Cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã tập trung các giải pháp cho giai đoạn “nước rút”, nỗ lực đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành đạt và vượt kế hoạch đề ra, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Sản xuất chế biến gỗ rừng trồng tại Công ty TNHH Plywood Ngành gỗ Sâm Duệ Việt Nam, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình.
Công ty TNHH Ngành gỗ Sâm Duệ Việt Nam đã dồn lực về đích mục tiêu sản xuất, kinh doanh năm 2024. Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Phó Giám đốc Công ty cho biết: "Thành lập cuối năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế thế giới nên doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, bên cạnh đào tạo nguồn nhân lực, giải pháp mà Công ty chú trọng nhất là đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng với giá thành cạnh tranh, tạo sự tin tưởng cho khách hàng và được chính khách hàng giới thiệu những đơn hàng mới. Dự kiến hết năm 2024, doanh thu của Công ty đạt khoảng 120 tỷ đồng, nộp thuế 12 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 70 lao động với mức lương khoảng 10 triệu đồng/người/tháng”.
Nhà máy Sản xuất ván Plywood của Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Kim Gia, Khu Công nghiệp phía Nam sản xuất các dòng sản phẩm Plywood hiện được ứng dụng rộng rãi trong thiết kế, trang trí nội thất nhà ở, chung cư, trường học, bệnh viện, khách sạn, nội thất văn phòng.
Ông Bùi Đức Lâm - Giám đốc Nhà máy cho biết: "Định hướng trở thành nhà sản xuất vật liệu và cung ứng các sản phẩm nội thất hàng đầu Việt Nam cũng như trong khu vực, Nhà máy luôn chú trọng áp dụng công nghệ mới và các trang thiết bị hiện đại nhất vào dây chuyền sản xuất, xây dựng đội ngũ nhân sự trong và ngoài nước chuyên nghiệp, phát triển tư duy quản trị, nâng cao văn hóa doanh nghiệp. Hiện nay, sản phẩm của chúng tôi không chỉ chinh phục được thị trường trong nước mà đã xuất khẩu trực tiếp đến những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia… Dự kiến năm nay, Công ty sản xuất được hơn 24.000 khối thành phẩm, tạo việc làm ổn định cho trên 140 công nhân với mức lương bình quân khoảng 8 - 10 triệu đồng/người/tháng”.
Theo ghi nhận của phóng viên, một số doanh nghiệp trong các khu công nghiệp của tỉnh cũng tăng quy mô sản xuất do ký được đơn hàng mới như: Công ty TNHH Ngành gỗ Thiên An, Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư Lâm Phong, Công ty TNHH Tủ bếp Cao Tiệp Việt Nam, Công ty TNHH Công nghiệp Sunwell Việt Nam.
Không chỉ có các doanh nghiệp ngành gỗ, các doanh nghiệp dệt may cũng nỗ lực duy trì đơn hàng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Đại diện Công ty TNHH Unico Global YB tại Khu Công nghiệp Âu Lâu, thành phố Yên Bái cho biết, doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ, châu Âu và Hàn Quốc.
Năm 2024, hoạt động sản xuất, xuất khẩu của Công ty tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn của đối tác, giảm tỷ lệ sản phẩm hư hỏng cùng với các chế độ đãi ngộ tốt để người lao động yên tâm làm việc đã giúp doanh nghiệp vẫn có đủ đơn hàng. Tính riêng tháng 11/2024, doanh nghiệp sản xuất 7.363 chiếc quần và 53.432 chiếc áo, doanh thu tiêu thụ đạt 18,3 tỷ đồng, trong đó doanh thu xuất khẩu đạt trên 10,2 tỷ đồng; tạo việc làm ổn định cho trên 1.250 công nhân với mức thu nhập trung bình đạt 7,2 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2024, các doanh nghiệp tỉnh Yên Bái tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn khi thị trường xuất khẩu một số hàng hóa chủ lực gặp nhiều khó khăn; giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao; một số ngành công nghiệp chủ lực tăng trưởng chậm; tình hình thiên tai, thời tiết cực đoan, mưa lũ, cháy rừng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất, kinh doanh.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phải linh hoạt tìm kiếm giải pháp thúc đẩy sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số; ứng dụng dây chuyền, máy móc công nghệ hiện đại để tăng năng suất, chất lượng; đa dạng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh sự chủ động, nỗ lực của doanh nghiệp, các cấp, các ngành, địa phương đã đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường xúc tiến thương mại; tích cực tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, ngành hàng.
Nhờ đó, hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì ổn định và có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Trong đó, nhiều ngành có chỉ số sản xuất tăng so với cùng kỳ năm 2023 như: chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 7,53%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 5,18%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 50,68%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 6,46%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 39,77%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng hơi nước và điều hòa không khí tăng 26,55%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 7,51%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải, tái chế phế liệu tăng 5,25%...
Yên Bái sẽ tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là đối với các ngành hàng chủ lực của tỉnh.
Giá trị sản xuất công nghiệp trong 11 tháng năm 2024 của tỉnh Yên Bái ước đạt 16.833 tỷ đồng, tăng 9,77% so với cùng kỳ năm 2023, bằng 91,5% kế hoạch; chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 9,24% so với cùng kỳ năm 2023. |
14 lượt xem
1