Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Chính quyền đồng hành với doanh nghiệp >> Kinh tế

“Chính sách đối với loại hình kinh doanh mới còn nhiều bất cập”

29/08/2018 14:59:50 Xem cỡ chữ Google
Đó là khẳng định của VCCI trong Công văn số 301/TCTTTg trả lời Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị góp ý đối với Dự thảo Nghị định điều kiện kinh doanh vận tải.

Trong bối cảnh kinh tế chia sẻ và công nghệ 4.0, đã và sẽ xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh mới tương tự Grab

Theo dự kiến tại Điều 16 Dự thảo, ngoài một số quy định bổ sung liên quan trực tiếp tới hợp đồng vận tải điện tử (các khoản 1-3), chưa có cơ chế nào mới hay riêng biệt nào được dự kiến cho Grab, ngoại trừ khoản 4 Điều 16 dẫn chiếu tới cơ chế quản lý thông thường với taxi truyền thống.

Về điều khoản này, VCCI cho rằng, về mặt logic, pháp luật phải được điều chỉnh để thích ứng với những dạng thức mới phát sinh trong cuộc sống. Và mặc dù có rất nhiều tranh cãi, tất cả đều đồng thuận quan điểm cho rằng Grab là hình thức kinh doanh mới, không giống với các hình thức kinh doanh đã có trước đây về mối quan hệ giữa các bên Grab-bên vận chuyển-hành khách. Do đó, việc áp đặt cơ chế quản lý cũ cho một hình thái kinh doanh mới là không hợp lý.

Tuy nhiên, theo VCCI, khác với các dịch vụ môi giới thông thường, Grab là dịch vụ môi giới sử dụng công nghệ có thể ảnh hưởng đến một số lượng lớn bên cung cấp dịch vụ vận chuyển và khách hàng (có thể là hàng trăm ngàn chủ thể), tức là có thể tác động tới một nhóm lợi ích đáng kể (ở mức có thể coi là lợi ích công cộng).

Do đó, cần có biện pháp kiểm soát để giảm thiểu các tác động bất lợi mà hoạt động vận chuyển hành khách qua môi giới của Grab có nguy cơ gây ra.

Theo đó, VCCI cho rằng, để bảo đảm bên vận chuyển tuân thủ pháp luật, qua đó bảo đảm quyền lợi cho hành khách, Grab phải bảo đảm rằng tất cả các bên vận chuyển tham gia vào mạng lưới kết nối môi giới của Grab phải có Giấy phép kinh doanh vận tải, đáp ứng đầy đủ quy định của pháp luật đối với người cung cấp dịch vụ vận tải và Grab phải xuất trình được Giấy phép của bên cung cấp dịch vụ vận tải mà Grab là môi giới.

Để bảo đảm lợi ích của hành khách trong trường hợp xảy ra tranh chấp với bên vận chuyển, Grab có thể phải chịu trách nhiệm đại diện bên vận chuyển xử lý tranh chấp, bồi thường thiệt hại cho khách hàng, nếu có, sau đó Grab yêu cầu bên vận chuyển trả lại cho mình sau (tương tự cách thức bảo hiểm trách nhiệm dân sự với bên thứ ba);

Để bảo đảm lợi ích của bên vận chuyển, Grab có thể phải thực hiện một số nghĩa vụ nhất định đối với bên vận chuyển tham gia mạng lưới môi giới của mình để giảm thiểu nguy cơ nhóm này có thể thua thiệt trong thương lượng với Grab. Cũng về vấn đề này, cần chú ý rằng pháp luật về kinh doanh vận tải không phải công cụ duy nhất để bảo vệ bên vận chuyển trong trường hợp này.

"Ví dụ, nếu Grab áp đặt các điều kiện về giá cước, tỷ lệ trích trả hoa hồng môi giới một cách bất hợp lý, gây thiệt hại cho bên vận chuyển, bên vận chuyển hoàn toàn có thể kiện Grab vì hành vi lạm dụng vị trí độc quyền/thống lĩnh thị trường theo pháp luật cạnh tranh", VCCI đề xuất.

Ngoài ra, VCCI đề xuất, để bảo đảm lợi ích của Nhà nước liên quan đến vấn đề thuế của dịch vụ kiểu Grab, Bộ Tài chính sẽ phải nghiên cứu xây dựng một cơ chế về thuế mới phù hợp tính chất và bối cảnh của loại hình kinh doanh này.

VCCI cũng lưu ý rằng trong bối cảnh kinh tế chia sẻ và công nghệ 4.0, đã và sẽ xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh mới tương tự Grab. Do đó, từ góc độ chính sách, việc nhận diện đúng bản chất và xác định cơ chế quản lý tương ứng cho dịch vụ kinh doanh kiểu Grab là rất quan trọng và cần được thực hiện cẩn trọng nhằm bảo đảm sự thống nhất chung trong quản lý của Nhà nước đối với các hình thức kinh doanh tương tự Grab trong các lĩnh vực kinh tế khác.

Tạp chí Vietnam Business Forum

620 lượt xem