Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin hoạt động >> Kinh tế

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tạo động lực cho sự phát triển

09/12/2019 14:21:49 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Trong những năm qua, tỉnh Yên Bái đã luôn quan tâm đến việc hỗ trợ doanh nghiệp và ban hành những chính sách khuyến khích thu hút đầu tư của tỉnh đối với các doanh nghiệp nói chung. Tỉnh đã ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019 - 2025. Đây được xem là đòn bẩy và tạo động lực mạnh mẽ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển. Cổng Thông tin điện tử tỉnh đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Thanh Chương - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái về chính sách trên.

Tính đến nay, toàn tỉnh có trên 2 nghìn doanh nghiệp

BTV: Ông có thể thông tin khái quát về thực trạng hoạt động doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trên địa bàn tỉnh hiện nay?

Ông Trần Thanh Chương Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Những năm gần đây, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập hàng năm có chiều hướng gia tăng, năm 2015 là 146 doanh nghiệp; năm 2016 là 189 doanh nghiệp; năm 2017 là 212 doanh nghiệp; năm 2018 là 255 doanh nghiệp, năm 2019 là 266 doanh nghiệp. Tính đến thời nay toàn tỉnh có trên 2 nghìn doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký gần 30.000 tỷ đồng.

Xếp theo tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa (theo Điều 6 Nghị định 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV) thì hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay đều thuộc loại DNNVV, chiếm tỷ trọng trên 98% tổng số doanh nghiệp của tỉnh.

Các doanh nghiệp đã đóng góp đáng kể vào kết quả tăng trưởng kinh tế của tỉnh, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh hàng năm tăng bình quân khoảng 10%; nộp ngân sách của các doanh nghiệp hàng năm chiếm trên 60% tổng số thu ngân sách trên địa bàn. Năm 2018 tổng số tiền thuế các doanh nghiệp đã nộp vào ngân sách nhà nước đạt 1.109,5 tỷ đồng, chiếm 65,3% tổng thu cân đối trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp đã góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 35.000 lao động với mức thu nhập bình quân của người lao động 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trên thực tế sự phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có của tỉnh. Cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Đa phần các doanh nghiệp đều là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hạn chế về vốn, công nghệ; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; kiến thức quản trị, khả năng cập nhật thông tin thị trường hạn chế; chi phí sản xuất cao, chất lượng sản phẩm đa phần còn ở mức trung bình hoặc thấp, năng lực cạnh tranh thấp; chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản; chưa xuất hiện nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã có sản phẩm, dịch vụ mang tính đột phá, có thương hiệu lớn.

BTV: Việc tỉnh Yên Bái ban hành và triển khai chính sách hỗ trợ DNNVV có ý nghĩa và tác động như thế nào đối với cộng đồng DNNVV hiện nay thưa ông?

Ông Trần Thanh Chương Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Trong những năm qua tỉnh cũng đã quan tâm đến việc hỗ trợ doanh nghiệp, đã ban hành những chính sách khuyến khích thu hút đầu tư của tỉnh đối với các doanh nghiệp nói chung, tuy nhiên chưa có chính sách riêng cho đối tượng là DNNVV, nhất là hiện nay Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 đã chính thức được Quốc hội thông qua ngày 12/6/2017 (đây là lần đầu tiên Việt Nam có một luật riêng về vấn đề này).

Vì vậy, ngày 15/3/2019 tại kỳ họp thứ 12 - HĐND tỉnh Yên Bái khóa XVIII đã thông qua Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019 - 2025 (Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND). Việc ban hành “Quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019 - 2025” là cần thiết, nhằm kịp thời triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ DNNVV quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các văn bản liên quan, việc hỗ trợ hiệu quả DNNVV có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, khởi nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh và hoạt động hiệu quả, là nguồn lực lớn thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh.

BTV: Cụ thể theo Nghị quyết này, các DNNVV được hỗ trợ những gì, thưa ông?

Ông Trần Thanh Chương Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Theo Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND, các DNNVV trên địa bàn tỉnh tùy từng đối tượng hỗ trợ, điểu kiện hỗ trợ sẽ được hưởng hỗ trợ với 9 nội dung, trong đó có 6 nội dung hỗ trợ chung và 3 nội dung hỗ trợ cho 3 nhóm DNNVV trọng tâm, cụ thể là:

Hỗ trợ chung, bao gồm:

(1) Hỗ trợ thủ tục hành chính (Điều 5): DNNVV được tư vấn, hướng dẫn miễn phí về các thủ tục hành chính tại các sở, ban, ngành của tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận phục vụ hành chính công các huyện, thị xã, thành phố.

