CTTĐT - Những năm gần đây, nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế hướng tới các điểm du lịch gần gũi với thiên nhiên. Nắm bắt được tâm lý, sở thích này, tỉnh Yên Bái đã đón đầu xu hướng phát triển du lịch gắn với các tiêu chí, sạch và xanh. Đồng thời ban hành nhiều chính sách để thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của ngành công nghiệp không khói này.
'Nghệ thuật Xòe Thái' được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.
Yên Bái có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Nổi bật là khu du lịch danh thắng hồ Thác Bà có diện tích trên 19.000 ha, với trên 1.300 hòn đảo lớn, nhỏ được bao bọc bởi dãy núi hùng vĩ và nhiều hang động kỳ thú được ví như “Vịnh Hạ Long trên núi”. Nơi đây có tiềm năng phát triển các loại hình du lịch sinh thái với quy mô lớn.
Khu vực Miền Tây (huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ) có cánh đồng Mường Lò cũng các danh lam thắng cảnh như Suối Giàng, suối nước nóng Bản Bon, vùng ruộng bậc thang Mù Cang Chải, khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu; hồ Đầm Vân Hội; khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu (Văn Yên), đầm Vân Hội (Trấn Yên)... Khu vực này rất thích hợp với việc phát triển các khu nghỉ sinh thái, hệ thống các nhà nghỉ đơn lập kiến trúc vùng cao, các khu sinh cảnh...
Bên cạnh đó, Yên Bái còn có nhiều di tích văn hóa, lịch sử lâu đời phục vụ cho du lịch văn hóa - tâm linh như: Đền Đông Cuông, Đền Nhược Sơn, Khu chùa - Đền Hắc Y - Đại Cại, Đền Thác Bà, Động Hương Thảo, Chùa Ngọc Am... cùng với văn hóa ẩm thực của các dân tộc và kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú như múa xòe, múa khèn, hát giao duyên... là yếu tố thu hút khách du lịch trong nước ngoài nước.
Năm 2021, Yên Bái tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn, thông thoáng hơn nữa; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát triển mạnh các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân trong những ngành chủ lực, có lợi thế của tỉnh. Cùng với đó, tỉnh khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại địa phương.
Trong đó, tỉnh ưu tiên phát triển ngành du lịch - dịch vụ, như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch trải nghiệm và khám phá; du lịch văn hóa, cộng đồng dân tộc; du lịch tìm hiểu lịch sử, văn hóa tâm linh; du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện tại 4 vùng du lịch trọng điểm của tỉnh là vùng du lịch Hồ Thác Bà và dọc sông Chảy, vùng du lịch TP. Yên Bái và Nam Trấn Yên, vùng du lịch Bắc Trấn Yên - Văn Yên và vùng du lịch miền Tây.
Với những tiềm năng du lịch sẵn có, Yên Bái tiếp tục chú trọng đẩy mạnh phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch có chất lượng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường gắn với việc nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, tăng cường công tác quảng bá xúc tiến du lịch để thu hút du khách.
Để đảm bảo thu hút đầu tư toàn diện, bền vững, trọng tâm, trọng điểm nhằm phát huy hiệu quả lợi thế tài nguyên du lịch của tỉnh, Yên Bái đã quan tâm, ưu tiên đầu tư hạ tầng cho phát triển du lịch, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư hạ tầng du lịch đồng bộ, đầu tư các khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hài hòa với thiên nhiên, khu du lịch thể thao, vui chơi, giải trí… tại các điểm có tiềm năng phát triển, hướng tới hoàn thiện hệ sinh thái du lịch xanh theo chuỗi giá trị.
Đến nay, tỉnh đã thu hút được một số nhà đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, homestay khá hấp dẫn với tổng số trên 500 cơ sở, trong đó có 240 nhà nghỉ, khách sạn từ tiêu chuẩn đến 3 sao với trên 3.000 buồng và gần 5.000 giường, cùng hàng trăm hộ gia đình kinh doanh dịch vụ nhà ở có phòng cho thuê đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 định hướng phát triển du lịch đến năm 2025 là phát triển du lịch xanh, bản sắc, hấp dẫn và trở thành một trong những điểm đến du lịch hàng đầu của vùng Tây Bắc. Theo đó, tỉnh đã xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách, đề án về phát triển du lịch như: "Xây dựng và triển khai thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 20230”; Hội đồng Nhân dân tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025. Theo Nghị quyết này, chính quyền tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ các loại hình du lịch gần gũi với thiên nhiên theo tiêu chí sạch và xanh. Cụ thể, thời gian tới, Yên Bái sẽ tiếp tục quy hoạch, bảo tồn, quản lý và có lộ trình cho việc đầu tư, khai thác các danh thắng tự nhiên như đỉnh Tà Xùa, đỉnh Lùng Cúng, đỉnh Khau Phạ, đỉnh Tà Chì Nhù, khu bảo tồn Nà Hẩu, khu bảo tồn Chế Tạo, bãi đá cổ La Pán Tẩn... cùng hàng chục con suối với những thác nước hùng vĩ, như thác Háng Đề Chơ, thác Mơ, thác Pú Nhu, thác Khe Cam, thác Khuổi Luông...
Ngoài ra, theo NQ 10 tỉnh sẽ hỗ trợ hộ gia đình kinh doanh du lịch đầu tư hệ thống nước sạch. Mức hỗ trợ có thể lên tới 20 triệu đồng/hộ. Tỉnh Yên Bái cũng sẽ hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn phục vụ tại các điểm du lịch. Tỉnh cũng hỗ trợ đầu tư trang thiết bị thu gom rác thải…
Bên cạnh đó tỉnh Yên Bái hỗ trợ đầu tư xây dựng, nâng cấp đường giao thông kết nối các địa điểm có hoạt động du lịch trên địa bàn; đầu tư cơ sở kinh doanh thương mại đạt tiêu chuẩn, kinh doanh các sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh để phục vụ du khách nhằm phấn đấu đến năm 2025, đưa Yên Bái trở thành một trong những điểm đến du lịch hàng đầu của vùng Tây Bắc.
UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Yên Bái năm 2021, đồng thời ban hành Hướng dẫn số 03/HD-UBND để hướng dẫn cụ thể, chi tiết việc thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển du lịch tại Nghị quyết số 10 của HĐND tỉnh. Đồng thời, tỉnh ban hành các đề án, các tiêu chí chuẩn hóa mô hình du lịch cộng đồng và hướng dẫn xây dựng các mô hình theo các tiêu chí đã xây dựng...
1047 lượt xem
Ban Biên tập