Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Lao động - việc làm

Doanh nghiệp 'khát' lao động quay trở lại làm việc

14/02/2022 09:54:01 Xem cỡ chữ Google
Sau Tết Nguyên đán, nhu cầu về nhân lực lao động của các doanh nghiệp, nhà máy tăng cao nhằm bảo đảm các đơn hàng cũng như phục vụ nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, không ít doanh nghiệp vẫn đang trong tình trạng thiếu hụt lao động.

Năm nào cũng vậy, cứ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là nhiều doanh nghiệp lại thiếu lao động trầm trọng (Ảnh minh họa: Int).

Sau khoảng thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch và sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, hàng loạt lao động làm việc ở TP.HCM, Hà Nội và các khu vực kinh tế trọng điểm trên cả nước đã về quê. Điều này dẫn đến đứt gãy thị trường lao động, nên nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp cũng tăng lên.

Nhu cầu tuyển dụng lớn

Tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội), nhu cầu tìm kiếm nhân lực của các doanh nghiệp đang tăng cao. Cụ thể như Công ty TNHH Nissei Electric Hà Nội đang dán các thông báo và thực hiện tuyển dụng online với nhu cầu khoảng 300 người, chủ yếu là lao động nữ và đi làm ngay...

Các công ty TNHH Meiko Thăng Long, Canon Việt Nam... cũng đưa ra những thông tin tuyển dụng với số lượng lớn từ vài chục đến hàng trăm lao động đi làm ngay trong tháng 2 này.

Nhìn chung, các doanh nghiệp đăng thông tin tuyển dụng đa phần đều có nhu cầu tuyển dụng nhân sự với số lượng lớn, tuyển gấp - đi làm ngay sau khi trúng tuyển. Để thu hút người lao động, nhiều doanh nghiệp đều nêu rõ mức lương thưởng, phúc lợi rõ ràng, được đóng bảo hiểm, thậm chí có xe đưa đón. Chẳng hạn như Công ty Sumitomo còn bố trí xe đưa đón người có nhu cầu vào làm việc ngay tại bảng tuyển dụng để họ có thể di chuyển thuận tiện vào bên trong phỏng vấn.

 

Năm nào cũng vậy, cứ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là nhiều doanh nghiệp lại thiếu lao động trầm trọng (Ảnh minh họa: Int).

 

Có thể thấy sức nóng tuyển dụng không chỉ ở Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, mà ở hầu hết các khu công nghiệp, khu chế xuất cũng như các doanh nghiệp.

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết nhu cầu tuyển dụng lao động tại TP đang tiếp tục tăng lên. Các vị trí công nhân sản xuất tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng rất lớn trong thời gian này, tập trung ở các lĩnh vực như may mặc, điện, điện tử, giao nhận hàng, thương mại dịch vụ, bán buôn bán lẻ...

Còn tại TP.HCM, khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Falmi cũng cho thấy nhu cầu nhân lực sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần của TP vào khoảng 44.800-55.600 việc làm.

Hay tại Bình Dương, địa phương được xem là thủ phủ công nghiệp phía Nam, cũng có nhu cầu nhân lực rất lớn. Báo cáo mới đây của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương cho thấy, chỉ trong quý I/2022, tỉnh có nhu cầu tuyển dụng khoảng 40.000 - 50.000 lao động để thực hiện các đơn hàng của doanh nghiệp. Còn tại Đồng Nai, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết hơn 400 doanh nghiệp lớn trong tỉnh đang có nhu cầu tuyển khoảng 42.000 lao động.

Hằng năm, sau Tết Nguyên đán, cả nước thường thiếu 20% lao động và năm nay theo dự báo, tỷ lệ lao động thiếu hụt là khoảng 10-15%. Do ảnh hưởng của các đợt giãn cách dài trong năm 2021, số lượng lao động tại các doanh nghiệp vốn đã thiếu hụt trầm trọng, nay lại thêm kỳ nghỉ Tết, không ít lao động muốn thay đổi nơi làm nên nhu cầu về nguồn lao động của doanh nghiệp càng bức thiết hơn.

Đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết, họ đã tập trung thu hút và tuyển dụng lao động ngay từ trước Tết Nguyên đán bằng nhiều kênh khác nhau nhưng đến thời điểm này vẫn chưa tuyển dụng đủ, bởi nhiều người về quê e ngại dịch bệnh lây lan, nên hạn chế đi lại, chờ đợi một thời gian nữa mới đi kiếm việc.

Bà Nguyễn Thị Thùy Vân, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Long Rich (TP.HCM) chia sẻ hiện doanh nghiệp đang thiếu hàng trăm lao động. "Năm nay, việc tuyển lao động khó khăn hơn vì dịch bệnh diễn biến phức tạp nên chúng tôi đều mong muốn người lao động quay trở lại làm việc trong thời gian sớm nhất", bà Vân nói.

Thiếu hụt lao động có thể tăng

Theo thống kê từ các khu công nghiệp ở Hà Nội, có những ngành nghề, địa phương đã đạt tỷ lệ lao động trở lại làm việc ở mức 97%. Có được điều này là do có doanh nghiệp rút kinh nghiệm từ các năm trước nên chú trọng đảm bảo quyền lợi, lương thưởng và các chế độ đãi ngộ trong thời gian trước và sau Tết nên đã khuyến khích người lao động nhanh chóng, đúng hẹn trở lại nơi làm việc. Đồng thời, hầu hết lao động đã được tiêm vắc xin mũi 3 và yên tâm đúng hẹn quay lại làm việc.

Tuy nhiên đến thời điểm này, không ít doanh nghiệp vẫn thiếu hụt lao động, chủ yếu là ở các tỉnh thành phía Nam do tác động từ dịch bệnh kéo dài nhiều tháng trong năm 2021, một lượng lớn người lao động rời thành phố về quê đến nay vẫn chưa quay lại.

Theo các chuyên gia, sự thiếu hụt lao động có thể tiếp tục tăng vào thời gian cuối quý I và quý II năm nay vì thời điểm này, các doanh nghiệp mở rộng sản xuất và tăng tốc theo đà phục hồi kinh tế.

Đặc biệt nếu thiếu lao động, các doanh nghiệp da giày, dệt may sẽ gặp nhiều thách thức hơn do đơn hàng từ nước ngoài thường được thực hiện theo hình thức gối đầu từ cuối năm ngoái đến gần Tết năm sau hoặc 6 tháng đầu năm 2022.

Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ tịch công đoàn Dệt may Việt Nam, cho biết những tháng cuối năm 2021, doanh nghiệp đã ký được đơn hàng lấp đầy đến hết quý III nên nếu không bảo đảm được nguồn lao động thì doanh nghiệp không thể nâng cao năng suất, bảo đảm các đơn hàng đã ký kết.

Trước mắt, để giải quyết bài toán thiếu hụt lao động, nhiều doanh nghiệp đã phải tính toán lại phương án sản xuất, giảm bớt các khâu không cần thiết, dừng sản xuất các mặt hàng không thiết yếu để tập trung cho các đơn hàng có sức mua lớn và đơn hàng xuất khẩu. Ngoài ra, hầu hết các doanh nghiệp phải tiến hành thương lượng tăng ca với người lao động, đồng thời gia tăng chính sách lương thưởng để tăng năng suất lao động.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành đánh giá những phương án trên cho thấy các doanh nghiệp đang từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt trong tình hình mới, đồng thời giúp cho thị trường lao động có nhiều tín hiệu khởi sắc, hoạt động dần nhộn nhịp trở lại.

(Theo VNBusiness)

0 lượt xem