CTTĐT - Với quan điểm "Các doanh nghiệp đến địa phương đầu tư chân chính, tuân thủ đúng quy định của pháp luật để tạo ra nguồn thu, tạo thêm việc làm cho lao động và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, là ân nhân của tỉnh", thời gian qua tỉnh Yên Bái đã quan tâm triển khai nhiều chính sách, cơ chế ưu đãi, nguồn vốn, thị trường, tạo động lực cho các doanh nghiệp hoạt động và phát triển trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh sản xuất tại Công ty Cổ phần Nhựa và Khoáng sản An phát
Bằng sự nỗ lực của cộng đồng các doanh nhân, doanh nghiệp, kinh tế tỉnh Yên Bái đã có bước phát triển mạnh mẽ, hàng vạn lao động địa phương được giải quyết việc làm, công tác an sinh xã hội được quan tâm, điều này ngày càng được khẳng định vai trò doanh nhân, doanh nghiệp đối với sự phát triển của tỉnh Yên Bái, đồng thời khẳng định hiệu quả của cơ chế, chính sách đồng hành cùng doanh nghiệp của tỉnh Yên Bái trong thời gian qua.
Công ty Cổ phần Nhựa và Khoáng sản An phát, Khu công nghiệp phía Nam là đơn vị sản xuất phụ gia ngành nhựa, đi vào hoạt động từ năm 2009 với vốn điều lệ ban đầu 50 tỷ đồng. Công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại với các sản phẩm chính là hạt phụ gia anphat calbest (PP, PE) ứng dụng làm phụ gia trong các sản phẩm của ngành nhựa và sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất mỹ phẩm, sản xuất sơn, giấy… Trong giai đoạn 2013 - 2014, công ty tăng vốn điều lệ từ 40 tỷ đồng lên 83 tỷ đồng, nâng công suất lên 20 nghìn tấn/năm. Tháng 10/2016, công ty tăng vốn điều lệ lên 136 tỷ đồng và bắt đầu mở rộng công suất chất nhựa phụ gia lên 150.000 tấn/năm và công suất bột 220.000 tấn CaCO3/năm. Tháng 6/2017, công ty Cổ phần Nhựa và Khoáng sản An phát Yên Bái đã chính thức niêm yết cổ phần tại Sở Giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh.
Ông Vũ Thanh Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), Giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa và Khoáng sản An Phát - Yên Bái cho biết: “Doanh nghiệp có được thành công như vậy là nhờ sự quan tâm sát sao của tỉnh, mà trực tiếp là Ban Quản lý các khu công nghiệp đã tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động từ chính sách ưu đãi đến cơ sở hạ tầng. Tôi hi vọng trong thời gian tới, tỉnh có chỉ đạo về việc đào tạo nguồn lao động để đáp ứng với nhu cầu thị trường. Công ty cam kết sẽ đầu tư sâu rộng hơn nữa để đóng góp vào sự phát triển của tỉnh nhà, cũng như công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động.”
“Bên cạnh đó Công ty sẽ tiếp tục đầu tư đổi mới dây chuyền, thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước, hướng tới mục tiêu trở thành doanh nghiệp số 1 Việt Nam về về ngành nhựa phụ gia. Trước mắt, phấn đấu doanh thu năm 2017 đạt 1.150 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 70 tỷ đồng.”, Ông Bình cho biết:
Trên 1.600 doanh nghiệp tỉnh Yên Bái hiện đang nỗ lực thực hiện hiệu quả kinh doanh bằng cách khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương, khẳng định rõ vai trò là lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế với việc đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP cũng như đóng góp lớn vào ngân sách trên địa bàn. Tổng số tiền các doanh nghiệp đã nộp vào ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm đạt 716 tỷ đồng, chiếm trên 51,7% tổng thu cân đối trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp đã giải quyết việc làm cho trên 31 nghìn lao động với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng, và đóng góp lớn vào các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, an ninh trật tự toàn tỉnh. Nhiều doanh nghiệp đã vượt qua thời kỳ khó khăn, hoạt động đi vào chiều sâu, mở rộng sản xuất. Nhiều lĩnh vực có tín hiệu đáng mừng, tăng trưởng tốt so với những năm trước như đá trắng, gạch xây dựng, tinh dầu quế, gỗ ván ép…
Ông Trần Công Bình - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông lâm sản thực phẩm cho biết: “Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, hỗ trợ từ tỉnh, đặc biệt là được cung cấp kịp thời các thông tin về chính sách, hỗ trợ đầu tư, các thủ tục hành chính, lãnh đạo tỉnh thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp thông qua Chương trình cà phê doanh nhân qua đó đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Chúng tôi mong muốn thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp vì sự phát triển chung của tỉnh.”
Để từng bước tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, thời gian qua tỉnh Yên Bái đã triển khai nhiều chính sách, cơ chế ưu đãi, nguồn vốn, thị trường, tạo động lực cho các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Tỉnh đã tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh. Cùng với việc việc đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp xuống còn tối đa 2 ngày, giảm 50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, UBND tỉnh còn thường xuyên tổ chức gặp mặt doanh nghiệp, tổ chức "Cafe doanh nhân - Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp” qua đó kịp thời giải quyết khó khăn, lắng nghe ý kiến góp ý từ doanh nghiệp, xây dựng chính sách phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển; thành lập tổ công tác nắm bắt và giải quyết khó khăn của doanh nghiệp do chính đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng, công khai số điện thoại của lãnh đạo UBND tỉnh…
Tại buổi gặp mặt các doanh nghiệp thường kỳ tháng 7, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy đã nhấn mạnh: “Quan điểm của tỉnh xuyên suốt là hỗ trợ mọi doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, trong đó chủ trương của Chính phủ ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân. Tỉnh cam kết hỗ trợ doanh nghiệp từ thủ tục thành lập, hướng dẫn đăng ký kinh doanh, lập dự án đầu tư, vận dụng các chính sách ưu đãi của nhà nước, hỗ trợ nghiên cứu, tiếp cận các quy định của pháp luật…đảm bảo mọi doanh nghiệp được kinh doanh bình đẳng, lành mạnh.”
Với những bước đi, hành động quyết liệt với quyết tâm cao nhằm xây dựng một chính quyền kiến tạo, phục vụ, Yên Bái đấu đến năm 2020 có khoảng 1.900 doanh nghiệp và khoảng 370 hợp tác xã hoạt động, tỷ lệ huy động tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) vào ngân sách tăng lên 10,5%. Tạo thêm việc làm mới cho khoảng 17.000 lao động/năm.
564 lượt xem
Hiền Trang