Lao động nông thôn di cư ra thành thị và các khu công nghiệp đang là một xu hướng mạnh mẽ, có vai trò rất quan trọng trong quá trình sự phát triển KT-XH của đất nước. Tuy nhiên, đây cũng là lực lượng lao động dễ bị tổn thương nhất và khó tiếp cận với các chính sách về an sinh xã hội trong đó có chính sách về việc làm.
Lao động di cư khó có cơ hội tiếp cận dịch vụ việc làm
Lao động di cư với mục đích chủ yếu là tìm kiếm việc làm có thu nhập cao hơn
Theo kết quả Điều tra di cư nội địa quốc gia năm 2015 của Tổng cục Thống kê, cả nước có 13,6% dân số là người di cư, trong đó 17,3% người di cư ở độ tuổi lao động từ 15 - 59 tuổi. Đa số người di cư xuất thân từ nông thôn, chiếm 79,1% tổng số người di cư.
Các nghiên cứu về di cư ở Việt Nam của Ngân hàng Thế giới, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cũng chỉ ra rằng, lao động đi cư, đặc biệt là lao động nữ, là một trong những lực lượng lao động chịu nhiều thiệt thòi do mô hình kinh tế tăng trưởng nhanh hiện nay. Mặc dù họ tham gia vào cả lực lượng lao động chính thức lẫn phi chính thức, nhiều lao động di cư không được hưởng những quyền lợi từ các chính sách an sinh xã hội, như lao động, việc làm, giảm nghèo, BHXH, bảo trợ xã hội, các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, tiếp cận thông tin...
Bên cạnh đó, thu nhập của họ không ổn định và bấp bênh từ những công việc chỉ được ký hợp đồng lao động ngắn hạn hoặc thậm chí không có hợp đồng.
Trong những năm gần đây, các hiệp định tự do thương mại được Việt Nam ký kết có các yêu cầu bảo vệ lao động. Điều này đặt ra thách thức cũng như cơ hội cho Việt Nam khi các doanh nghiệp thường theo đuổi mục tiêu lợi nhuận, chi phí thấp thông qua việc không đảm bảo điều kiện làm việc, thời gian làm việc dài và hạn chế người lao động tiếp cận các phúc lợi xã hội.
Kết quả điều tra, khảo sát thuộc Dự án “Phát triển thị trường lao động và việc làm” do Bộ LĐ-TBXH tiến hành cũng cho thấy, chủ yếu các lao động di cư đều nhằm mục đích tìm kiếm cho mình một công việc có thể mang lại thu nhập cao hơn. Lao động nông thôn và lao động vùng biên di cư thường là những lao động trẻ tuổi (trong độ tuổi từ 18 - 35), tỷ lệ nữ giới cao hơn, chiếm khoảng 60%, tỷ lệ nam khoảng 40%. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy thực tế khoảng 65% lao động di cư không có chuyên môn kỹ thuật, công việc của lao động di cư trình độ thấp chủ yếu là những công việc chân tay, không ổn định, môi trường làm việc độc hại, nguy hiểm... Bên cạnh đó, lao động di cư làm nghề tự do thường không có hợp đồng lao động, không tham gia BHXH, BHYT … Chính điều này khiến cho việc quản lý việc làm của lao động di cư trở nên khó khăn hơn, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải có biện pháp hỗ trợ cho lao động di cư tìm được việc làm ổn định, đảm bảo an sinh xã hội cho lao động di cư.
Đẩy mạnh hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động di cư
Từ năm 2017, Bộ LĐ-TBXH đã triển khai dự án “Phát triển thị trường lao động và việc làm” với mục tiêu là nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động; hỗ trợ tạo việc làm cho người khuyết tật, người dân tộc thiểu số và hỗ trợ lao động nông thôn di cư ra thành thị, các khu công nghiệp và lao động vùng biên, từ đó góp phần đẩy mạnh vấn đề giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, cải thiện đời sống của người lao động...
Với nội dung “Hỗ trợ lao động di cư từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp và lao động vùng biên” dự án tập trung triển khai các hoạt động như: khảo sát tình hình lao động di cư; hỗ trợ lao động di cư tại Trung tâm dịch vụ việc làm (TTDVVL).
Theo đó, lao động di cư đến các TTDVVL sẽ được hỗ trợ tư vấn, cung cấp thông tin lao động việc làm; tư vấn nghề nghiệp, giới thiệu việc làm; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn các kỹ năng tìm việc, làm việc. Cụ thể, Dự án đề ra mục tiêu đến năm 2020: Tư vấn việc làm và học nghề để 45% đến 50% số người người lao động đến các TTDVVL được giới thiệu tìm việc làm và 70% trong số đó có kết nối việc làm thành công; Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm cho 10.000 lượt người lao động di cư.
Theo Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội Đào Quang Vinh, qua hơn 30 năm hoạt động, hệ thống dịch vụ việc làm đã đóng vai trò rất quan trọng trong kết nối cung cầu lao động, rút ngắn thời gian tìm việc của người lao động, thời gian tuyển dụng của người sử dụng lao động nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp, cung cấp các dịch vụ tư vấn chính sách, nghề nghiệp, việc làm, xuất khẩu lao động, dịch vụ dạy nghề ngắn hạn góp phần vào giải quyết việc làm và phát triển thị trường lao động.
"Trong thời gian tới, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, đặc biệt là tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ đặt ra những thách thức to lớn đối với thị trường lao động Việt Nam. Đó là mức độ rủi ro về việc làm có khả năng tăng lên ở những nhóm lao động có trình độ và kỹ thấp, lao động nữ, lao động trung niên và cao tuổi do thay đổi cơ cấu sản xuất, đổi mới mô hình tăng trưởng. Những biến động của thị trường lao động đòi hỏi chính sách, pháp luật về BHTN phải được đổi mới và hoàn thiện để trở thành một công cụ quản trị, điều tiết thị trường lao động hiệu quả với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động chủ động phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro, đồng thời tăng cường kỹ năng và các cơ hội tham gia thị trường lao động cho người lao động." ông Đào Quang Vinh nhấn mạnh.
(Theo CTTĐT Bộ Lao động TB&XH)
0 lượt xem