Những năm qua, Lục Yên đã chú trọng đẩy mạnh sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường và tiết kiệm tài nguyên, tạo điều kiện và phối hợp giúp đỡ các công ty, doanh nghiệp giải quyết các khó khăn.
Hoạt động khai thác đá tại công ty đá Cẩm thạch RK Việt Nam.
Tận dụng lợi thế về nguồn tài nguyên khoáng sản, huyện đã đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đồng thời quan tâm phát triển các ngành nghề là thế mạnh của địa phương như sản xuất tranh đá quý, tượng đá, đá cảnh, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác, chế biến gỗ rừng trồng...
Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, huyện đã thực hiện tốt cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước, vận dụng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; chỉ đạo kịp thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025.
Khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia sản xuất, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước có năng lực và uy tín đến đầu tư với phương châm ưu tiên phát triển công nghiệp khai thác, chế biến đá hoa trắng.
Cùng với đó, địa phương luôn quan tâm tạo điều kiện và phối hợp để giúp đỡ các công ty, doanh nghiệp giải quyết khó khăn, nhất là các doanh nghiệp thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản tại các xã Lâm Thượng, Minh Tiến, An Phú còn chưa nhận được sự đồng thuận của một bộ phận người dân.
Đồng thời, tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh gắn với đầu tư và phát triển các thành phần kinh tế; từng bước triển khai và thực hiện có hiệu quả cải cách thủ tục hành chính; thực hiện nghiêm túc, kịp thời các chính sách thu hút đối với các nhà đầu tư, kinh doanh, nhất là đầu tư vào các lĩnh vực có lợi thế của địa phương như công nghiệp khai thác khoáng sản, sản xuất nông nghiệp…
Huyện xác định công nghiệp là khâu đột phá để phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Bởi vậy, những năm qua, Lục Yên đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động, mở rộng sản xuất. Hiện nay, trên địa bàn huyện Lục Yên có hàng chục công ty, doanh nghiệp đi vào hoạt động khai thác ổn định, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách, tạo hàng trăm công ăn việc làm cho lao động địa phương. Từ hơn 420 tỷ đồng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong năm 2012, sau 7 năm, giá trị đó đã tăng gấp 4 lần đạt trên 1.600 tỷ đồng…
Bên cạnh đó, với lợi thế sở hữu nhiều di tích, danh thắng, Lục Yên chú trọng khai thác sâu vào lĩnh vực du lịch tâm linh gắn với nghỉ dưỡng, như: Quần thể Hắc Y - Đại Cại, đền Suối Tiên; khai thác có hiệu quả địa danh núi vua Áo Đen (xã Tân Lĩnh); các điểm du lịch Chùa Hang São, bình nguyên xanh Khai Trung. Để phát triển ngành công nghiệp không khói này, huyện đã đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Đặc biệt, huyện định hướng, hỗ trợ cho người dân mở rộng các mô hình du lịch cộng đồng gắn với tìm hiểu các nét văn hóa dân tộc đặc sắc. Đến nay, toàn huyện đã có 3 bản làng tổ chức tốt hoạt động du lịch homestay; lượng du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng đạt trên 8.000 lượt; doanh thu đạt gần 3 tỷ đồng.
Thời gian tới, Lục Yên tiếp tục xác định công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn, là khâu đột phá góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện. Bên cạnh việc tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, huyện sẽ thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư; chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản...
1332 lượt xem
Ban Biên tập