Đến nay, dù chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm Covid-19, nhưng những tác động của nó đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh (SXKD) của cá nhân, doanh nghiệp (DN) trong tỉnh. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là các DN xuất khẩu do phần lớn các sản phẩm này đều xuất bán sang thị trường Trung Quốc.
Gia công giấy xuất khẩu tại Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái.
Để tăng sức "đề kháng” cho doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng.
Doanh nghiệp căng mình cầm cự
Những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã và đang tác động trực tiếp đến SXKD của DN. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là các DN xuất khẩu do phần lớn các sản phẩm này đều xuất bán sang thị trường Trung Quốc.
Nhà máy sản xuất, chế biến tinh bột sắn của Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Yên Bình hiện hoạt động khá cầm chừng. Trước đây, chưa có dịch Covid-19, mỗi tháng Công ty xuất được 1.000 tấn tinh bột sắn nhưng từ sau tết đến nay không xuất bán được và tồn khoảng 3.000 tấn, tương đương khoảng 25 tỷ đồng. Công ty TNHH Minh Nghĩa Yên Bái, thuộc Cụm Công nghiệp Âu Lâu, thành phố Yên Bái cũng vậy.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc Công ty cho biết: "Do thị trường tiêu thụ bị đóng cửa, nên hiện nay Công ty còn tồn khoảng 8 tấn tinh dầu quế với giá trị hơn 3 tỷ đồng. Tồn hàng, đồng nghĩa với việc thiếu vốn để sản xuất, nhất là tiền thu mua nguyên liệu cho nông dân, buộc Công ty chỉ hoạt động 1 dây chuyền sản xuất. Để duy trì sản xuất, Công ty đang nỗ lực huy động nguồn vốn từ anh em, bạn bè, tiếp tục theo dõi sát tình hình xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới chờ thông thương hàng hóa”.
Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái với ngành nghề kinh doanh chính là chế biến, gia công, kinh doanh lâm nông sản thực phẩm. Các sản phẩm chủ lực gồm: tinh bột sắn, tinh dầu quế, giấy đế và gia công vàng mã xuất khẩu.
Hiện, Công ty có 8 nhà máy, trong đó, có 1 nhà máy chế biến tinh bột sắn tại huyện Văn Yên; 4 nhà máy sản xuất giấy đế tại các huyện: Văn Yên, Văn Chấn, Trấn Yên, Yên Bình; 2 nhà máy gia công vàng mã xuất khẩu tại thành phố Yên Bái và huyện Yên Bình; 1 nhà máy chế biến tinh dầu quế ở huyện Văn Chấn.
Các mặt hàng của Công ty xuất khẩu sang thị trường chính là Trung Quốc, Đài Loan; do đó, khi có dịch Covid-19, các mặt hàng gần như bị đóng cửa thị trường. Riêng tinh bột sắn hiện tồn kho khoảng 12.000 tấn, tương đương trên 100 tỷ đồng.
Hiện, Công ty không xác định được hiệu quả kinh doanh của năm nay là bao nhiêu, bởi tinh bột sắn là một trong những sản phẩm quan trọng, chiếm 50% tỷ trọng kể cả doanh thu lẫn hiệu quả kinh doanh của Công ty.
Ông Trần Công Bình-Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh cho biết: "Để tháo gỡ khó khăn cho DN, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ hỗ trợ giảm thuế, tiền thuê đất, kiến nghị ngân hàng giảm lãi suất cho vay kể cả vay SXKD hoặc đầu tư; tăng hạn mức tín dụng với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên tinh thần tín chấp, cởi mở và thông thoáng về thủ tục; giảm một phần hoặc chậm nộp bảo hiểm xã hội; hỗ trợ xúc tiến thương mại, nhất là thị trường ngoài Trung Quốc.
Cấp đủ vốn linh hoạt các giải pháp tín dụng
Trước khó khăn của DN, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng.
Ông Bùi Trung Thu - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Yên Bái cho biết: "Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tỉnh Yên Bái và Chi nhánh đã chỉ đạo tất cả các tổ chức tín dụng trong tỉnh rà soát để thống kê mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhất là những ngành, lĩnh vực: du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu… để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.