(2) Hỗ trợ tài chính, tín dụng (Điều 6): DNNVV được hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, tăng cường năng lực quản trị, kỹ năng quản lý, minh bạch hóa tài chính của doanh nghiệp để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng; Được hỗ trợ cấp bảo lãnh tín dụng tại Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tỉnh Yên Bái; Được hỗ trợ cấp bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh bảo hành công trình, bảo lãnh hoạt động đấu thầu tại các Chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Yên Bái, Chi nhánh Ngân hàng phát triển Yên Bái.

(3) Hỗ trợ mặt bằng sản xuất (Điều 7): Được Hỗ trợ giá thuê lại mặt bằng tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

(4) Hỗ trợ đổi mới công nghệ (Điều 8): Hỗ trợ tối đa 30% kinh phí thực hiện dự án cải tiến công nghệ quản lý tiên tiến (ISO 14000, ISO 22000, ISO 9001, ISO 27000, GMP, HACCP, các tiêu chuẩn hệ thống quản lý khác). Mức hỗ trợ tối đa không quá 100 triệu đồng cho mỗi doanh nghiệp.

(5) Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực (Điều 9): Được Ngân sách tỉnh hỗ trợ 70% tổng chi phí của một khóa đào tạo về khởi sự kinh doanh và quản trị doanh nghiệp cho DNNVV do các cơ quan, đơn vị trực thuộc tỉnh tổ chức.

(6) Hỗ trợ mở rộng thị trường (Điều 10): DNNVV được hỗ trợ 100% phí đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trong nước, 50% chi phí đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ngoài nước (chỉ hỗ trợ một lần cho đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa cho 01 sản phẩm). Mức hỗ trợ tối đa không quá 20 triệu đồng cho một nhãn hiệu; Được hỗ trợ chi phí tham gia hội chợ, triển lãm trong nước, mỗi doanh nghiệp được hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/lần và không quá 02 lần/năm.

Hỗ trợ cho 3 nhóm DNNVV trọng tâm, bao gồm:

(1) Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh (Điều 11).

(2) Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo (Điều 12).

(3) Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông, lâm sản (Điều 13).

Ngoài ra, các DNNVV còn được hưởng các hỗ trợ theo quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV và Điều 12, Điều 13 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV.

BTV: Ngoài hỗ trợ chung, Nghị quyết 08 cũng quy định chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh. Ông có thể thông tin cụ thể hơn về chính sách này?

Ông Trần Thanh Chương Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Hiện nay theo quy định tại khoản 2 Điều 212 Luật Doanh nghiệp và khoản 3 Điều 66 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp: hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong thực tế nhiều hộ kinh doanh đáp ứng điều kiện phải chuyển đổi thành doanh nghiệp nhưng còn lo ngại các thủ tục về thuế cũng như lo ngại sự phức tạp do tuân thủ quy định pháp luật khi là đã trở thành doanh nghiệp. Họ chưa nhận thức được những lợi ích khi chuyển đổi thành doanh nghiệp như: về giao dịch hợp đồng, tăng thêm uy tín, mở rộng năng lực sản xuất kinh doanh, quảng bá hình ảnh, dễ dàng tiếp cận vốn từ các ngân hàng, sẽ được bảo vệ thương hiệu, có con dấu riêng nên được tin cậy hơn…

Từ những lo ngại, bất cập trong vấn đề chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, tỉnh thấy cần phải có một chính sách đủ mạnh để hỗ trợ cho nhóm DN này. Do đó, tại Nghị quyết 08 đã có quy định riêng cho DNNVV thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh (Mục 2 Điều 11).

Theo đó, DNNVV thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh nếu đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật Hỗ trợ DNNVV còn được hưởng các hỗ trợ chung theo quy định tại Nghị quyết 08 và các hỗ trợ quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Hỗ trợ DNNVV gồm: (1) Tư vấn, hướng dẫn miễn phí về trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp; (2) Tư vấn, hướng dẫn miễn phí về trình tự thủ tục, hồ sơ đăng ký chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện; (3) Miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp lần đầu, miễn phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp lần đầu tại Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia; (4) Miễn phí thẩm định, phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện; (5) Được miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu; (6) Tư vấn, hướng dẫn miễn phí về các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu; (7) Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp; (8) Miễn, giảm tiền sử dụng đất có thời hạn theo quy định của pháp luật về đất đai.

Đặc biệt, DNNVV thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh còn được ngân sách tỉnh hỗ trợ về kinh phí khi thành lập doanh nghiệp với tổng kinh phí hỗ trợ tối đa là 42 triệu đồng, cụ thể gồm 7 nội dung như sau:

(1) Hỗ trợ kinh phí làm 01 con dấu khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, mức hỗ trợ là 500.000 đồng/01 doanh nghiệp.

