CTTĐT - Sáng 27/9, Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư do đồng chí Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương dẫn đầu đã làm việc với các sở, ngành Yên Bái nhằm Khảo sát tình hình phát triển của khu vực kinh tế tư nhân tại tỉnh.
Toàn cảnh buổi làm việc
Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
Theo Báo cáo của UBND tỉnh Yên Bái, tính đến hết tháng 9/2019 toàn tỉnh có 2.082 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký trên 25 nghìn tỷ đồng; 21.379 hộ kinh doanh với số vốn đăng ký 2.921 tỷ đồng.
Trong những năm qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đóng góp đáng kể vào kết quả tăng trưởng kinh tế của tỉnh, tích cực đầu tư, mở rộng thị trường, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đóng góp cho ngân sách nhà nước, tích cực tham gia có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội.
Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh hàng năm tăng bình quân trên 10%; nộp ngân sách của các doanh nghiệp hàng năm chiếm trên 60% tổng số thu ngân sách trên địa bàn. 9 tháng đầu năm 2019 thu ngân sách toàn tỉnh đạt 784,7 tỷ đồng, trong đó thu từ doanh nghiệp ngoài nhà nước khoảng 325 tỷ đồng. Tổng số lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 37.374 người, mức thu nhập bình quân của khu vực ngoài nhà nước là 5,3 triệu đồng/người/tháng; khu vực doanh nghiệp FDI khoảng 6,5 triệu đồng/người/tháng.
Đến nay, tổng số dự án do các doanh nghiệp đang thực hiện trên địa bàn tỉnh là 485 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng trên 71 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên trong phát triển kinh tế tư nhân tại tỉnh Yên Bái cũng còn gặp nhiều khó khăn như: số lượng doanh nghiệp còn ít, quy mô doanh nghiệp; công nghệ lạc hậu, năng lực vốn, nguồn nhân lực, quản trị doanh nghiệp còn hạn chế nên sức cạnh tranh thấp; hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa cao; khả năng liên kết, liên doanh chưa mạnh. Cùng với đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, cung ứng công nghiệp công nghiệp cao còn ít...
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh đã nêu lên những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong triển khai các chính sách phát triển kinh tế tư nhân đối với từng ngành. Cụ thể là vướng mắc về quy định đối với dự án sử dụng đất thông qua đấu giá đất, đấu thầu đất, đấu thầu dự án, quyết định chủ trương đầu tư, các quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai và Luật Đấu thầu không tương thích; một số vướng mắc về thủ tục đầu tư đối với các dự án xây dựng khu đô thị… Cùng với đó là những đề xuất về việc ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ cụ thể, phù hợp với các tỉnh miền núi trong phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông liên kết vùng; các cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân.
Thay mặt đoàn công tác đồng chí Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã tiếp thu các ý kiến của các đại biểu tại buổi làm việc để cùng với ý kiến của các địa phương khác trong cả nước và các ngành xây dựng các báo cáo đánh giá về phát triển kinh tế - xã hội chuẩn bị cho Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
655 lượt xem
Thanh Thủy