Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Chỉ số năng lực canh tranh

Yên Bái: Môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng cải thiện

15/07/2019 10:50:53 Xem cỡ chữ Google
Điểm nhấn nổi bật theo kết quả điều tra PCI tỉnh Yên Bái là cải cách hành chính tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ. Nhờ đó, chỉ số gia nhập thị trường đã tăng 18 bậc trên bảng xếp hạng, đứng vị trí 25/63 tỉnh, thành. Thứ hạng được cải thiện nhờ sự đóng góp tích cực của chỉ tiêu về thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Chế biến gỗ rừng trồng là lĩnh vực kinh tế có nhiều tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Yên Bái.

Sau những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh  liên tục được cải thiện và chuyển biến tích cực. Theo kết quả công bố PCI năm 2018, của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỉnh Yên Bái xếp thứ hạng 42/63 tỉnh, thành phố cả nước với 62,22 điểm, tăng 4 bậc so với năm 2017 và 9 bậc so với năm 2015.

Điểm nhấn nổi bật theo kết quả điều tra PCI tỉnh Yên Bái là cải cách hành chính tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ. Nhờ đó, chỉ số gia nhập thị trường đã tăng 18 bậc trên bảng xếp hạng, đứng vị trí 25/63. Thứ hạng được cải thiện nhờ sự đóng góp tích cực của chỉ tiêu về thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp. 

Hiện nay, thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp tỉnh Yên Bái chỉ còn 2 ngày, giảm 5 ngày so với năm 2017; chỉ tiêu về thời gian thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp là 5 ngày làm việc; chỉ còn 13% doanh nghiệp phải chờ hơn 1 tháng để hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức hoạt động, trong khi đó năm 2017 là 25%. 

PCI năm 2018 cũng ghi nhận những nỗ lực của tỉnh trong công tác xây dựng môi trường công khai, minh bạch về các thông tin quy hoạch, mời thầu, cung cấp nhanh chóng các tài liệu cần thiết cho doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp cũng phần nào phát huy được vai trò trong việc góp ý, xây dựng các chính sách của tỉnh. 

Nhờ đó, chỉ số tính minh bạch của tỉnh đạt 6,25 điểm tăng 25 bậc từ vị trí số 44 lên vị trí thứ 19/63. Tín hiệu tích cực khác của PCI năm 2018 là chi phí không chính thức đã giảm đáng kể, đạt 5,58 điểm, tăng 1,27 điểm và tăng 14 bậc, từ vị trí 56 lên vị trí 42/63 trên bảng xếp hạng. 

Qua kết quả khảo sát năm 2018, chỉ còn 9,7% doanh nghiệp phải chi hơn 10% doanh thu cho các khoản chi phí không chính thức, giảm 4,3% so với mức 14% năm 2017. 

Ngoài ra, PCI năm 2018 có 2 chỉ số được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao là thiết chế pháp lý và an ninh trật tự với điểm số cao nhất là 6,91 điểm, xếp vị trí thứ 6/63 tỉnh thành; chỉ số đào tạo lao động với 6,60 điểm, xếp vị trí thứ 18/63 tỉnh thành. PCI năm 2018 cũng cho thấy môi trường kinh doanh của Yên Bái đang dần trở nên bình đẳng hơn so với năm trước. 

Theo khảo sát, doanh nghiệp cho rằng việc tỉnh ưu ái cho các tổng công ty tập đoàn của Nhà nước gây khó khăn cho doanh nghiệp đã giảm từ 38% năm 2017 xuống 25% trong năm 2018. Tuy nhiên, vẫn còn đến 50% doanh nghiệp nhận định tỉnh ưu đãi với các công ty lớn là trở ngại cho hoạt động kinh doanh của chính doanh nghiệp. 

Qua các chỉ số tăng điểm kể trên cho thấy, Yên Bái đã rất nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, theo bảng điểm và vị trí các chỉ số thành phần PCI năm 2018, Yên Bái cũng có 4 chỉ số giảm bậc trên bảng xếp hạng đó là: chỉ số chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, chỉ số tính năng động của lãnh đạo. 

Trong đó, phải kể đến chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp giảm 0,88 điểm và giảm 43 bậc từ vị trí 11 xuống vị trí 54/63 tỉnh, thành. Nguyên nhân là do các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp được cung cấp bởi khu vực tư nhân trên địa bàn còn rất hạn chế. Mặt khác, doanh nghiệp ít tin tưởng vào chất lượng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp được cung cấp bởi khu vực tư nhân.

Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trong đó tập trung để tháo gỡ khó khăn và cải cách thủ tục hành chính về đất đai, thuế, môi trường cho doanh nghiệp. 

Các sở, ngành, địa phương tiếp tục hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được phát triển bình đẳng, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khắc phục tình trạng chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp; thực hiện nghiêm quy định pháp luật về đấu thầu, bảo đảm thực chất, công khai, minh bạch.

Nâng cao chất lượng công tác xây dựng và quản lý quy hoạch, công bố công khai quy hoạch; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, môi trường và các thủ tục hành chính liên quan, tạo thuận lợi, sự bình đẳng, công bằng giữa các doanh nghiệp trong tiếp cận và thụ hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, tiếp cận tín dụng, đất đai và các nguồn lực tài chính Nhà nước. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới và đa dạng hóa các hình thức đối thoại, gặp gỡ trao đổi với doanh nghiệp và giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp.                                                                  

 

0 lượt xem
1