(2) Hỗ trợ kinh phí làm biển hiệu khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, mức hỗ trợ là 2.000.000 đồng/01 doanh nghiệp.

(3) Hỗ trợ 100% chi phí thực hiện các dịch vụ kế toán, kê khai, báo cáo và quyết toán thuế trong 01 năm đầu tiên nhưng không quá 2.000.000 đồng/tháng cho mỗi doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh có thời gian hoạt động tối thiểu 01 năm trước khi chuyển đổi.

(4) Hỗ trợ kinh phí mua phần mềm kế toán khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, mức hỗ trợ là 3.000.000 đồng/01 doanh nghiệp.

(5) Hỗ trợ kinh phí cho dịch vụ chữ ký số khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, mức hỗ trợ là 1.000.000 đồng/01 doanh nghiệp.

(6) Hỗ trợ cho việc mua và in hóa đơn, văn phòng phẩm phục vụ cho việc lưu giữ tài liệu tại doanh nghiệp, mức hỗ trợ là 1.500.000 đồng/01 doanh nghiệp.

(7) Hỗ trợ mua sắm trang thiết bị văn phòng doanh nghiệp, mức hỗ trợ là 10.000.000 đồng/01 doanh nghiệp.

BTV: Hiện nay, tỉnh Yên Bái khuyến khích các DN tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, vậy xin ông cho biết Nghị quyết 08 quy định cụ thể như thế nào đối với các DN tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị?

Ông Trần Thanh Chương Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Điều 13 Nghị quyết 08 quy định: Ngoài những hỗ trợ quy định tại phần hỗ trợ chung của Quy định này, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông, lâm nghiệp và thủy sản còn được hỗ trợ như sau:

(1) Hỗ trợ liên kết sản xuất, kinh doanh

- Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn về thúc đẩy liên kết trong cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

- Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn về xây dựng các dự án liên kết kinh doanh nhằm thúc đẩy phát triển thị trường, nâng cao giá trị của sản phẩm, hàng hóa.

(2) Hỗ trợ phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường

- Hỗ trợ 100% chi phí gian hàng tại Hội chợ triển lãm xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế.

- Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn về nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh.

(3) Tư vấn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng

- Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn để doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn cơ sở.

- Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn để doanh nghiệp tự tổ chức đo lường.

(4) Hỗ trợ 100% chi phí thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

(5) Kinh phí hỗ trợ theo quy định tại các khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này không quá 30 triệu đồng/năm cho mỗi doanh nghiệp.

BTV: Để chính sách hỗ trợ DNNVV sớm đi vào cuộc sống, tạo động lực mạnh mẽ cho DNNVV phát triển, ngành Kế hoạch và Đầu tư sẽ triển khai Nghị quyết này như thế nào thưa ông?

Ông Trần Thanh Chương Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Ngay sau khi Nghị quyết 08 được ban hành, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng dự thảo Hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 08 và dự thảo Quyết định của UBND tỉnh ban hành Danh mục lĩnh vực, ngành, nghề khuyến khích đầu tư vào khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến toàn thể công chức, viên chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh về nội dung cơ bản của Nghị quyết số 08. Xây dựng và thực hiện Kế hoạch tuyên truyền, khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Chủ trì triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công tại Nghị quyết số 08: Tổng hợp tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết khó khăn khi thực hiện Nghị quyết; Tăng cường phối hợp trong việc giải quyết thủ tục hành chính, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm; Thực hiện chế độ báo cáo thực hiện Nghị quyết…

Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; tạo điều kiện để doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong tỉnh tiếp cận các nguồn lực và thị trường, phát triển bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh nhằm huy động và phát huy mọi tiềm lực trong tỉnh kết hợp với nguồn lực từ bên ngoài cho đầu tư phát triển.

Thực hiện công tác tư vấn, hỗ trợ pháp lý về khởi nghiệp; định hướng, cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các quy trình, thủ tục thành lập doanh nghiệp, đăng ký và tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp như: Xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, quảng cáo giới thiệu sản phẩm, hội chợ thương mại, cung cấp thông tin thị trường... Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp đã và đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào tỉnh.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư đến đầu tư tại tỉnh, qua đó các nhà đầu tư sẽ đăng ký thành lập doanh nghiệp hoặc đăng ký chi nhánh hoạt động để thực hiện đầu tư chương trình, các dự án có quy mô lớn.

BTV: Xin cảm ơn ông!

2266 lượt xem
Ban Biên tập