CTTĐT - Nằm ở phía Bắc tỉnh Yên Bái, huyện Văn Yên có diện tích tự nhiên trên 139 nghìn ha; trong đó, đất lâm nghiệp chiếm 75%. Do có địa hình đồi núi cao, nằm trong vùng khí hậu phù hợp với sự sinh trưởng của cây quế, nên vùng quế Văn Yên được hình thành từ lâu đời và gắn liền với cuộc sống của người Dao. Người Dao ở Văn Yên cần cù, chịu khó, gắn bó với cây quế, nghề quế, nên những kinh nghiệm trồng quế đặc trưng như: chọn giống, trồng cây, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản cũng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Dao.
Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện Văn Yên trong nhiều nhiệm kỳ luôn xác định cây quế là cây chủ lực trong phát triển kinh tế. Theo đó, huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng, các xã có biện pháp duy trì diện tích, sản lượng quế; khai thác phù hợp; bảo tồn nguồn gen quý của giống quế bản địa; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở thu mua quế vỏ, chế biến tinh dầu quế hoạt động. Hàng năm, huyện trồng mới từ 1.500 đến 1.600 ha quế. Nhờ đó, cây quế đã có mặt ở cả 27 xã, thị trấn với diện tích trên 40.000 ha và trở thành vùng chuyên canh quế hàng hóa lớn nhất cả nước.
Cây quế ở Văn Yên đã mang lại thu nhập rất lớn cho người trồng quế, bởi vỏ, gỗ, lá, gốc rễ đều có giá trị sử dụng trong một số ngành sản xuất và đời sống nên đều có thể trở thành hàng hóa. Với giá trị như vậy, cây quế ngày càng khẳng định vị thế kinh tế chủ lực.
Mỗi năm, huyện xuất ra thị trường khoảng 9.000 tấn vỏ quế khô; cành, lá quế đạt khoảng 55.000 tấn; tinh dầu quế khoảng 290 tấn; gỗ quế đạt 62.000 m3. Nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cây quế và hàng nghìn hộ đã xóa đói, giảm nghèo, có cuộc sống ổn định hay trở nên giàu có nhờ cây quế. Nguồn thu từ cây quế mang lại cho người dân Văn Yên mỗi năm khoảng trên 540 tỷ đồng, góp phần quan trọng vào thúc đẩy kinh tế, xã hội, thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới.
Những năm qua, huyện đã có nhiều giải pháp để phát triển vùng nguyên liệu quế ổn định, bền vững. Đi đôi với việc vận động nhân dân trồng quế theo vùng tập trung với các giống quế chất lượng cao, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, huyện đặc biệt chú trọng xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu quế bằng việc xác lập quyền chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế tập trung vào các xã vùng cao nhằm bảo tồn nguồn gen có quý.
Thực hiện đề án bảo tồn nguồn giống quế lá nhỏ, ngọn đỏ bản địa, huyện đã lựa chọn được 90 cây quế khỏe mạnh, sạch bệnh, đường kính thân trên 30 cm, chiều cao 15m trở lên ở các xã: Đại Sơn, Viễn Sơn, Xuân Tầm để bảo tồn nguồn gen. Ngoài ra, huyện còn bảo tồn 14 ha quế ở các xã: Mỏ Vàng, Đại Sơn, Viễn Sơn, Nà Hẩu để làm nguồn giống cung ứng cho kế hoạch trồng quế hàng năm và làm tiền đề phục vụ du lịch. Tháng 1 năm 2010, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã có quyết định chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế Văn Yên. Như vậy, Văn Yên sở hữu vùng quế lớn thứ nhất nước với giống quế được coi là tốt nhất và là sản phẩm thứ 16 trên toàn quốc được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm.
Cùng với đó, huyện đã xây dựng các chính sách hỗ trợ khoa học, kỹ thuật; hỗ trợ rừng trồng sản xuất; tổ chức tập huấn cho người dân cách trồng, chăm sóc, khai thác, bảo vệ quế đúng quy trình kỹ thuật; thành lập hiệp hội chế biến quế. Đồng thời, tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến, thu mua, tiêu thụ sản phẩm từ vỏ, gỗ và cành, lá quế.
Đến nay huyện có 12 nhà máy sản xuất, chế biến tinh dầu quế; 16 doanh nghiệp, hợp tác xã gia công sơ chế, kinh doanh quế vỏ, 9 hợp tác xã chế biến gỗ quế và hàng nghìn hộ thu mua, gia công, sơ chế, kinh doanh các sản phẩm quế.
Vượt qua những thăng trầm, biến động của cơ chế thị trường, cây quế Văn Yên vững vàng phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện môi trường sinh thái. Quế đã trở thành cây kinh tế chủ lực của riêng Văn Yên và là một trong số những cây kinh tế chủ lực tham gia vào thị trường nông - lâm sản xuất khẩu của tỉnh Yên Bái.
Đặc biệt, từ khi được nhận văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho cây quế, uy tín trên thị trường trong và ngoài nước của cây quế đã được nâng cao, góp phần tăng hiệu quả kinh tế, tạo thương hiệu bền vững cho sản phẩm quế Văn Yên đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, ngoài nước như thị trường Mỹ, Hà Lan, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ và các nước Đông Âu.
Với những ưu thế vượt trội, cây quế tiếp tục được xác định là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế của Văn Yên trong nhiều năm tới. Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV (nhiệm kỳ 2015 - 2020), huyện đã quy hoạch diện tích nhằm ổn định vùng quế chất lượng cao ở 10 xã vùng cao và ở 8 xã nằm dọc hai bên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Đồng thời, chỉ đạo phát triển sản xuất quế theo hướng hàng hoá, tạo ra sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ đáp ứng thị trường trong, ngoài nước. Gắn sản xuất quế với công nghiệp chế biến các sản phẩm từ cây quế và tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào chế biến sản phẩm nông lâm nghiệp, trong đó, có sản phẩm quế.
Quy hoạch các cơ sở chế biến vỏ quế, gỗ quế, tinh dầu quế theo hướng bền vững và hướng tới áp dụng các công nghệ chế biến, quy trình quản lý chất lượng cao cho sản phẩm quế, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm khi xuất ra thị trường. Quan tâm phát triển đường giao thông nông thôn để tạo điều kiện cho nhân dân sản xuất, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm quế.
Cùng đó, huyện đã và đang tiếp tục cải cách thủ tục hành chính phù hợp để tạo môi trường lành mạnh cho các hoạt động đầu tư, thương mại, du lịch. Qua đó, liên kết phát triển thị trường quế trong và ngoài nước cũng như liên kết phát triển du lịch trên địa bàn huyện được thuận lợi…
904 lượt xem