CTTĐT - Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 19/04/2021 về việc Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 nhằm tạo điều kiện thu hút và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực du lịch phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của tỉnh, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Festival dù lượn - hoạt động du lịch thu hút nhiều du khách đến với Mù Cang Chải. Ảnh Báo Yên Bái
Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh và là một trong những điểm đến hàng đầu của vùng Tây bắc, Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái đã ban hành Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND về việc Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, quy định cụ thể điều kiện, cơ chế, định mức hỗ trợ của từng chính sách như: Chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất và hạ tầng du lịch; Chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực du lịch và hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; Chính sách hỗ trợ phát triển tài nguyên du lịch.
Theo Nghị quyết này, chính quyền tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ các loại hình du lịch gần gũi với thiên nhiên theo tiêu chí sạch và xanh. Cụ thể, thời gian tới, Yên Bái sẽ tiếp tục quy hoạch, bảo tồn, quản lý và có lộ trình cho việc đầu tư, khai thác các danh thắng tự nhiên như đỉnh Tà Xùa, đỉnh Lùng Cúng, đỉnh Khau Phạ, đỉnh Tà Chì Nhù, khu bảo tồn Nà Hẩu, khu bảo tồn Chế Tạo, bãi đá cổ La Pán Tẩn... cùng hàng chục con suối với những thác nước hùng vĩ, như thác Háng Đề Chơ, thác Mơ, thác Pú Nhu, thác Khe Cam, thác Khuổi Luông...
Theo Nghị quyết này, tỉnh Yên Bái quan tâm tới bảo tồn văn hóa. Yên Bái là nơi sinh sống của hơn 30 dân tộc, với 86 di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng, trong đó có 13 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, có 746 di sản phi vật thể và 574 di sản vật thể. Đặc biệt, vừa qua, xoè Thái được UNESCO vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể. Cùng với đó là các lễ hội truyền thống đặc sắc như Lễ Mừng cơm mới của dân tộc Xá Phó tại xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên; Lễ Tết nhảy của dân tộc Dao tại xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên; Lễ hội Xé then của dân tộc Thái tại thị xã Nghĩa Lộ; Lễ Cầu mưa của dân tộc Dao tại xã Đông An...
Để khai thác được tài nguyên du lịch này, tỉnh Yên Bái tập trung vào nhiều giải pháp cụ thể. Tiêu biểu như khôi phục, bảo tồn các lễ hội truyền thống. Đồng thời, thường niên tổ chức thành công các hoạt động văn hóa lớn, đã trở thành sản phẩm du lịch mang tầm cỡ quốc gia, như: Lễ hội Xòe Thái Mường Lò; Festival dù lượn “Bay trên mùa vàng”; Lễ hội Âm vang hồ Thác Bà; Lễ hội săn mây trên đỉnh Tà Xùa, huyện Trạm Tấu...; qua đó khẳng định vị trí, đẳng cấp du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm của Yên Bái.
Bên cạnh đó, theo Nghị quyết 10, giai đoạn tới tỉnh sẽ hỗ trợ các cơ sở du lịch phát triển sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP, với mức hỗ trợ lên tới 100 triệu đồng/cơ sở. Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực dịch vụ du lịch chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ số thúc đẩy phát triển du lịch sáng tạo, thông minh; nâng cao chất lượng công tác quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch; tăng cường liên kết hợp tác phát triển du lịch trong và ngoài nước.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Yên Bái dự kiến hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực du lịch - thương mại để đầu tư xây dựng, nâng cấp các hạng mục cơ sở vật chất như xây dựng, nâng cấp đường giao thông kết nối các địa điểm có hoạt động du lịch; xây dựng cơ sở kinh doanh thương mại đạt tiêu chuẩn, bán các sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP với mức hỗ trợ 30% trên tổng kinh phí xây dựng; đầu tư hệ thống xử lý và cung cấp nước sạch tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ homestay. Đồng thời, hỗ trợ các địa phương kinh phí xây dựng, mua sắm trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng công tác thu gom xử lý rác thải và vệ sinh môi trường tại các khu trung tâm, địa điểm có hoạt động du lịch nói chung và hoạt động du lịch cộng đồng nói riêng.
Đồng thời, hỗ trợ tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, ngoại ngữ giao tiếp, phục vụ, vận hành trong lĩnh vực du lịch nhằm phát triền nguồn nhân lực du lịch tại các địa phương trên địa bàn tỉnh với kinh phí hỗ trợ từ 65 - 75 triệu đồng/lớp. Hỗ trợ các tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực du lịch 50% tổng kinh phí tham gia các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch ngoài tỉnh nhằm góp phần đưa hình ảnh du lịch Yên Bái đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, tỉnh Yên Bái sẽ hỗ trợ các địa phương phát triển nguồn tài nguyên du lịch dưới nhiều hình thức như: hỗ trợ thành lập và duy trì hoạt động đội văn nghệ quần chúng phục vụ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tại các thôn (bản) có hoạt động du lịch cộng đồng; hỗ trợ lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; hỗ trợ truyền dạy trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể; hỗ trợ duy trì, phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống phục vụ du lịch. Qua đó, từng bước xây dựng, duy trì và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch địa phương, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tăng nguồn thu từ dịch vụ du lịch cho các hộ gia đình, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.
702 lượt xem