Thông qua các biện pháp: cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn giảm lãi vay các khoản vay hiện hữu; xem xét giảm lãi các khoản cho vay mới, miễn giảm các loại phí; triển khai các chương trình sản phẩm tiện dụng... để chia sẻ khó khăn, hỗ trợ người dân, DN khắc phục thiệt hại. Chủ động hướng dẫn, hỗ trợ khách hàng trong quá trình xử lý các đề nghị tháo gỡ khó khăn về hoạt động vay vốn”.
Chia sẻ khó khăn với khách hàng, các ngân hàng thương mại trong tỉnh đã có phản ứng rất kịp thời giúp khách hàng vượt khó. Ngân hàng Agribank Chi nhánh Yên Bái đã chỉ đạo các phòng, chi nhánh trực thuộc thường xuyên theo dõi, rà soát, nắm bắt tình hình SXKD, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là những ngành, lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng nhiều như: du lịch, nhà hàng, khách sạn, nông nghiệp, xuất khẩu, đặc biệt là các DN sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu và xuất khẩu là thị trường Trung Quốc.
Đồng thời, chủ động đến làm việc với khách hàng chứ không đợi khách hàng đến ngân hàng; xác định mức độ thiệt hại để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Theo rà soát, đến 19/3, có 20 khách hàng chịu ảnh hưởng Covid-19 với dư nợ khoảng 233 tỷ đồng, lãi lũy kế bị ảnh hưởng 4,4 tỷ đồng.
Cùng hệ thống Ngân hàng Agribank, ông Nguyễn Mạnh Hồng - Giám đốc Agribank Chi nhánh Bắc Yên Bái cho biết: "Chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo các ngân hàng loại II, các phòng giao dịch trực thuộc chủ động làm việc với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn theo chỉ đạo của Thống đốc như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ; xem xét miễn, giảm lãi tiền vay; linh hoạt đối tượng đầu tư thay thế phù hợp; cân đối, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho vay mới theo quy định của pháp luật hiện hành nhằm duy trì và ổn định SXKD... và hiện dư nợ của Chi nhánh khoảng 5.000 tỷ đồng. Qua rà soát dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là 33,2 tỷ đồng của 9 khách hàng vay vốn, chủ yếu các khách hàng nằm ở nhóm vận tải hành khách, chế biến nông lâm sản, kinh doanh nhà hàng khách sạn”.
Tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển (BIDV) Yên Bái, các chính sách tín dụng nhằm hỗ trợ khách hàng cũng được triển khai kịp thời. Đánh giá tác động của dịch Covid-19, ông Phạm Trung Tùng - Giám đốc BIDV Yên Bái cho biết: "Chi nhánh hiện có khoảng hơn 200 DN vay vốn. Trong đó, có khoảng 850 tỷ đồng số dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm 17% trên tổng dư nợ, trong đó, 20 khách hàng là DN với dư nợ 700 tỷ, 50 khách hàng cá nhân với dư nợ 150 tỷ đồng. Chúng tôi chỉ đạo cán bộ, nhân viên của Ngân hàng nỗ lực hết mình, giải quyết các thủ tục hỗ trợ DN, cá nhân trong khoảng thời gian nhanh nhất; trong đó, giảm lãi vay trong vòng 1 ngày thủ tục phải xong, cơ cấu lại thời hạn trả nợ trong 2 ngày phải xong, thủ tục nhanh hơn cho vay; từ đó, giúp khách hàng vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19".
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Yên Bái, hết ngày 19/3, các chi nhánh ngân hàng đã áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho 190 khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ là 687.156 triệu đồng. Trong đó, dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 59.754 triệu đồng của 7 khách hàng; dư nợ cho vay mới là 395.196 triệu đồng của 156 khách hàng; dư nợ được miễn, giảm lãi vay là 232.206 triệu đồng của 27 khách hàng.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ, kịp thời của các các ngân hàng thương mại trên địa bàn, được kỳ vọng sẽ tiếp thêm sức mạnh để DN vượt qua khó khăn hiện tại, ổn định sản xuất.
1305 lượt xem
1