Số liệu quản lý của cơ quan thuế cho thấy tình trạng doanh nghiệp (DN) bỏ địa chỉ kinh doanh có xu hướng tăng trong giai đoạn từ 2021-2023.
Cơ quan Thuế yêu cầu tăng cường quản lý thuế với doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn, điều này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan như do dịch bệnh Covid-19 với những hậu quả nặng nề dẫn đến tình trạng DN phải dừng hoạt động sản xuất kinh doanh do giãn cách xã hội và không thể thực hiện được các thủ tục chấm dứt hoạt động kinh doanh…
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy một bộ phận DN lợi dụng sự những kẻ hở của pháp luật, lợi dụng sự thông thoáng trong quy định thành lập mới DN để bỏ địa chỉ kinh doanh với mục đích trốn thuế hoặc thành lập DN đề mua bán trái phép hóa đơn hoặc thành lập DN mới…
Theo Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế Lê Thị Duyên Hải, qua rà soát đánh giá thực trạng công tác quản lý thuế đối với các DN này, đã có nhiều nhiều giải pháp về mặt chính sách như sửa đổi, bổ sung các quy định về luật DN, nghị định đăng ký kinh doanh, sửa đổi, bổ sung nghị định quản lý hóa đơn điện tử… tuy nhiên thực tiễn quản lý vẫn đang tồn tại những vấn đề phức tạp cần tiếp tục nghiên cứu để đưa ra những giải pháp quản lý.
Để kiểm soát tình trạng mua bán hóa đơn đang diễn ra hiện nay, ngành Thuế đã triển khai công cụ đối chiếu hóa đơn điện tử và tờ khai thuế GTGT của các DN trên. Công cụ này đang phát huy hiệu quả khả quan trong công tác quản lý, theo đó đã giúp cơ quan thuế các cấp phát hiện nhiều trường hợp DN vi phạm và đã đưa ra những biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật thuế.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế đề nghị các Cục Thuế địa phương cần rà soát, phân loại, đánh giá và xử lý ngay theo quy định đối với các DN không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh, DN ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế.
Đồng thời, Tổng cục Thuế cũng giao Vụ Kê khai và Kế toán thuế chủ trì phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục Thuế tăng cường quản lý thuế đối với các DN này.
(Theo ANTĐ)
0 lượt xem