Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Trợ giúp pháp lý

Một số giải pháp để thực hiện tốt hơn công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

14/06/2019 10:09:05 Xem cỡ chữ Google
Hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp nhằm tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật để giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả; phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp.

Thực hiện Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/05/2008 của Chính phủ về việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, ngày 09/12/2008, ngày 09/12/2008, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định số 3219/QĐ-UBND về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 66/2008/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, nhằm triển khai kịp thời, thống nhất, đồng bộ và có hiệu quả những quy định của Nghị định số 66/2008/NĐ-CP, tạo điều kiện thuận tiện cho doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh trong việc tiếp nhận và thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan. 

Hiện nay tỉnh Quảng Bình có trên 3.600 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký gần 19.000 tỷ đồng. Công tác triển khai thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong thời gian qua đã tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp luật, ý thức tìm hiểu, tuân thủ pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chủ động phòng ngừa rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp.

Những thuận lợi cơ bản trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thể hiện:
Thứ nhất, công tác pháp chế nói chung và công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp do các sở, ngành thực hiện nói riêng, hiện đã có một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật tương đối đầy đủ từ Trung ương đến địa phương để tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện công tác này.

Thứ hai, Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ ra đời đã tạo điều kiện để củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ pháp chế sở, ngành theo hướng đảm bảo về số lượng cũng như chất lượng đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp do các sở, ngành thực hiện trong giai đoạn hiện nay.
Thứ ba, các doanh nghiệp trên địa bàn Quảng bình ngày càng ý thức hơn về vai trò của pháp luật đối với hoạt động quản lý, điều hành, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nên doanh nghiệp cũng đã có sự quan tâm hơn đến việc đầu tư cho tổ chức pháp chế. Nhu cầu hỗ trợ pháp lý cũng cao hơn, tích cực đón nhận sự hỗ trợ pháp lý từ các cơ quan chức năng của Nhà nước, đặc biệt đối với những vấn đề pháp lý mới khi Việt Nam gia nhập kinh tế quốc tế hiện nay. 

Thứ tư, với việc “phủ sóng” ngày càng rộng của Nghị định 66, với nhu cầu được hỗ trợ pháp lý từ các sở, ngành của doanh nghiệp ngày càng cao và với kinh nghiệm thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của các sở, ngành trên địa bàn Quảng bình thời gian qua giúp công tác hỗ trợ pháp lý do các sở, ngành thực hiện ngày càng thiết thực, đi vào chiều sâu, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp đồng thời đáp ứng được yêu cầu quản lý xã hội bằng pháp luật.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy còn nhiều bất cập trong triển khai thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, cụ thể là:

- Tổ chức pháp chế sở, ngành Quảng bình vẫn chưa được tổ chức theo một mô hình thống nhất, do đó, chất lượng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hiện nay chưa cao, chưa đồng đều giữa các sở, ngành và vị trí, vai trò của tổ chức pháp chế sở, ngành trong công tác này cũng chưa được thể hiện rõ nét. Nhiều sở, ngành có chức năng tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực liên quan nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp nhưng chỉ bố trí cán bộ kiêm nhiệm công tác pháp chế, trong đó có công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chứ chưa quan tâm đầu tư thành lập, củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế cơ quan mình một cách quy củ, bài bản, chuyên nghiệp để tham mưu cho Thủ trưởng cơ quan thực hiện hiệu quả công tác pháp chế nói chung, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói riêng. 

- Cán bộ pháp chế sở, ngành phải kiêm nhiệm, chưa thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức cũng như kỹ năng, nghiệp vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, lại hay luân chuyển do đó chất lượng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hiện nay chưa cao. 

- Các mức chi và một số nội dung chi khác tại Thông tư 157/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 12.10.2010 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp không còn phù hợp với thực tiễn, chưa thu hút được sự tham gia của đội ngũ chuyên gia giỏi vào công tác này.

- Chưa có quy định chính thức về cơ chế phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và hiệu quả giữa các tổ chức pháp chế Trung ương cũng như sở, ngành địa phương trong quá trình thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Do vậy các sở, ngành chưa chủ động nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp và hỗ trợ đúng các nhu cầu doanh nghiệp cần để tìm ra “chìa khóa” giải quyết tốt công tác hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp trong tương lai. 

- Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung và công tác này tại Quảng bình nói riêng hiệu quả chưa cao một phần là do nhận thức của Lãnh đạo một số sở, ngành về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác pháp chế còn hạn chế, dẫn đến việc triển khai công tác pháp chế nói chung, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

- Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi chúng ta đang quản lý, vận hành và phát triển nền kinh tế thị trường, đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hội nhập kinh tế quốc tế thì yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ cán bộ pháp chế sở, ngành trong công tác này ngày càng cao, đòi hỏi đội ngũ này không chỉ cần có trình độ chuyên ngành luật để có khả năng tiếp cận nhanh các văn bản pháp luật liên quan đến doanh nghiệp, nhất là các văn bản mới, không chỉ nắm vững, hiểu rõ các quy định pháp luật liên quan mật thiết đến hoạt động của doanh nghiệp, mà còn phải nắm vững pháp luật và tập quán quốc tế, các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, các Điều ước quốc tế liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà Việt Nam là quốc gia thành viên, những vấn đề cần lưu ý khi xuất khẩu hàng hóa sang các nước, quy định và thực tiễn giải quyết các tranh chấp đầu tư, thương mại quốc tế theo các Hiệp định thương mại. Trong khi đó, trên thực tế, vẫn còn một bộ phận cán bộ pháp chế sở, ngành chưa nắm hết các quy định nói trên và nếu nắm được thì còn rất mơ hồ. Đó là chưa kể đến yếu tố năng lực, kinh nghiệm thực tiễn cũng như nắm bắt đúng nhu cầu của doanh nghiệp để từ đó tham mưu cho thủ trưởng sở, ngành hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. 


Một số giải pháp để thực hiện tốt hơn công tác này trong thời gian tới.

Một là: Để tạo nguồn lực đảm bảo cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong tình hình mới, cần quy định cụ thể các nhiệm vụ, quyền hạn các tổ chức pháp chế trên cơ sở sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan như Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Trách nhiệm Bồi thường của Nhà nước, các luật về tổ chức của Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân… và các Nghị định về tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan Chính phủ và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đến nay, Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp chưa có Thông tư quy định cụ thể về tổ chức, bộ máy, biên chế của Phòng Pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh nên địa phương gặp khó khăn trong việc triển khai thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP. Mặt khác, Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04.04.2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các văn bản chuyên ngành lại không quy định việc thành lập Phòng Pháp chế trong cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn. Do đó, để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong tổ chức, bộ máy, biên chế của Phòng Pháp chế, đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp cần rà soát lại các quy định hiện hành về cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh để bảo đảm thống nhất của hệ thống pháp luật. Đồng thời, Bộ Tư pháp cần phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng Quy chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, UBND cấp tỉnh và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trong việc triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Hai là: Thực hiện chuẩn hóa tiêu chuẩn cán bộ làm công tác pháp chế. Thời gian đến cần nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí, yêu cầu cụ thể đối với cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Ngoài ra, cần có cơ chế chính sách cụ thể để thu hút những người có kinh nghiệm, có trình độ vào làm việc tại các tổ chức pháp chế, nhất là tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.

Nghị định số 55/2011/NĐ-CP mới chỉ quy định chung chung về việc Bộ Tư pháp có trách nhiệm bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ về công tác pháp chế nhưng chưa quy định cụ thể về nghiệp vụ pháp chế. Do đó, để nâng cao năng lực của tổ chức, đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế, cần có hướng dẫn cụ thể về kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế tại địa phương; thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn, bồi dưỡng cơ bản và nâng cao kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức pháp chế tại địa phương nói chung, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp do cán bộ pháp chế sở, ngành địa phương thực hiện nói riêng, nội dung tập huấn chủ yếu tập trung vào kỹ năng của từng lĩnh vực cụ thể và trao đổi kinh nghiệm trong tổ chức triển khai thực hiện công tác pháp chế vì đa số cán bộ pháp chế vẫn còn hạn chế về kỹ năng, nghiệp vụ và thiếu kinh nghiệm thực tế; tránh việc tập huấn chỉ nhằm triển khai các văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời cần quan tâm đến việc tập huấn pháp luật và tập quán quốc tế, các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, các Điều ước quốc tế liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà Việt Nam là quốc gia thành viên.

Ba là: Cần sớm ban hành chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp để khuyến khích tinh thần làm việc cũng như các đóng góp của đội ngũ cán bộ pháp chế cho công tác pháp chế sở, ngành nói chung và công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói riêng. 

Xuất phát từ thực trạng và nhu cầu tại địa phương, trong thời gian đến cần có một tổ chức chuyên trách, làm đầu mối triển khai công tác hỗ trợ pháp luật cho doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ, giải đáp chính sách, pháp luật liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nên cần nghiên cứu để đề xuất thành lập Trung tâm hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thuộc Sở Tư pháp, Trung tâm này hoạt động theo cơ chế đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động được quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25.4.2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Trung tâm hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thuộc Sở Tư pháp sẽ là đầu mối, chịu trách nhiệm chính trong việc triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, là địa chỉ chính thống để doanh nghiệp tìm đến khi có nhu cầu được hỗ trợ.

(Theo Quang Binh.gov.vn)

0 lượt xem