồng thời khai thác được tiềm năng như phát triển thủy sản, chăn nuôi gia súc, chế biến gỗ rừng trồng, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển cây ăn quả đặc sản…
Mô hình sản xuất rau an toàn tại Thành phố Yên Bái (ảnh minh họa)
Trang trại chăn nuôi Trâu hàng hóa của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển nông nghiệp Bình Nguyên Xanh, tại xã Tô Mậu, huyện Lục Yên được thành lập từ tháng 11/2016 và bắt đầu hoạt động từ giữa năm 2017, với số vốn đầu tư hơn 20 tỷ đồng, dự án này tập trung vào việc thu mua trâu giống và vỗ béo từ 3 đến 6 tháng, sau đó xuất bán trâu thịt ra thị trường trong nước và thị trường Trung Quốc. Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, từ việc kết hợp trồng cỏ, trồng cam, nuôi chùn quế, trung bình mỗi năm xuất bán 2 lứa trâu, bò, đã cho doanh thu đạt khoảng 25 đến 27 tỷ mỗi năm.
Đây cũng là cơ sở chăn nuôi Trâu với quy mô hàng hóa đầu tiên của tỉnh Yên Bái có quy mô lên tới 300 con; với mô hình chăn nuôi khép kín, theo hình thức nuôi nhốt, trâu giống sau khi được nhập về được kiểm dịch và tiêm phòng các loại vacxin, rồi được chăm sóc bằng thức ăn chủ yếu là ngô cám và cỏ xanh. Nguồn phân hữu cơ được thu gom xử lý bioga, và làm thức ăn nuôi trùn quế. Mặc dù mới đi vào hoạt động song Công ty đã khai thác được tiềm năng về khí hậu thổ nhưỡng và tạo việc làm cho người dân trong vùng. Đồng thời cung cấp cung cấp những sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ ra thị trường.
Theo ông Trịnh Thanh Tùng - Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển nông nghiệp Bình Nguyên Xanh, huyện Lục Yên, để đầu tư vào một trang trại có quy mô lớn thì diện tích đất rất quan trọng và nhu cầu về vốn cũng cao, doanh nghiệp cũng rất cần chính sách hỗ trợ của Nhà nước để có thể thực hiện tốt hơn dự án và phát triển mạnh hơn về lĩnh vực chăn nuôi này.
Đối với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Trung Thành hiện nay mới chỉ tập trung vào sản xuất rau quả sạch, trồng trong nhà màng và sử dụng phân hữu cơ. Sau một thời gian đi vào hoạt động, các sản phẩm của HTX đã ký được hợp đồng cung cấp cho các trường học trên địa bàn huyện, không những vậy những sản phẩm rau sạch do HTX sản xuất tiếp tục có cơ hội bày bán ở các siêu thị lớn tại Hà Nội thông qua một đơn vị phân phối.
Trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái còn rất nhiều tiềm năng; trong đó diện tích đất cho nông nghiệp lớn, trên 588.000 ha, chiếm trên 85% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh; tiềm năng về sản xuất nông nghiệp rất đa dạng, trong đó đã có nhiều sản phẩm nông nghiệp đang được sản xuất theo hướng hàng hóa và mang đặc trưng đang cần thu hút đầu tư trong đó có trồng phát triển gắn với chế biến tiêu thụ quả Sơn tra; măng tre Bát độ; quế; cây ăn quả có múi; chè; ngoài ra còn có tiềm năng về gỗ rừng trồng, tiềm năng về chăn nuôi gia súc và đại gia súc, nuôi trồng thủy sản.
Từ lợi thế đó, trong thời gian qua tỉnh đã và đang tập trung đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng để tạo sức thu hút lớn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước về lĩnh vực nông nghiệp đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ như dự án trồng rau an toàn, công nghệ cao; dự án chuyên sâu các sản phẩm từ quế, trồng cải tạo phát triển cây chè Shan tuyết, trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao;chế biến các sản phẩm từ tinh bột Sắn, các sản phẩm gỗ cao cấp. Đây là tín hiệu tích cực, mở ra hướng mới trong phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch trên địa bàn tỉnh.
Để cải thiện môi trường đầu tư, tỉnh Yên Bái đã bổ sung những chính sách mới, trong đó: HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 14 về hỗ trợ vốn vay, sản xuất đầu tư sản phẩm nông nghiệp; Nghị quyết 40 về Hỗ trợ doanh nghiệp làm các giấy chứng nhận VietGAP, chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ nhãn mác sản phẩm; hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp. Mặt khác, tỉnh cũng đang xúc tiến xây dựng chính sách hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn và hỗ trợ trồng cây dược liệu, nhằm phát huy tiềm năng rất lớn, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, trình độ canh tác cũng như thị trường đa dạng và rộng lớn.
Đồng thời hình thành và phát triển một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chăn nuôi gia súc, gia cầm và đặt quyết tâm tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Với những giải pháp trong thu hút mời gọi đầu tư, cải thiện môi trường, cũng như đề ra những chính sách cởi mở, thông thoáng, là tiền đề quan trọng để tỉnh Yên Bái thu hút nhiều nhà đầu tư không chỉ trong nước, quốc tế mà cả những thành phần kinh tế hộ, kinh tế tập thể trong tỉnh c tham gia phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp sạch phát triển với quy mô lớn, hiệu quả, bền vững có sức cạnh tranh cao, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại góp phần đưa Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc năm 2020.
1780 lượt xem
Ban Biên tập