Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Lao động - việc làm

Thêm cơ hội phát triển thị trường lao động

17/06/2019 10:27:29 Xem cỡ chữ Google
Việt Nam đã bước một bước tiến quan trọng trong phát triển thị trường lao động với việc gia nhập Công ước số 88 của ILO, Công ước về Tổ chức dịch vụ việc làm. Theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, việc gia nhập này sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy thị trường lao động (TTLĐ) hiệu quả.

Ảnh minh họa

Dịch vụ việc làm thúc đẩy sự phát triển, hội nhập và sử dụng lực lượng lao động hiệu quả. Để đạt được mục tiêu này, dịch vụ việc làm phục vụ hai nhóm đối tượng khách hàng trực tiếp: người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ). Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ người tìm việc sử dụng các kênh chính thức (dịch vụ việc làm) ngày càng tăng nhưng mới chỉ có một số ít các kênh tìm việc được sử dụng. Một nghiên cứu do ILO thực hiện dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy khoảng 40% thanh niên tìm được việc nhờ giới thiệu từ bạn bè và gia đình. Bà Valentina Barcucci, chuyên gia kinh tế lao động của ILO Việt Nam, nhận định, khi Việt Nam đang trải qua quá trình chuyển đổi kinh tế, việc phê chuẩn công ước này nhằm thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ việc làm là một bước tiến quan trọng. Công nghiệp hóa, hội nhập vào các thị trường khu vực và toàn cầu và đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng lên, đã và đang biến thị trường lao động (TTLĐ) trở thành nơi mà cơ hội việc làm, yêu cầu về trình độ và kỹ năng trở nên chính thức hơn. Theo đó, cần áp dụng các phương thức kết nối giữa công việc tuyển dụng với người tìm việc hiệu quả và dễ tiếp cận hơn.

Cũng theo bà Barcucci, ở một đất nước đang trong quá trình chuyển đổi như Việt Nam, thông tin TTLĐ là một nguồn dữ liệu quan trọng cho biết thị trường đang biến chuyển như thế nào. Dịch vụ việc làm có thể cung cấp một tập hợp lớn thông tin TTLĐ thông qua dữ liệu hành chính từ hồ sơ của người tìm việc, nghề nghiệp theo yêu cầu của NSDLĐ và cùng với đó là yêu cầu về kỹ năng, thời gian tìm việc theo hồ sơ của người tìm việc, những vị trí khó tuyển nhân sự và những thông tin khác. Tất cả những dữ liệu này giúp trả lời những câu hỏi như NSDLĐ đang cần những kỹ năng nào? Người tìm việc có tìm được công việc phù hợp với trình độ của họ không? Đối tượng nào cần tìm việc trong thời gian tương đối dài hơn? Những kỹ năng nào đang còn thiếu và chưa cần đến trên TTLĐ? Đáp án cho những câu hỏi này là thông tin đầu vào quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách. Những thông tin này có thể được sử dụng để định kỳ sửa đổi chính sách việc làm và chính sách phát triển kỹ năng nhằm giúp NLĐ thích ứng với những thay đổi của TTLĐ và NSDLĐ có được những kỹ năng mà họ cần vì một nền kinh tế vững mạnh hơn.

Thúc đẩy dịch vụ việc làm cũng đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh Việt Nam sẽ đảm nhận vị trí chủ tịch khối ASEAN vào năm 2020. Công ước số 88 quy định rằng một trong những mục tiêu của dịch vụ việc làm là hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và dịch chuyển về địa lý. Trong bối cảnh tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến 2025, với định hướng hội nhập kinh tế và văn hóa, ASEAN dự kiến sẽ mở cửa hơn nữa trong một số lĩnh vực, trong đó có cả việc “di chuyển tự do” lao động có kỹ năng. “Việc phê chuẩn Công ước là một bước quan trọng hướng tới tăng cường dịch vụ việc làm trong nước. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một bước đi trên cả con đường,” bà Barcucci cho biết, đồng thời tái khẳng định cam kết của ILO sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ, tổ chức của NSDLĐ và NLĐ nhằm đảm bảo sẽ có các chính sách và chương trình thực thi Công ước. ILO cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật đối với những cam kết về thể chế như công tác báo cáo chính thức về tình hình thực thi Công ước số 88. Công ước về tổ chức dịch vụ việc làm là công ước thứ 22 của ILO mà Việt Nam đã phê chuẩn. Dự kiến trong năm 2019, Việt Nam cũng sẽ gia nhập Công ước số 98 về quyền được tổ chức và thương lượng tập thể - một trong những công ước cơ bản chưa được phê chuẩn và Công ước số 159 về phục hồi chức năng lao động và việc làm.

Hiện hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm đã hình thành mạng lưới tại các tỉnh, thành, tuy nhiên việc kết nối việc làm mới chỉ tập trung tại một số thành phố lớn. Trong khi đó, tại các tỉnh, thành, hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm mới chỉ dừng lại việc chi trả bảo hiểm thất nghiệp, nên chưa phát huy việc kết nối việc làm trên TTLĐ. Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia để đáp ứng sự phát triển của TTLĐ, hệ thống TTDVVL cần phải được đầu tư nâng cấp cả về con người và cơ vật chất để đáp ứng nhu cầu tìm việc của người lao động và doanh nghiệp.

 

(Theo Cổng TTĐT Bộ Lao động TB&XH)

0 lượt xem