CTTĐT - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện Trấn Yên phải sản xuất cầm chừng, thậm chí ngừng sản xuất. Điều này đồng nghĩa có nhiều lao động bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tại nhiều đơn vị, người lao động vẫn sẵn sàng bám trụ, đồng hành cùng doanh nghiệp bởi họ tin đây chỉ là giai đoạn khó khăn tạm thời, nhất định doanh nghiệp sẽ vượt qua và phát triển trở lại.
.Đoàn viên CĐCS Công ty TNHH 1 thành viên Lâm nghiệp Việt Hưng vẫn hăng say sản xuất
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chị Nguyễn Thị Ngọc Lan thuộc tổ Nung đốt của Công ty Cổ phần sản xuất vật liệu xây dựng Bảo Hưng cũng như 27 đoàn viên công đoàn nơi đây phải luân phiên nghỉ việc. Những ngày đi làm, được công ty bố trí công việc không đúng chuyên môn, thu nhập không tăng, lại vất vả hơn nhưng chị Lan vẫn vui vẻ và cảm thấy may mắn vì vẫn có việc để làm. Chị Lan cho rằng: “trong giai đoạn khó khăn này, người lao động càng phải chăm chỉ hơn, đem lại hiệu suất lao động cao hơn, như vậy mới chung tay cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh”.
Nhằm chia sẻ khó khăn với chủ sử dụng lao động trong thời kỳ dịch bệnh, các công đoàn cơ sở khối doanh nghiệp đã “đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, như chấp nhận việc làm bị gián đoạn, chậm nhận lương, làm trái nghề… tất cả đều hướng tới một niềm tin doanh nghiệp nhất định sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn để khôi phục lại sản xuất”. Đó là lời khẳng định của anh Đoàn Văn Tài - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần sản xuất vật liệu và xây dựng công trình Tài Đức.
Cho dù có sự chung tay đồng hành của người lao động thời gian qua. Nhưng từ đầu năm đến nay mọi sản phẩm của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Việt Hưng hầu như không xuất bán được, vì vậy tình trạng chi trả lương và khoản theo lương cho hơn 500 lao động không đảm bảo. Nếu tình trạng này còn kéo dài thì 2/3 số người lao động sẽ mất việc làm, các mục tiêu Công ty đề ra trong năm 2020 sẽ không thực hiện được. Ông Mai Văn Hoàng - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Việt Hưng rất mong muốn: “các ngành chức năng giải quyết cho công ty được chậm nộp các loại hình bảo hiểm, các khoản thuế và được vay vốn để duy trì sản xuất”.
Hiện nay, huyện Trấn Yên có 184 công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, giải quyết việc làm cho trên 2.800 lao động. Qua rà soát, hầu hết công ty đều chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trong đó có 7 công ty, doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, với 368 lao động phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không lương với người sử dụng lao động từ 14 ngày làm việc trở lên. Dự kiến sẽ có 146 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trên cơ sở đó, Liên đoàn lao động huyện Trấn Yên cùng các công đoàn cơ sở vận động người lao động chia sẻ khó khăn cùng công ty, trực tiếp làm việc với chủ sử dụng lao động bàn các biện pháp giải quyết nhu cầu về vốn vay, chế độ cho người lao động theo quy định của pháp luật. Ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Liên đoàn lao động huyện Trấn Yên cho rằng: “Liên đoàn lao động huyện Trấn Yên tiếp tục tuyên truyền tốt cho đoàn viên công đoàn, người lao động thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19 bằng nhiều hình thức khác nhau để đồng hành, chia sẻ với chủ doanh nghiệp để vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh, đồng thời đề nghị với các ngành chức năng tạm hoãn,hoặc miễn các nghĩa vụ của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19; Chỉ đạo các công đoàn cơ sở tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện sự hỗ trợ của Chính phủ cho người lao động, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, tránh trục lợi chính sách”.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng với sự đồng hành, gắn bó, chia sẻ khó khăn của người lao động với doanh nghiệp, cùng với các giải pháp và quyết tâm của doanh nghiệp trong chiến lược sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19. Hy vọng các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Trấn Yên sẽ sớm ổn định sản xuất, nâng cao đời sống, việc làm cho người lao động.
Thanh Hùng
1894 lượt xem