CTTĐT - Thực hiện chương trình hợp tác phát triển y tế giữa Tổ chức Atlantic Philanthropies/Hoa Kỳ (AP) và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Yên Bái là một trong 8 tỉnh được chọn thực hiện Dự án “Cải thiện hệ thống y tế cơ sở” với mục tiêu củng cố và hoàn thiện chất lượng các dịch vụ chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, đưa các dịch vụ y tế đến gần dân, đảm bảo mọi người đều được chăm sóc sức khoẻ ban đầu, từng bước thực hiện công bằng trong chăm sóc sức khoẻ, đáp ứng cơ bản về nguồn lực cho y tế tuyến xã.
Chuyên gia của tổ chức AP đi khảo sát các Trạm Y tế xã trên địa bàn tỉnh Yên Bái
Dự án được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2012 - 2014 và giai đoạn 2 từ năm 2015 – 2016. Các hoạt động của dự án tập trung chủ yếu vào nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở vật chất y tế tuyến xã. Dự án đã đem lại những hiệu quả quan trọng góp phần nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh, y tế dự phòng và cung cấp dịch vụ y tế trên địa bàn tỉnh.
Dự án “Cải thiện hệ thống y tế cơ sở” đã hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật để triển khai nhiều hoạt động, trong đó chủ yếu là xây dựng cơ sở vật chất và bổ sung trang thiết bị y tế cho các Trạm y tế xã. Trung bình mỗi trạm y tế xã được tài trợ 2,5 tỷ đồng, trong đó 2,0 tỷ đồng dùng để xây dựng mới cơ sở vật chất trạm y tế và 500 triệu đồng mua sắm trang thiết bị y tế. Tổng vốn đầu tư dự án là 105 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn viện trợ của AP là 52,5 tỷ đồng (chiếm 50%).
Tính từ năm 2012 đến tháng 9/2016, dự án đã hỗ trợ kinh phí xây mới và đưa vào sử dụng 31 trạm y tế xã; mua sắm bổ sung trang thiết bị và dụng cụ y tế để phục vụ công tác khám chữa bệnh cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn. Đặc biệt là tại các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa của huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên…dự án đã thực hiện xây mới từ 3 - 5 trạm y tế. Bên cạnh đó, mỗi trạm y tế được cấp khoảng 169 danh mục thiết bị y tế cần thiết như máy điện tim, bộ tiểu phẫu, bàn khám, bộ dụng cụ khám và điều trị bệnh răng miệng… Trạm y tế xây mới được bố trí từ 9-12 phòng, đảm bảo đủ diện tích hoạt động chuyên môn theo quy định của Bộ Y tế. Các công trình đều đáp ứng nhu cầu phục vụ khám và điều trị cho bệnh nhân, đảm bảo tính bền vững không bị lạc hậu trong quá trình sử dụng.
Với cơ sở vật chất khang trang và trang thiết bị mới đồng bộ, trong những năm qua cán bộ trạm y tế đã phát huy và khai thác được những thế mạnh, lợi ích trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hoạt động chuyên môn của trạm y tế đã được chấn chỉnh, đi vào nề nếp. Các chương trình y tế triển khai có hiệu quả, không để dịch bệnh lớn, dịch nguy hiểm xảy ra. Chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên, thu hút người dân đến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế đều tăng hàng năm từ 10-20%, thực hiện tốt các kỹ thuật chuyên môn do Sở Y tế giao, đồng thời giảm được tỷ lệ bệnh nhân phải chuyển tuyến trên.
Người dân đã thực sự được hưởng lợi từ các hoạt động xây dựng tiêu chí quốc gia về y tế xã, chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày một được nâng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân trong khám chữa bệnh, theo Quyết định số 4667/QĐ-BYT ngày 7/11/2014 của Bộ y tế về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020. Tính đến tháng 8/2016, toàn tỉnh đã có 63/180 (35%) xã, phường, thị trấn được UBND tỉnh cấp bằng công nhận xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Các phòng khám chữa bệnh, phòng chờ khám, phòng trực, phòng tuyên truyền,... tại các trạm y tế sau khi đưa vào sử dụng được sắp xếp và bố trí gọn gàng, sạch sẽ theo đúng mô hình của Bộ Y tế, giúp cho cán bộ y tế thuận lợi trong việc triển khai các dịch vụ y tế. So với trước năm 2012 thì hầu hết các trạm y tế có cơ sở vật chất đều xuống cấp, không đủ phòng làm việc, trang thiết bị y tế thiếu, năng lực chuyên môn và quản lý của cán bộ còn hạn chế… do đó công tác khám chữa bệnh ở tuyến xã còn yếu và ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cung cấp dịch vụ y tế tuyến xã.
Dự án hoàn thành không những góp phần thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở tuyến xã mà còn ổn định đời sống kinh tế của nhân dân, nhất là đối với người dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Mạng lưới y tế tuyến xã, tuyến huyện ngày càng phát triển và hoạt động với mức độ cao hơn, giảm tình trạng quá tải trong việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân tại cơ sở y tế cấp huyện và cấp tỉnh. Tăng cường thu hút nguồn lực bên ngoài để phát triển hệ thống y tế tuyến xã như thu hút đội ngũ bác sĩ đến công tác, sự đầu tư, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, đơn vị cho trạm y tế. Hàng năm, ngành y tế cũng như chính quyền địa phương ở tuyến xã đã hỗ trợ một phần kinh phí để tu sửa, bảo quản, nâng cấp nhằm đảm bảo công tác khám chữa bệnh được tốt hơn.
1148 lượt xem
Ban Biên tập