Toàn tỉnh hiện có 1.585 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký trên 2 ngàn tỷ đồng. Trong đó, có 20 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư trên 205 triệu USD.
Công nhân Công ty cổ phần Dược phẩm Yên Bái đóng gói sản phẩm.
Có thể nói, trong sự phát triển kinh tế, xã hội địa phương đã có sự đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Năm 2016, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã đóng góp vào ngân sách trên 879 tỷ đồng, chiếm khoảng 41% tổng thu cân đối trên địa bàn; giải quyết được gần 30.000 lao động và đóng góp vào các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, an ninh trật tự toàn tỉnh.
Từ sự đóng góp này, các doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng tự khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của mình đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và cho thấy sự trưởng thành, phát triển của các doanh nghiệp đã tăng lên rất nhiều. Vượt qua nhiều khó khăn, đến nay, một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đầu tư của các doanh nghiệp đã ổn định và phát triển theo chiều sâu, bền vững.
Phát huy vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân và hưởng ứng Phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” do Thủ tướng Chính phủ phát động, Yên Bái đã xây dựng và phát động sâu rộng phong trào tới 100% doanh nghiệp.
Với mục tiêu đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển có sức cạnh tranh cao, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo để phát triển. Phấn đấu đến năm 2020, trên địa bàn có trên 1.900 doanh nghiệp và trên 370 hợp tác xã; tỷ lệ huy động tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) vào ngân sách tăng lên 10,5%; tạo thêm việc làm cho 17.000 lao động mỗi năm; 50% doanh nghiệp được hỗ trợ pháp lý; đào tạo, bỗi dưỡng kiến thức về khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp.
Nội dung thi đua rất cụ thể và đối với các sở, ban, ngành, địa phương tập trung vào cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thực hiện nghiêm về quy định giải quyết thủ tục hành chính; tạo dựng môi trường thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, cải tiến công nghệ; đảm bảo cho doanh nghiệp bình đẳng trong sản xuất, kinh doanh; thực hiện nghiêm các quy định về đất đai, xây dựng, môi trường, đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư; giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp thi đua, nỗ lực làm giàu văn minh, đoàn kết, hợp tác, đổi mới, sáng tạo, tuân thủ pháp luật; thực hiện đầy đủ trách nhiệm với xã hội và văn hóa kinh doanh, xây dựng Yên Bái giàu có, thịnh vượng.
Tạo việc làm cho người lao động là sứ mệnh của doanh nghiệp và coi đây là một trong những tiêu chí chủ yếu đóng góp của doanh nhân với đất nước và tỉnh Yên Bái.
Vận động cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức thi đua, sáng tạo, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa, học kỹ thuật vào sản xuất, giảm chi phí quản lý, tiêu hao nhiên liệu, nâng cao hiệu quả máy móc, tạo sản phẩm chất lượng, giá thành rẻ, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong, ngoài nước.
Yên Bái cam kết thực hiện “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” đối với doanh nghiệp. Tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng an toàn, thân thiện, hiệu quả; cải cách bộ máy hành chính theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, giải quyết kịp thời khó khăn của doanh nghiệp.
Mỗi doanh nghiệp, doanh nhân cần phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, chung sức, đồng lòng, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, tập hợp thành sức mạnh thời đại của cộng đồng doanh nghiệp, nỗ lực vượt qua các khó khăn, thách thức để tiếp tục khởi nghiệp và phát triển bền vững, làm giàu cho mình, cho xã hội và vì sự thịnh vượng của đất nước trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.
506 lượt xem
1